Nửa đầu năm 2015, HQC ghi nhận 568,435 tỷ đồng doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ, trong đó, gần như toàn bộ là doanh thu đến từ hoạt động bán bất động sản, trong khi cùng kỳ năm trước, mảng này gần như không mang lại doanh thu cho Công ty.
Với kết quả này, HQC ghi nhận 110,252 tỷ đồng lợi nhuận gộp, lãi sau thuế 50,402 tỷ đồng. Mặc dù ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, nhưng thu nhập trên mỗi cổ phiếu HQC trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 252 đồng. Kế hoạch kinh doanh năm 2015 đã được ĐHCĐ HQC thông qua là 3.225 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 320,2 tỷ đồng.
Chất lượng doanh thu cũng là vấn đề đáng quan tâm. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ của HQC cho thấy, dòng tiền thuần từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty này nửa đầu năm là âm 54,847 tỷ đồng. Dù có thêm 300 tỷ đồng từ phát hành vốn cổ phần thực hiện cuối năm 2014, HQC cũng chỉ có 81,07 tỷ đồng tiền và tương đương tiền vào cuối kỳ.
Nguyên nhân của tình trạng này, ngoài việc tăng chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, thì lý do rất quan trọng là doanh thu không đi kèm với dòng tiền. 6 tháng đầu năm, dù HQC có 568 tỷ đồng doanh thu thuần, nhưng số khoản phải thu khách hàng mua bất động sản tăng từ 487,9 tỷ đồng đầu năm 2015 lên 758,2 tỷ đồng ngày 30/6/2015, tức tăng 270,3 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng doanh thu trong kỳ.
Cũng trong nửa đầu năm, HQC hạch toán 20,3 tỷ đồng doanh thu tài chính từ lãi vay, nhưng số dư tiền lãi cho vay của Công ty tăng lên tương ứng, từ 20,5 tỷ đồng lên 22,6 tỷ đồng đối với các bên có liên quan, từ 80,8 tỷ đồng lên 99,1 tỷ đồng đối với các tổ chức, cá nhân khác.
"Ma trận" phải thu - phải trả
Với cơ cấu tổng tài sản trị giá 4.410,1 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn 2.866,9 tỷ đồng, tài sản dài hạn 1.543,2 tỷ đồng, HQC có tỷ lệ nợ vay và nợ thuê tài chính trên tổng tài sản khá an toàn, dù vốn chủ sở hữu chỉ đạt 2.086,4 tỷ đồng. Tại ngày 30/6, tổng số dư nợ vay và thuê tài chính của HQC là 834,3 tỷ đồng. Thế nhưng, nhìn sâu hơn vào cơ cấu tài sản, nguồn vốn của HQC, NĐT cảm thấy… chóng mặt vì hàng loạt khoản giao dịch chồng chéo với các công ty liên kết, công ty có liên quan.
Cụ thể, trong số 849,1 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khách hàng, HQC có 90,9 tỷ đồng phải thu các bên có liên quan; khoản trả trước ngắn hạn cho người có liên quan là 556,9 tỷ đồng trên tổng số dư 792 tỷ đồng. Đối với khoản mục phải thu cho vay ngắn hạn, các đơn vị có liên chiếm tới 207,5 tỷ đồng trên tổng số dư tài khoản là 382,6 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, HQC ghi nhận 285,1 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện từ các bên có liên quan trên tổng số 322,1 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn, 162,8 tỷ đồng phải trả các bên có liên quan trên tổng số 245,9 tỷ đồng phải trả ngắn hạn; còn khoản phải trả dài hạn trị giá hơn 305 tỷ đồng chính là khoản tiền mượn các thành viên HĐQT.
Việc có quá nhiều số dư dạng phải thu - phải trả đối với các công ty liên kết, đơn vị có liên quan khiến NĐT rất khó để hiểu được bức tranh tài chính thực của HQC. Trong khi đó, số dư phải thu lãi vay lên tới trên 120 tỷ đồng từ các đối tượng khác nhau, hay số dư phải thu dài hạn 285,1 tỷ đồng tiền chuyển nhượng cổ phần từ giai đoạn trước có thể khiến NĐT e ngại về chất lượng các khoản cho vay, mượn, phải thu của Công ty.
Với tình trạng tài sản, nguồn vốn, chất lượng doanh thu như nêu trên và đặc trưng chỉ toàn công ty liên kết, rất khó để công chúng đầu tư có thể nắm được chính xác bức tranh hoạt động tại HQC. Những thành tựu đã ghi nhận về lợi nhuận là đáng để NĐT hy vọng, nhưng các dấu hỏi đi kèm đang rất cần được Ban lãnh đạo HQC giải thích.