Thế nhưng nút thắt lớn nhất trong hoạt động của ngành điện bấy lâu nay và cũng là rào cản lớn nhất đối với quá trình cổ phần hóa "ông lớn" này là giá bán điện thì vẫn chưa được tháo gỡ triệt để.
Được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lựa chọn là đơn vị thí điểm để cổ phần hóa, những kinh nghiệm rút ra tại Genco 3 được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các tổng công ty phát điện khác của tập đoàn điện lực quốc gia này.
Nạc kèm mỡ
Genco 3 là đơn vị hiện đang có năng lực sản xuất, vận hành ổn định 3.946 MW điện, trong đó 2.488 MW thuộc công ty mẹ. Các nhà máy của Genco 3 đều là nhà máy nhiệt điện khí đặt tại Trung tâm Điện lực Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Phần còn lại là các nhà máy thủy điện và nhiệt điện than của các đơn vị thành viên. Công ty mẹ chiếm tỷ trọng phát điện lớn tới 88% trong cơ cấu của toàn tổng công ty và được xem là một lợi thế để thúc đẩy cổ phần hóa bởi chi phối kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất toàn tổng công ty.
Thuận lợi khác là các nhà máy nhiệt điện khí của Genco 3 hiện đang vận hành ổn định, nguồn khí đầu vào được đảm bảo và hiện vẫn có giá hấp dẫn so với các nhà máy nhiệt điện dầu vốn ít được huy động ở 2 tổng công ty phát điện còn lại do giá thành sản xuất điện quá cao.
Đánh giá của EVN cho hay, Genco 3 hiện có số lượng lao động/MW thấp nhất, đồng nghĩa với việc chi phí lương tính trên 1 MW điện là thấp nhất. Chưa kể lực lượng lao động của Genco 3 được xem là có nhiều kinh nghiệm, nhiều nhân sự cấp cao đã tham gia điều hành một số công ty cổ phần.
Ở góc độ tài chính, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Genco 3 là 5,47 lần (Genco 1 là 3,76 lần và Genco 2 là 1,91 lần) tuy là con số khá cao, nhưng cũng có nguyên nhân từ việc đây là đơn vị được đầu tư lớn nhất trong số 3 Genco. Hiện Genco 3 đang đầu tư 6 dự án điện có tổng công suất 4.564 MW. Cũng bởi sự năng động này mà Genco 3 cần vốn đối ứng tới gần 40.000 tỷ đồng để thực hiện 6 dự án có tổng mức đầu tư lên tới 132.174 tỷ đồng.
Ông Hoàng Quốc Vượng, người vừa rời khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN để quay lại làm Thứ trưởng Bộ Công Thương hồi cuối tháng 1/2015 cho hay, thời điểm chốt giá trị doanh nghiệp tại Genco 3 là ngày 1/1/2015. Mục tiêu là tiến hành cổ phần hóa Genco 3 và IPO thành công vào tháng 3/2016, sau đó tổ chức đại hội cổ đông lần đầu vào tháng 5/2016. Kinh nghiệm cổ phần hóa Genco 3 sẽ được áp dụng trong quá trình triển khai cổ phần hóa tiếp 2 tổng công ty phát điện còn lại.
Với tư cách là nơi trực tiếp thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch HĐQT Genco 3 cho hay, vốn điều lệ của Genco 3 hiện tại là 12.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là con số hiện tại bởi dự kiến mức vốn điều lệ của Genco 3 sẽ được nâng lên thành 25.000 tỷ đồng.
Mức vốn điều lệ mới này được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết được câu chuyện tài chính của Genco 3 để doanh nghiệp này tự chủ hơn trong việc thu xếp vốn đầu tư cho các công trình điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nút thắt giá điện
Yêu cầu cổ phần hóa cả một tổng công ty phát điện ở giai đoạn này thay vì cổ phần hóa từng nhà máy điện riêng lẻ như đã làm khoảng 8 năm trước cho thấy sự khác biệt đáng kể trong phương thức cổ phần hóa các doanh nghiệp sở hữu các cơ sở phát điện của EVN, đặc biệt trong mối liên quan mật thiết với sự vận hành của thị trường điện cạnh tranh.
Ông Hoàng Quốc Vượng khi còn ở EVN cũng cho biết, EVN đã thảo luận việc bán cổ phần của các tổng công ty phát điện với một số nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư dự án điện BOT tại Việt Nam, "nhưng họ không mặn mà với việc tham gia mua cổ phần của một công ty mẹ có quy mô lớn như Genco. Nếu mua cổ phần từng nhà máy, khả năng tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài này sẽ cao hơn, bởi thông tin đầy đủ và sẽ ít rủi ro".
