Trước đó, FHFA - cơ quan quản lý Fannie Mae và Freddie Mac - đã nộp đơn kiện 18 ngân hàng và tổ chức tài chính cả trong và ngoài nước, trong đó có Bank of America, Goldman Sachs, Morgan Stanley, JPMorgan Chase, Citigroup, Nomura và Credit Suisse, vì đã bán sai quy định chứng khoán thế chấp trị giá lên tới 200 tỷ USD cho hai công ty này và yêu cầu bồi thường hàng tỷ USD thiệt hại.
FHFA cáo buộc các tổ chức tài chính và ngân hàng đã làm sai các báo cáo về các khoản thế chấp để bán tháo trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra và thu lợi nhiều tỷ USD từ phi vụ này.
Riêng đối với HSBC, FHFA cáo buộc ngân hàng này bán 6,2 tỷ USD chứng khoán thế chấp sai quy định - một cáo buộc mà trước đó HSBC luôn phủ nhận. HSBC là ngân hàng thứ 16 đạt được thỏa thuận với FHFA để giải quyết vụ bê bối này.
Hiện chỉ còn Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) của Vương quốc Anh và Ngân hàng Nomura của Nhật Bản đang tiếp tục theo đuổi vụ kiện. Theo hồ sơ vụ kiện, RBS bị cáo buộc bán sai quy định chứng khoán thế chấp với tổng trị giá lên tới 30 tỷ USD.
Khoản tiền HSBC nộp cho FHFA thấp hơn nhiều so với con số 1,6 tỷ USD mà ngân hàng này dự báo cách đây một năm. HSBC cho biết, không giống các tổ chức tài chính khác, ngân hàng này không bị cáo buộc gian lận và đã ngừng phân phối chứng khoán thế chấp bán lẻ ở thị trường Mỹ từ năm 2007.
Ngoài ra, số chứng khoán do HSBC phát hành cũng không bị mất giá nhiều như của các tổ chức tài chính khác, do đó đã giảm thiệt hại cho Fannie Mae và Freddie Mac.
Vụ bê bối đã khiến cho hai công ty Fannie Mae và Freddie Mac thiệt hại hơn 30 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khi mà giá chứng khoán liên tục đi xuống trong bối cảnh các chủ sở hữu nhà ở Mỹ bắt đầu bị vỡ nợ. Fannie Mae và Freddie Mac sau đó đã phải nhờ đến gói cứu trợ trị giá 154 tỷ USD từ Chính phủ Mỹ mới tránh được phá sản.
Cho đến thời điểm này, FHFA đã thu hồi lại được 17,9 tỷ USD từ các ngân hàng và tổ chức tài chính, trong đó có 9,5 tỷ USD từ "đại gia" ngân hàng Mỹ Bank of America./.