Những phiên bán ròng liên tiếp gần đây của các nhà đầu tư nước ngoài đã phần nào góp phần khiến thị trường chịu áp lực giảm điểm. Tuy nhiên, dòng vốn ngoại có thể sẽ còn chưa hết khó khăn trong thời gian tới.
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 530 tỷ đồng kể từ đầu tháng 11, trong đó họ bán ra 11 trong số 13 phiên trở lại đây.
Đánh giá về triển vọng ngắn hạn, ông Vũ Minh Đức - Giám đốc phân tích kỹ thuật của CTCK VPBank Securities (VPBS) – cho rằng “dòng tiền ngoại thời gian tới, từ giờ đến sang năm sau, giữ nguyên được, ổn định được đã là một kịch bản tốt, chưa tính đến khả năng sẽ còn bị rút ra nữa.”
Ông Đức cho rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu tăng lãi suất rõ ràng, trong khi Trung Quốc cũng phát ra tín hiệu tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ khá rõ, có thể gây áp lực đến sự luân chuyển dòng vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài qua các kênh ETF nay T-note. Qua đó tác động lên tỷ giá.
“Cảm giác là dòng tiền mới vào thị trường sẽ kiên nhẫn một chút, họ (nhà đầu tư nước ngoài) chờ đợi xem sau khi Fed tăng lãi suất, sau khi Trung Quốc phá giá thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có phá giá VND tiếp để hỗ trợ xuất khẩu hay không. Lúc đó họ sẽ quyết định đổ tiền vào Việt Nam một cách dứt khoát hơn,” ông Đức nhận định.
Do đó, chuyên gia của VPBS dự báo dòng tiền ngoại hỗ trợ thị trường từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn, còn dòng tiền nội sẽ vẫn có xu hướng bị hạn chế do những chính sách siết lượng tiền vào thị trường chứng khoán của NHNN từ đầu năm.
“Tổng dòng tiền vào thị trường sẽ có vẻ yếu đi trong giai đoạn tới và có thể ảnh hưởng đến những cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường,” - ông Đức chia sẻ.
Thị trường đã mất điểm trong mấy phiên vừa qua khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn điều chỉnh, kéo chỉ số VN-Index xuống thẳng 582,8 điểm vào cuối tuần qua từ mức 615 điểm đạt được trước đó hơn 3 tuần.
Chỉ số VN-Index đã xuống dưới các đường trung bình động (MA) ngắn hạn, và giờ đây chỉ nằm trên ngưỡng hỗ trợ của đường MA 200 ngày.
Về kỹ thuật, thị trường vẫn chưa chuyển từ trạng thái từ thị trường ‘con bò’ về thị trường ‘con gấu’, vì nếu chuyển sang thị trường con gấu thì MA200 phải bị phá vỡ. Tuy nhiên, đó chỉ là “hiện tại”, vì trước mắt vẫn có nhiều yếu tố xấu ảnh hưởng đến xu hướng.
“Ngưỡng 582 điểm cửa đường MA200 có thể giúp chỉ số VN-Index hồi lại hoặc có thể dao động quanh đường này. Tuy nhiên, khả năng xuống tiếp cũng là tương đối cao,” ông Đức nhận định.
Giải thích thêm về phiên giảm sâu cuối tuần qua, ông Đức cho rằng cổ phiếu ngành ngân hàng đã góp phần kéo thị trường xuống. Thứ nhất do BID vừa niêm yết thêm hơn 600 triệu cổ phiếu, trong đó hơn một nửa là cổ phiếu phát hành để sáp nhập ngân hàng MHB. Lượng cổ phiếu đó có thể đã được mua với giá khá rẻ, nên áp lực chốt lời sau khi niêm yết bổ sung là khá lớn. Bên cạnh đó, cổ phiếu VCB cũng giảm khá mạnh do trước kia tăng phần lớn là theo sóng đầu cơ.
Thị trường cũng mất điểm do một cổ phiếu đầu cơ khác giảm khi một chu kỳ tăng nữa của thị trường có vẻ đã kết thúc. Điều này được thể hiện qua sự luân chuyển của dòng tiền trên thị trường. Sau khi đầu tư xong các cổ phiếu bluechip, các cổ phiếu cơ bản, dòng tiền quay lại một nhịp ở cổ phiếu đầu cơ và nhóm này sau 1-2 phiên tăng cũng quay đầu giảm cùng thị trường.
Ông Đức cho rằng những tín hiệu tăng của cổ phiếu đầu cơ thường là tín hiệu cuối của một chu kỳ tăng, nên đây là một tín hiệu xấu, cho thấy dòng tiền đã quay đủ một vòng.
Từ góc độ môi giới, ông Nguyễn Mạnh Hoạt - Trưởng phòng môi giới chi nhánh TP.HCM của Công ty Chứng khoán MBS – cho rằng thị trường cũng chưa có gì quá nghiêm trọng về nội tại.
“Thị trường bây giờ, các thông tin hỗ trợ thị trường chưa có, còn các thông tin xấu vẫn đang còn hiện hữu, nên hiện tại chưa có động lực để cho dòng tiền vào mạnh thị trường,” ông Hoạt nhận định.
Ông Hoạt cho rằng tuy chưa có dòng tiền vào, nhưng nhà đầu tư có thể bắt đầu xem xét giải ngân từng phần do thị trường đang gần vùng hỗ trợ mạnh là 570-575 điểm.