HPG sẽ nhập khẩu 300.000 tấn quặng sắt trong nửa đầu năm 2016

(NDH) Hợp đồng thứ hai giữa Hòa Phát và Tập đoàn Anglo America Plc đã được ký kết. Lượng quặng này được khai thác từ mỏ Sishen, Nam Phi. Tháng 6/2015, HPG cũng đã nhập về 55.000 tấn quặng làm nguyên liệu.

Ngày 14/10/2015, CTCP Thép Hòa Phát đã ký hợp đồng nhập khẩu quặng sắt dạng cám của đối tác là Tập đoàn Anglo America Plc, nằm trong Top 5 Tập đoàn khai thác mỏ lớn nhất thế giới.

Theo hợp đồng này, Hòa Phát sẽ nhập 300.000 tấn quặng sắt hàm lượng Fe 63,5% trong vòng 6 tháng đầu năm 2016 có nguồn gốc từ mỏ Sishen thuộc Tập đoàn Anglo American ở Nam Phi.

Đây là hợp đồng thứ hai sau lô quặng 55.000 tấn, nhập về ngày 21/6/2015. Tuy nhiên, khối lượng nhập khẩu lần này lớn hơn đáng kể, đồng thời trong khoảng thời gian dài hơi hơn.

Hòa Phát cho biết lượng quặng nhập khẩu này nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu chất lượng cho sản xuất của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Hải Dương. Theo tính toán của công ty, từ quý I/2016, Khu liên hợp gang thép sẽ đạt công suất gần 1,8 triệu tấn. Nhu cầu quặng sắt có hàm lượng cao của Hòa Phát là rất lớn, trong khi trong nước không đáp ứng đủ.

Ông Mai Văn Hà – Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát cho biết thêm, giá thu mua quặng hàm lượng 63,5% Fe trong nước thời điểm hiện tại khoảng 1.250.000 đồng/tấn, trong khi giá nhập khẩu vào khoảng 55USD (giá về đến cảng của nhà máy), tức là giá quặng mua trong nước và thị trường quốc tế gần tương đương nhau.

Tuy nhiên, theo dự đoán của các chuyên gia ngành luyện kim, giá quặng nhập khẩu sẽ thấp hơn giá quặng trong nước. Lý do là, nguồn cung quặng thế giới tăng bởi các công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới đang gia tăng sản lượng sản xuất. Trong khi đó, nhu cầu mua quặng của Trung Quốc giảm do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại thời gian gần đây. Một nguyên nhân khác khiến giá quặng sắp tới sẽ giảm là chi phí sản xuất quặng của các công ty mỏ lớn trên thế giới ngày càng giảm…

Kỳ vọng giá quặng sắt thế giới giảm và mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung, là nguyên nhân Hòa Phát bắt buộc phải nhập khẩu quặng từ nước ngoài.

Dù vậy, Hòa Phát cho biết vẫn giữ quan điểm ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu quặng sắt trong nước phục vụ chế biến sâu tạo giá trị gia tăng cao, giảm xuất khẩu khoáng sản thô. Hòa Phát mong muốn mỏ sắt Thạch Khê – được đánh giá có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á, nhanh chóng đưa vào khai thác giúp đảm bảo nguồn cung quặng sắt hỗ trợ doanh nghiệp luyện kim theo công nghệ lò cao hiện đại trong nước và hạn chế nhập siêu, giảm nhu cầu ngoại tệ.

Chia sẻ tại Buổi gặp gỡ nhà đầu tư quý II/2015, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát cho biết nếu mỏ sắt Thạch Khê ra đời, tỷ trọng nhập khẩu sẽ thấp. Tuy nhiên, trong trường hợp mỏ sắt Thạch Khê chưa hoạt động, tỷ trọng nhập khẩu năm 2016 có thể khoảng 70- 80%.

Dự kiến, ngày mai, 15/10, Hòa Phát sẽ tiếp tục tổ chức Buổi gặp mặt nhà đầu tư quý III. Bên cạnh việc cập nhập tình hình hoạt động SXKD 9 tháng đầu năm 2015, buổi gặp mặt được kỳ vọng sẽ có nhiều vấn đề được trao đổi, thảo luận giữa Ban lãnh đạo và Nhà đầu tư quan tâm đến HPG.

>> Chi tiết: Buổi gặp mặt nhà đầu tư Quý II/2015