Giao dịch trên thị trường vẫn đang diễn ra khá chậm, dòng tiền chỉ tập trung vào một vài cổ phiếu nhất định như VHG, JVC, DIG và VCG. Trong đó, VHG đứng giá tham chiếu và tiếp tục dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh trên thị trường, đạt hơn 4,6 triệu đơn vị. Các phiên giao dịch gần đây, VHG liên tục có giao dịch rất sôi động.
Bên cạnh đí, JVC đang giảm sàn và khớp lệnh được hơn 3 triệu đơn vị. Được biết, ngày 18/09/2015, HĐQT Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã JVC-HOSE) nhận được đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT và thành viên Ban Kiểm soát gồm hai thành viên HĐQT người Nhật Bản ông Hosono Kyohei, ông Tashiro Masaaki và thành viên Ban Kiểm soát Vũ Thị Thúy Hằng.
Mở cửa phiên giao dịch mới, các cổ phiếu ngân hàng như BID, CTG, VCB, MBB… đã tiếp tục đua nhau giảm giá và là nhân tố chính kéo thị trường xuống dưới mốc tham chiếu. Hiện giờ, VCB đang giảm nhẹ 300 đồng xuống 44.300 đồng/CP. BID giảm 300 đồng xuống 24.300 đồng/CP. Được biết, trong phiên giao dịch hôm qua, BID tiếp tục gây bất ngờ khi được khối ngoại mua ròng hơn 6,6 tỷ đồng (268.950 cổ phiếu). Tính đến ngày 21/9, quỹ ETF Market Vectors vẫn nắm tới gần 6 triệu cổ phiếu BID.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu dầu như GAS, PVD, PXS… cũng đang giảm giá. Trong phiên 22/9, giá dầu tiếp tục giảm khi thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc,làm gia tăng lo ngại về khả năng nhu cầu năng lượng tiếp tục yếu.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu lớn khác trên thị trường là BVH, VIC, MSN, KLS, NTP… cũng đồng loạt giảm.
Đáng chú ý, Phiên giao dịch ngày 22/9, cổ phiếu VNM của Vinamilk tăng 3.000 đồng, lên 102.000 đồng/cổ phiếu. Với 1,2 tỷ cổ phiếu niêm yết, giá trị niêm yết VNM trên sàn chứng khoán đạt 122.467 tỷ đồng vượt VCB, lên lớn nhất thị trường. Hiện giờ, VNM đang giao dịch ở mức giá tham chiếu là 102.000 đồng/CP.
Giao dịch trên thị trường trong khoảng thời gian đầu diễn ra khá ảm đảm. VHG vẫn đang là cổ phiếu duy nhất trên thị trường khớp lệnh được hơn 1 triệu đơn vị. Hiện giờ mã này đang đứng ở mức giá tham chiếu 8.100 đồng/CP.
Trong khi đó, EIB giảm 100 đồng xuống 11.800 đồng/CP và có thỏa thuận 1,2 triệu cổ phiếu, trị giá 13,8 tỷ đồng.
Sau 30 phút giao dịch, VN-Index giảm 1,87 điểm (-0,33%) xuống còn 571,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 12 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 169 tỷ đồng.
Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng đang giảm 0,27 điểm (-0,35%) xuống còn 78,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,3 triệu cổ phiếu, trị giá trên 14,5 tỷ đồng.
Trong ngắn hạn, VCBS cho rằng phiên tăng nhẹ hôm nay có được nhờ cá biệt một vài cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong khi đó, hầu hết các cổ phiếu trên sàn vẫn trong xu hướng giảm hoặc dao động đi ngang. Như vậy, sự tích cực của thị trường chung chưa được khẳng định và cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cũng khá khó khăn cho số đông nhà đầu tư. Theo đó, VCBS cho rằng nhiều khả năng hai chỉ số vẫn trong thời kỳ đi ngang tích lũy và nhà đầu tư chỉ nên nắm giữ tỷ trọng danh mục thấp với trọng tâm là các blue-chips cơ bản có giá chiết khấu lớn.
Sự kiện đáng chú ý ngày 23/9/2015:
CTC: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức năm 2014 (tỷ lệ 4%) và tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt (tỷ lệ 1%).
MCP: Ngày GD không hưởng quyền tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2015 bằng tiền mặt (tỷ lệ 6%), trả cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 100:8) và thực hiện quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 100:35).
PVI: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt, tỷ lệ 9%.
PHP: Ngày GD không hưởng quyền tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt, tỷ lệ 3%.
SVC: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt, tỷ lệ 12%.