Nâng cao chất lượng phục vụ nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản luôn được CTCK Sài Gòn - SSI ưu tiên thực hiện. Để hiểu rõ hơn về những giải pháp SSI triển khai, phóng viên Người Đồng Hành đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Phương - Chuyên viên môi giới cấp cao khách hàng Nhật Bản.
Thưa bà, Chính phủ đã ban hành nghị định 60 trong đó sẽ mở room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài ở các DN. Bà đánh giá thế nào về tiềm năng nhà đầu tư nước ngoài (nhất là nhà đầu tư cá nhân) sẽ tham gia thị trường chứng khoán sau khi nghị định 60 có hiệu lực
Bà Nguyễn Thị Thu Phương: Một điều không thể phủ nhận là Nghị định 60 cũng như Thông tư 123 mới được thông qua chính là chìa khóa giúp nâng tầm TTCKVN. Bằng chứng là từ khi thông tin về nới “room” được thông báo, thị trường chúng ta đón nhận làn sóng nước ngoài mạnh mẽ nhất trong 5 năm trở lại đây với hơn 140 tổ chức và 360 nhà đầu tư ngoại quốc đổ vốn vào thị trường của chúng ta (tính tới hết tháng 7). “Nút thắt” hạn chế TTCKVN phát triển sẽ chính thức được gỡ bỏ từ ngày 1/9/2015 tới đây.
Trước đây, NĐT nước ngoài mất thời gian khá lâu, có khi kéo dài đến hàng tháng để hoàn thành thủ tục pháp lý để được cấp mã số giao dịch chứng khoán. Giờ đây, Thông tư 123 đã giúp họ chỉ còn mất một ngày.
Với sự quản lý chặt chẽ của các Cơ quan nhà nước và tính minh bạch ngày càng tăng cao trong hệ thống các doanh nghiệp niêm yết thì các NĐT nước ngoài sẽ cảm thấy an tâm và thuận tiện hơn rất nhiều khi đầu tư vào thị trường của chúng ta.
Ngoài rào cản về pháp lý thì lý do chính khiến cho dòng vốn nước ngoài đổ vào TTCKVN chưa cao như kì vọng là do hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các công ty niêm yết (hiện tỷ lệ là 30% đối với ngành ngân hàng & bảo hiểm, và 49% với các ngành còn lại). Quy mô thị trường chứng khoán VN còn rất nhỏ bé so với các thị trường khác trong khu vực, trong khi các cổ phiếu tốt như VNM, FPT, SSI… đã hết room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Vì vậy, việc nới room trước hết tạo cơ hội cho các NĐT nước ngoài thêm nhiều cơ hội để tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam, tham gia vào quá trình phát triển của các doanh nghiệp lớn. Nếu hoạt động minh bạch và có đường lối rõ ràng thì chắc chắn các doanh nghiệp VN sẽ nâng hạng TTCK lên rất nhanh khi các rào cản về pháp lý và hạn chế sở hữu cơ bản đã được gỡ bỏ, đẩy mạnh sự tham gia của NĐT nước ngoài.
Nói đến nhà đầu nước ngoài đối với kinh tế VN nói chung và TTCK nói riêng không thể không nhắc tới nhà đầu tư Nhật Bản. Cụ thể, đối với SSI nhà đầu tư Nhật Bản, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân có vai trò như thế nào, thưa bà?
Nhà đầu tư cá nhân nước ngoài, đặc biệt là những khách hàng đến từ Nhật Bản đã, đang và sẽ luôn là những đối tác hàng đầu của TTCKVN nói chung và SSI nói riêng.
Việt Nam từ khi kinh tế mở cửa đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ về vốn từ các nguồn FDI, ODA… của Nhật Bản, trong đó TTCK đã nhận được một sự thúc đẩy mạnh mẽ từ các nhà đầu tư đến từ đất nước Mặt Trời mọc. Với vai trò là nhà Môi Giới, chúng tôi luôn ấn tượng với sự tỉ mỉ nhưng rất quyết tâm, thầm lặng nhưng bền bỉ mãnh liệt trong cách thức đầu tư của người Nhật. NĐT Nhật luôn dẫn đầu về số lượng tài khoản của NĐT nước ngoài tại SSI, cụ thể là có tới hơn 2000 tài khoản, chiếm hơn 60% tổng số lượng tài khoản nước ngoài ở Công ty.
Không chỉ đông đảo nhất về số lượng, NĐT Nhật bản còn đứng đầu về giá trị tài sản và giá trị giao dịch.
Những chia sẻ của bà mang tính định hướng. Vậy cụ thể, SSI đã làm gì để phục vụ các “thượng đế lớn” của mình?
Như đã nói ở trên về vị thế của các NĐT Nhật Bản, thì việc đi trước đón đầu những yêu cầu và nguyện vọng của họ là việc SSI đặc biệt quan tâm và nỗ lực hoàn thiện để có thể cung cấp khách Nhật hiện tại sản phẩm và dịch vụ tốt nhất so với các công ty chứng khoán khác, đồng thời thu hút thêm khách hàng mới, góp phần tiếp tục khẳng định vị thế của CKCT số 1 Việt Nam đối với nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.
Sau khi tìm hiểu những thói quen đầu tư và những vấn đề mà các nhà đầu tư Nhật gặp phải khi kết nối với thị trường Việt Nam thì chúng tôi đã lên kế hoạch để khắc phục cũng như đưa ra những gợi ý để nâng cao chất lượng giao dịch, sản phẩm dịch vụ tại SSI. Và một trong những bước đó là sau một thời gian dài chuẩn bị đến nay chúng tôi chính thức cho ra mắt giao diện tiếng Nhật trên 2 kênh giao dịch trực tuyến chính là Web Trading và Mobile Trading.
Lý do chúng tôi hướng đến việc hoàn thiện sản phẩm giao dịch trực tuyến bởi sau nhiều năm phục vụ đông đảo khách Nhật, chúng tôi thấu hiểu được rào cản về ngôn ngữ khách Nhật gặp phải khi đến với thị trường Việt Nam.
Trên thị trường hiện nay mới có rất ít CTCK hỗ trợ giao diện tiếng Nhật cũng như cung cấp thông tin tiếng Nhật thường xuyên cho khách, do đa số có suy nghĩ chủ quan rằng các NĐT nước ngoài nào cũng có thể sử dụng thành thạo giao diện tiếng Anh. Các NĐT Nhật Bản, đặc biệt là các NĐT cá nhân trung niên thường khi giao dịch luôn cần có phiên dịch viên hoặc môi giới tiếng Nhật để hỗ trợ ngôn ngữ.
Với giao diện tiếng Nhật mới được hoàn thiện trên 2 kênh giao dịch trực tuyến, SSI sẽ mang tới cho các khách hàng Nhật Bản những tiện ích thực sự trong giao dịch, giúp nhà đầu tư giao dịch, đặt lệnh, xem lịch sử giao dịch…một cách thuận tiện và chủ động nhất, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư ở TTCK VN.