Hơn nửa số ngành niêm yết có hệ số DER cao nói lên điều gì? 

Theo thống kê của Vietstock, tính đến 30/06/2014, toàn thị trường chứng khoán niêm yết có 572,408 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó nợ vay chiếm 314,754 tỷ đồng, tương đương 55%.

Với tổng mức vốn chủ sở hữu là 368,333 tỷ đồng thì hệ số DER (tổng nợ phải trả/vốn chủ sở hữu) toàn thị trường là 1.4 lần, vẫn còn ở ngưỡng đáng lo ngại.

TỔNG NGUỒN VỐN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT TẠI 30/06/2014

Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Mặc dù hệ số DER có phần sụt giảm nhẹ so với con số đầu năm nay (1.44 lần), nhưng đến thời điểm hiện tại, chiếm hơn một nửa nhóm ngành phân tích có hệ số DER lớn hơn 1. Đồng nghĩa với những rủi ro tiềm tàng về khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả, nợ vay đến hạn của các doanh nghiệp thuộc những nhóm ngành trên.

Được biết, hệ số DER đo lường tỷ lệ phần trăm nợ phải trả và vốn chủ sở hữu (VCSH) mà doanh nghiệp sử dụng để tài trợ cho việc hình thành tài sản. Chính vì vậy, nếu hệ số DER nhỏ hơn 1 nghĩa là doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi nguồn VCSH và chịu rủi ro thấp. Ngược lại, tỷ lệ này lớn hơn 1 cho thấy doanh nghiệp đang vay mượn nhiều hơn nguồn vốn tự có. Tỷ lệ này càng lớn càng gia tăng áp lực trả nợ cho doanh nghiệp, hay thêm cả lãi vay phát sinh khi doanh nghiệp sử dụng vốn vay. Đặc biệt đối với những doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn vay lớn, chi phí lãi vay gần như "cuỗm hết" lợi nhuận trong kỳ, là nguyên nhân cốt yếu khiến các doanh nghiệp này "ngập lún" trong lỗ và nợ.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp nào hoạch định được đòn cân nợ bài bản và có chiến lược dài hơi sẽ tạo được cơ cấu nguồn vốn hợp lý, qua đó giúp nguồn vốn của doanh nghiệp được vận động tối ưu và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nợ vay chính là nguồn tài trợ được xem là có chi phí sử dụng vốn thấp.

Bên cạnh đó, do đặc thù ngành nghề mà hệ số DER giữa các doanh nghiệp cũng ghi nhận sự khác biệt. Điển hình như khi nói đến ngành xây dựng và bất động sản, do đặc thù phải cần một lượng vốn lớn từ bên ngoài để tài trợ cho hoạt động kinh doanh cũng như lượng tồn kho lớn của các dự án từ 2-3 năm nay nên cả hai ngành này có hệ số DER luôn ở mức cao là 2.75 và 1.61, trong khi trung bình toàn thị trường trong 2 năm qua là 1.4. Bên cạnh đó, với hệ số DER là 2.75 hiện ngành xây dựng cũng được xem là "quán quân" trong các nhóm ngành phân tích.

Đáng chú ý hơn, nếu xét về con số tuyệt đối, tổng nợ phải trả của hai ngành này hiện đã lên đến 241,640 tỷ đồng, tức là đã chiếm đến 42% tổng nợ phải trả của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE và HNX.

ĐÒN CÂN NỢ NGÀNH XÂY DỰNG VÀ BẤT ĐỘNG SẢN VỚI

TOÀN THỊ TRƯỜNG TẠI 30/06/2014

Đvt: Tỷ đồng

Chưa hết, theo số liệu ghi nhận, nợ vay (bao gồm nợ vay ngắn hạn và dài hạn) của 2 ngành này cũng giữ vị thứ nhất nhì trên "bảng xếp hạng", cụ thể tổng nợ vay ngắn và dài hạn của ngành bất động sản là 76,591 tỷ đồng, còn của ngành xây dựng là 41,295 tỷ đồng, chiếm tương ứng 24% và 13% tổng nợ vay.