Việc cổ phần hóa toàn bộ Genco 3 và cả các Genco khác được ví như "bán thịt nạc kèm mỡ" để người mua không chỉ tập trung mua những nhà máy thuận lợi và bỏ lại các nhà máy kém thuận lợi hơn cho nhà nước.
Những năm gần đây EVN đã đầu tư nhiều dự án điện trong tình trạng vốn tự có không nhiều. Vì vậy các Genco gặp phải câu chuyện chỉ tiêu vốn chủ sở hữu/vốn vay không đáp ứng được yêu cầu của bên cho vay và phải có sự trợ giúp của tập đoàn mẹ là EVN. Ngoài ra, do khó khăn chung về tài chính của EVN nên nhiều nhà máy của tập đoàn này có giá bán điện thấp hơn so với được tính theo công thức tại Thông tư 41/2010 của Bộ Công thương. Thực tế này khiến các Genco không hấp dẫn nhà đầu tư như nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác. Với mục tiêu giảm hệ số nợ/vốn chủ sở hữu xuống dưới 3, việc bổ sung vốn để đưa mức vốn chủ sở hữu của Genco 3 lên mức 25.000 tỷ đồng như ông Lê đề cập ở trên là điều đang được cân nhắc.
Ông Lê cho hay, Nhà nước không nói gì về việc cần nắm giữ bao nhiêu vốn điều lệ khi tiến hành cổ phần hóa Genco 3 nên tỷ lệ cổ phần bán ra tối đa là 49%. Cho biết "nếu bán được hết ngay 49% trong lần IPO tới thì quá tốt", nhưng ông Lê cũng thừa nhận "đây là một điều khó" và chỉ hy vọng "bán được 30% là tốt". Thế nhưng nút thắt lớn nhất trong việc cổ phần hóa và IPO Genco 3 nói riêng cũng như nhiều doanh nghiệp khác của ngành điện nói chung vẫn là giá điện. Ông Lê đã không ngại ngần chia sẻ rằng, tìm đối tác chiến lược rất khó. "Bản chất là giá điện, nếu giá tốt thì có người mua", ông Lê cho biết.
"Các nhà máy điện thuộc nhóm đầu tư cơ sở hạ tầng, do đó thông thường các nhà đầu tư quan tâm tới xu hướng đầu tư dài hạn từ 10-15 năm. Nhà máy điện dù lợi nhuận có thể không cao như một số lĩnh vực khác, nhưng xét về lâu dài nhà đầu tư sẽ thấy ngành điện ít rủi ro hơn so với nhiều ngành khác", ông Hoàng Quốc Vượng nhận xét.
Một nghiên cứu đang được hoàn tất của công ty tư vấn AF - Mercados lập cho Ngân hàng Thế giới (WB) liên quan tới các giải pháp chiến lược để tăng cường hoạt động tài chính của các công ty điện lực EVN cũng nhấn mạnh câu chuyện giá điện. Với nhu cầu đầu tư khoảng 7,5 tỷ USD/năm, ngay cả khi có sự tăng cường đầu tư từ khu vực tư nhân, EVN sẽ vẫn phải đầu tư một khoản khá đáng kể, lên tới 28 tỷ USD cho tới năm 2020. "Việc đầu tư quy mô lớn này sẽ rất khó khăn để huy động vốn và sẽ không thể đạt được nếu không có biểu giá điện phù hợp", nghiên cứu này nhận xét.
Nghiên cứu này nhấn mạnh, biểu giá điện hiện nay đang dưới giá thành sản xuất. EVN đã thua lỗ trong 2 năm 2010 và 2011. Kết quả đạt được trong năm 2012 là tốt hơn nhưng các điều kiện để cải thiện, cụ thể là phải có lượng mưa tốt hơn, lại nằm ngoài tầm kiểm soát của EVN.
Trong khi vẫn có nhiều biện pháp để cải thiện tình hình tài chính của EVN như: xử lý các tài sản thứ yếu, cắt giảm nhân công, cải tạo các nhà máy điện cũ và tăng năng suất lao động, thì một điều rõ ràng là chỉ các biện pháp này là không đủ. Trong nhiều lĩnh vực, các hoạt động của EVN đã đạt tiêu chuẩn quốc tế và khó có thể có lợi nhuận dễ dàng bằng cách giảm các tổn thất hay cải thiện tỷ lệ thu tiền điện.
Với nút thắt giá điện hiện nay, rõ ràng là, để Genco 3 IPO thành công cần một phép màu!
Trong 2 năm gần đây, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) có sự chuyển hướng rõ rệt trong chiến lược đầu tư, tập trung vào các ngành có tính chất an toàn và có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình như: điện, nước, than và thoái vốn khỏi các khoản đầu tư trong ngành ngân hàng. Theo thống kê, tỷ trọng các khoản đầu tư của REE trong ngành điện, nước đã tăng từ mức 26% trong năm 2011 lên 83% năm 2013. |