IPO ACV "hút" lượng mua khủng từ tổ chức nước ngoài

(NDH) Hiếm có phiên đấu giá nào lại thu hút được lượng áp đảo các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua vào như phiên đấu giá của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Đã có tới 17 tổ chức ngoại đăng ký mua 84,7 triệu cổ phiếu, vượt 8,87% lượng chào bán.

Sở GDCK Tp.HCM vừa thông báo kết quả đăng ký đấu giá cổ phần của Công ty mẹ - Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV). Kết quả đăng ký đấu giá gây bất ngờ ở yếu tố nhà đầu tư ngoại khi ghi nhận khối lượng đăng ký mua kỷ lục từ các tổ chức đầu tư nước ngước.

Cụ thể, tổng cộng có 306 nhà đầu tư tham gia đăng ký đấu giá mua cổ phần của ACV trong đó có 266 nhà đầu tư trong nước (chiếm gần 87% số nhà đầu tư), 11 tổ chức trong nước; 12 cá nhân nước ngoài và 17 tổ chức nước ngoài.

Khối lượng cổ phần đăng ký đấu giá cổ phần của công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là 114.039.300 cổ phần, vượt 48% so với lượng chào bán. Trong đó cá nhân trong nước đăng ký mua 13 triệu cổ phiếu, tổ chức trong nước đăng ký mua 16,15 triệu cổ phiếu. Cá nhân nước ngoài đăng ký mua 175.000 cổ phiếu.

Đáng chú ý số lượng cổ phần mà tổ chức nước ngoài đăng ký mua xấp xỉ 84,7 triệu cổ phiếu, chiếm 74% lượng cổ phần đăng ký mua và vượt 8,87% lượng cổ phần đăng ký chào bán.

Phiên đấu giá ACV sẽ được tổ chức vào 9h ngày 10/12/2015 ACV. Tổng công ty này sẽ chào bán ra công chúng 77.804.122 cổ phiếu với giá khởi điểm dự kiến 11.800 đồng/cổ phiếu.

Dự kiến sau cổ phần hóa, ACV sẽ có vốn điều lệ 22.430 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 75% vốn (1.682.323.878 cổ phần) của ACV sau cổ phần hóa, 20% vốn sẽ được bán cho nhà đầu tư chiến lược. Lượng cổ phần chào bán ra công chúng chiếm 3,47% vốn (tương đương 77.804.122 cổ phần. Ngoài ra, ACV sẽ bán cho công đoàn tại doanh nghiệp 0,13% vốn, người lao động 0,99% (22.127.800 cổ phần).

Theo chia sẻ của lãnh đạo ACV, 6 tháng đầu năm nay, Tổng công ty chỉ đạt khoảng 30% kế hoạch lợi nhuận cả năm du doanh thu vẫn tăng trưởng mạnh (33%). Nguyên nhân do ACV mới đưa vào khai thác nhà ga T2 Nội Bài nên phải trích lập khấu hao tài sản lớn, với giá trị 1.766 tỷ đồng và thực hiện một số sửa chữa lớn.

Về kết quả hoạt động chi tiết của các cảng hàng không năm 2014 khá ấn tượng. Cụ thể, cảng Tân Sơn Nhất lãi 2.300 tỷ đồng trong năm trước và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới nhờ tăng sản lượng và tài sản đã trích khấu hao hết. Cảng Nội Bài đạt lợi nhuận 1.100 tỷ đồng trong năm 2014, nhưng sang năm 2015 con số này sẽ thấp hơn do phải trích khấu hao cho nhà ga T2 Nội Bài. Cảng Cam Ranh có lãi 60 tỷ đồng, dự kiến năm sau sẽ đầu tư mở rộng nên khả năng sẽ lỗ. Còn cảng hàng không Đà Nẵng, Phú Quốc, Cát Bi đều lãi ít hoặc bị lỗ.

Trong thời gian tới, ACV có kế hoạch mở rộng, cải tạo, nâng cấp các cảng Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng; cảng Phú Bài 70 tỷ đồng; cảng Đà Nẵng 500 tỷ đồng; cảng Chu Lai 300 tỷ và Phú Quốc khoảng 1.000 tỷ đồng. Dự án sân bay Long Thành được định hướng trở thành một cảng hàng không trung chuyển quốc tế với 3 giai đoạn xây dựng. Giai đoạn 1 (từ nay - 2023), tổng mức đầu tư tiền khả thi khoảng 5,45 tỷ USD, công suất 25 triệu lượt khách/năm. Hiện nay, ACV đang triển khai lập hồ sơ đấu thầu, làm dự án khả thi, sớm nhất khởi công vào năm 2018 - 2019 và 2023 đưa vào khai thác.

IPO Cảng Hàng Không Việt Nam

Chỉnh phương án cổ phần hóa ACV
ACV vay 70 tỷ Yên từ vốn ODA Nhật, thời hạn 40 năm
VCBS: Giá trị 1 cổ phần ACV vào khoảng 18.200 đồng
BSC: Giá hợp lý của ACV trong khoảng từ 12.068 đồng/CP đến 14.766 đồng/CP
ACV: Rủi ro trước thềm IPO