Ngày 9/10/2015, CTCP Y tế Việt Nhật đã công bố báo cáo tài chính quý I NĐTC 2015 (từ 31/3-30/6) sau 4 lần Sở GDCK Tp.HCM gửi công văn nhắc nhở và thực hiện nhắc nhở trên toàn thị trường ngày 7/10 do chậm trễ trong việc CBTT BCTC quý I/2015.
Đây cũng là lời cam kết của JVC với các cổ đông, công bố BCTC không muộn hơn ngày 10/10. Tuy nhiên, BCTC không có phần thuyết minh và cũng không được soát xét như JVC đã đề cập tại Buổi gặp gỡ với các cổ đông ngày 30/9.
Giảm tiền mặt do chi trả lãi vay và chuyển trước cho nhà cung cấp
Theo BCTC do JVC cung cấp, tổng tài sản của JVC giảm nhẹ 188 tỷ đồng so với thời điểm ngày 1/4/2015, còn 2.300 tỷ đồng.
Trong vòng 3 tháng, cơ cấu tài tài sản của JVC đã có sự thay đổi đáng kể, tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đã sụt giảm mạnh, trong khi đó các khoản phải thu tăng lên, chiếm khoảng một nửa tổng tài sản của JVC.
Cụ thể, tiền và tương đương tiền giảm 85%, từ 433,6 tỷ đồng xuống còn 66 tỷ đồng. Gần 286 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng cũng đã về 0. Nguyên nhân là do Vietcombank và Vietinbank đã cưỡng chế cắt nợ của JVC sau khi công ty này có biến cố lớn về nhân sự, bà Hồ Bích Ngọc- Kế toán trưởng của JVC cho biết. Khoản vay ngắn và dài hạn đến 30/6 cũng giảm tổng cộng 241 tỷ đồng.
Ngoài dùng tiền để trả nợ vay, JVC còn thực hiện trả trước cho người bán. Khoản mục này đã tăng thêm 487 tỷ đồng. Nhờ tăng thu hồi các khoản phải thu nên tổng cộng Phải thu khách hàng cuối tháng 6 tăng thêm 282 tỷ đồng, đạt 1.171 tỷ đồng, tương đương một nửa tài sản của JVC. Sau 3 tháng, tồn kho của JVC giảm gần 20 tỷ đồng, đạt 312,5 tỷ đồng.
Quý I lãi vỏn vẹn 2,13 tỷ đồng, đã trở lại ổn định từ tháng 9/2015
Quy mô doanh thu và lợi nhuận của JVC đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Y tế Việt Nhật chi thu về hơn 81 tỷ đồng doanh thu, giảm 56% cùng kỳ và 2,77 lợi nhuận sau thuế. Trong đó, riêng cổ đông công ty mẹ chỉ thu về 2,13 tỷ đồng, tương đương 10,5% lợi nhuận mà JVC thu được cùng kỳ.
Theo giải trình của công ty, đây là quý mà JVC đã xảy ra một số biến cố lớn là thay đổi bộ máy lãnh đạo, một số dự án đang triển khai bị đình trệ nên không ghi nhận vào doanh thu quý I.
Chi phí tài chính quý này giảm gần 30% so với cùng kỳ, một phần nhờ các khoản vay đã được hoàn trả. Đại diện JVC từng cho biết việc cắt nợ sẽ giúp JVC giảm chi phí tài chính, tiết kiệm được từ 18-20 tỷ đồng so với 60 tỷ đồng năm 2014.
Chia sẻ tại Buổi gặp mặt cổ đông ngày 30/9, bà Hồ Thị Bích Ngọc khẳng định hoạt động của JVC đã trở lại ổn định và HĐQT đang nỗ lực lấy lại hình ảnh của công ty.
Bà Ngọc cũng cho biết mảng vật tư tiêu hao khá tích cực do JVC áp dụng chương trình bán hàng, khuyến mãi. Mảng bán hàng thiết bị y tế theo thầu gặp khá nhiều khó khăn nhưng không vì đó mà JVC bế tắc. JVC dự kiến sẽ bán thông qua các công ty đại lý đấu thầu. Tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ giảm đi từ 30-35% xuống 10-15% nhưng sẽ giúp JVC giải quyết hàng tồn kho sẵn có.
Một số dự án của công ty như dự án trái phiếu chính phủ tại Quảng Bình mà JVC đang rót vốn sẽ ghi nhận doanh thu trong quý II NĐTC 2015. Báo cáo quý II vì thế sẽ tăng trưởng hơn quý I.
Năm 2015, JVC đặt ra kế hoạch kinh doanh rất khiêm tốn với doanh thu 501 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 17,2 tỷ đồng. Như vậy, quý đầu tiên, JVC mới hoàn thành 16,1% kế hoạch đề ra.
JVC mới đây cũng cho biết sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần 2 vào sáng ngày 30/10/2015, một tháng sau ĐHĐCĐ lần 1 bất thành do chỉ có sự tham gia của 48,72% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.