Ngày 16/4 tới đây Tổng công ty Điện lực – Vinacomin sẽ chào bán ra công chúng lần đầu (IPO) 236,39 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 10.000 đồng/cp.
Giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị của Vinacomin Power chỉ đạt 5.600 tỷ đồng tuy nhiên công ty phát hành thêm 1.200 tỷ để tăng vốn cho các dự án nhà máy điện đang điển khai.
Như vậy sau cổ phần hóa vốn điều lệ của Vinacomin Power dự kiến sẽ đạt 6.800 tỷ trong đó Nhà nước (Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam – TKV) chiếm 65%, bán ra công chúng 34,76% và chào bán cho người lao động (ESOP) 0,24%.
1 trong 3 trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Vinacomin Power có trụ sở chính tại Tầng 2, tòa nhà San Nam, phường Dịch vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội. Sản phẩm và dịch vụ chủ yếu của công ty là điện năng.
Tính đến thời điểm hiện tại Vinacomin Power đang sở hữu 100% vốn tại 5 công ty trong đó có 4 công ty nhiệt điện là Na Dương, Cao Ngạn (110Mw), Sơn Động (220Mw), Đông Triều (440Mw) và 1 nhà máy thủy điện Đồng Nai 5, ngoài ra sở hữu tại Nhiệt điện Cẩm Phả (670Mw - 85,75%), Nông Sơn (30 Mw - 88,77%).
Vinacomin Power cũng đang sở hữu tại Nhiệt điện Quảng Ninh (10,62%), Nhiệt điện Hải Phòng (7,21%), Nhơn trạch 2 (NT2 – 5%), Vĩnh Tân (5%).
Theo trao đổi của ban lãnh đạo Vinacomin Power, tính đến nay các nhà máy điện Sơn Động, Cao Ngạn, Đông Triều đã có lãi, nhà máy Nông Sơn đã xong phần chạy tin cậy, tháng 4/2015 sẽ phát điện thương mại, nhà máy Đồng Nai 5 tháng 3 vừa qua đã nghiệm thu xong và kết thúc giai đoạn đầu tư, dự kiến tháng 11/2015 sẽ phát điện 1 đầu máy, đầu 2016 sẽ vận hành các tổ máy còn lại.
Vinacomin Power đã, đang và sẽ thực hiện 14 dự án điện với tổng công suất 5.880 Mư, trở thành một nhà sản xuất điện lớn tham gia vào thị trường cạnh tranh và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Một lợi thế của Vinacomin Power là các nhà máy nhiệt điện nằm ngay cạnh mỏ than, và đã có TKV đảm bảo cung cấp đủ nguồn than. Do nhà máy Nông Sơn chưa đi vào hoạt động nên than từ mỏ Nông Sơn bán cho TKV, nhưng tỷ trọng kinh doanh than trong tổng doanh thu rất nhỏ, chủ yếu doanh thu từ sản xuất kinh doanh điện.
Vẫn còn lỗ lũy kế hơn 300 tỷ: Tỷ giá tăng 1% công ty sẽ thiệt hại 140 tỷ đồng
Về kết quả kinh doanh của Vinacomin Power, năm 2011 do ảnh hưởng tỷ giá tăng vọt khiến công ty bị lỗi 917 tỷ, mặc dù 3 năm sau đó (2012-2014) công ty đều có lãi song tại thời điểm 31/12/2014 Vinacomin Power vẫn có lỗ lũy kế 349 tỷ đồng.
Công ty đang vay nợ ngân hàng khoảng 17.000 tỷ đồng trong đó vay bằng USD khoảng 700 triệu USD. Theo chia sẻ của lãnh đạo công ty, nếu tỷ giá tăng 1% thì lợi nhuận của công ty sẽ giảm 140 tỷ đồng.
Tuy nhiên lãnh đạo công ty chia sẻ, hiện tại chênh lệch tỷ giá không được tính vào giá điện, nếu Bộ Công thương xem xét lại vấn đề này thì lợi nhuận của công ty sẽ tăng lên đáng kể. Với các nhà máy đã vận hành ổn định và dự định năm 2015 sẽ phát điện cạnh tranh nhà máy mới thì lợi nhuận 2015 của công ty dự kiến là 136 tỷ đồng và năm 2016 là 437 tỷ đồng.
Dự kiến lợi nhuận 2015 của Vinacomin Power giảm mạnh so với thực hiện 2015 là do công ty phải trích lập dự phòng đầu tư dài hạn của công ty con và công ty liên kết (do lỗ lũy kế đã hoàn nhập tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp) với số tiền khoảng 200 tỷ.
Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa Vinacomin Power sẽ cổ phần hóa và chào bán một lượng cổ phiếu “khủng” ra thị trường tuy nhiên các thông tin về Tổng công ty này vẫn khá im hơi lặng tiếng. Lãnh đạo công ty cam kết sau cổ phần hóa sẽ giao dịch trên sàn UpCOM trong thời hạn 90 ngày theo Quyết định 51.
Có lẽ, với lượng cổ phiếu khủng như vậy, Vinacomin Power đang mong chờ các cổ đông chiến lược tầm cỡ tham gia mua cổ phần công ty. Với tình hình thị trường niêm yết èo uột và giảm mạnh trong thời gian qua, sẽ là một bài toán khó cho Vinacomin Power nếu mong chờ tỷ lệ thành công 100%.