HỆ SỐ DER CÁC NGÀNH NIÊM YẾT TẠI 30/06/2014

Nguồn: VietstockFinance

Cũng xuất phát từ nhu cầu cần lượng lớn vốn tài trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư trang thiết bị lớn, hệ số DER ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất cơ khí và sản xuất tôn thép cũng duy trì ở mức khá cao là 2.61, 2.04 và 1.7 lần. Tuy nhiên, nếu so với số liệu cuối năm 2013, hệ số DER của 3 ngành này đang có xu hướng giảm, nợ phải trả đã thấp hơn tương đối trong VCSH tăng lên khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành ghi nhận nhiều khởi sắc.

Số liệu thống kê cho thấy tổng nợ vay của ngành sản xuất vật liệu xây dựng hiện đã gần gấp đôi so với VCSH khi hệ số nợ vay/VCSH là 1.94, cao nhất trong nhóm ngành phân tích.

Ngành sản xuất thủy sản và thương mại cũng được "liệt" vào top những ngành có hệ số DER khá cao so với mặt chung của toàn thị trường, tương ứng là 2.26 và 1.73.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhóm ngành liên quan đến nông nghiệp là nông - lâm - ngư và sản xuất cao su đều có hệ số DER thấp khi chỉ dừng ở mức 0.37 và 0.32 lần.

ĐÒN BẨY TÀI CHÍNH CÁC NGÀNH NIÊM YẾT TÍNH ĐẾN 30/06/2014

Nguồn: VietstockFinance

11 doanh nghiệp có hệ số DER "chạm ngưỡng" 2 con số

Nhìn bức tranh chi tiết hơn về hệ số DER thì trong số 613/686 doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính bán niên 2014 thì có đến 360 đơn vị có hệ số DER lớn hơn 1, chiếm gần 60%. Trong đó, DER "chạm ngưỡng" hai con số đã có tới 11 doanh nghiệp. Một đơn vị trong ngành sản xuất tôn thép là Hữu Liên Á Châu (HOSE: HLA) kết thúc quý 3 (niên độ kế toán 2014-2015) ghi nhận VCSH lỗ gần 105 tỷ đồng, với mức nợ phải trả và nợ vay cũng ngót ngét gần cả ngàn tỷ đồng, lần lượt ở mức 1,211 tỷ đồng và 846 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

Là "ông lớn" trong ngành buôn dược phẩm, Vimedimex (HOSE: VMD) theo số liệu 6 tháng đầu năm, mặc dù VCSH chưa đến 200 tỷ đồng nhưng khoản nợ phải trả và nợ vay đều đã lên đến 5,252 tỷ đồng và 1,035 tỷ đồng. Theo đó, hệ số DER của VMD là 27.9 lần, khá "khủng" so với trung bình ngành Thương mại (1.73 lần)

Trong số 10 doanh nghiệp có DER dẫn đầu ngành thì chiếm hơn một nửa trong số đó là đơn vị ngành xây dựng mà phần lớn đều niêm yết trên sàn HNX, đơn cử như Lilama 3 (HNX: LM3), Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX), Licogi 14 (HNX: L14), Công ty 482 (HNX: B82) và Xây dựng 47 (HOSE: C47).

TOP 10 DN CÓ HỆ SỐ DER CAO NHẤT TÍNH ĐẾN 30/06/2014

Nguồn: VietstockFinance

Hệ số DER chung toàn ngành vẫn còn duy trì ở mức cao, cùng với số doanh nghiệp niêm yết có DER lớn 1 chiếm quá nửa. Tuy nhiên bức tranh vĩ mô đang dần chuyển dịch sang gam màu sáng, cũng như nhiều tín hiệu lạc quan kỳ vọng cho nền kinh tế trong thời gian tới sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp cải thiện dần tình hình kinh doanh cũng như đẩy mạnh tái cơ cấu nguồn vốn sang mô hình tối ưu hơn ứng từng ngành nghề cụ thể.

Tổng lợi nhuận toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm 2014 ghi nhận 28,740 tỷ đồng, giảm nhẹ 0.7% so với cùng kỳ năm trước (28,940 tỷ đồng). Đáng chú ý, số doanh nghiệp lỗ trong kỳ này giảm xuống chỉ còn 98 đơn vị, trong khi cùng kỳ con số này lên đến 121 đơn vị.