Trong giai đoạn 2008-2013, doanh thu của Vietnam Airlines tăng trưởng trung bình 19,7%/năm. Duy chỉ có năm 2009, doanh thu của Công ty mẹ giảm 8,2% so với 2008. Theo Vietnam Airlines, nguyên nhân là do trong năm 2009, nền kinh tế thế giới suy thoái, kéo theo nhu cầu đi lại giảm rõ rệt, đặc biệt là thị trường quốc tế. Thêm vào đó, năm 2009, Vietnam Airlines không còn khoản doanh thu từ phụ thu nhiên liệu nội địa (năm 2008 khoảng 200 tỷ đồng).
Quy mô doanh thu của Vietnam Airlines tương đối lớn, tính riêng công ty mẹ, trong năm 2013 đạt doanh thu hơn 54.017 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2008. Doanh thu của Vietnam Airlines bứt lên kể từ năm 2010 nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và đây cũng là năm Tổng công ty mở thêm 7 đường bay quốc tế và 8 đường bay nội địa.
Tuy nhiên, lợi nhuận của Vietnam Airlines dường như vẫn chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ so với doanh thu. Trong giai đoạn 6 năm trước cổ phần hóa, năm 2010 có lợi nhuận cao nhất (đạt 314 tỷ đồng), và năm 2011 lợi nhuận thấp nhất là 36,6 tỷ đồng, nguyên nhân do biến động tỷ giá VND/USD làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Tới năm 2013, lợi nhuận của Vietnam Airlines đạt 157 tỷ đồng, tăng 14 so với lợi nhuận năm 2012 (tương đương mức tăng tuyệt đối là 19,5 tỷ đồng).
Hé lộ mức lương "khủng"
Các thông tin về quỹ lương và mức lương của phi công, tiếp viên và các lao động khác của Vietnam Airlines cũng được trình bày trong bản công bố thông tin này. Tổng quỹ lương của Vietnam Airlines dành chi trả cho nhân viên trong năm 2013 là hơn 1.860 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với năm 2008.
Trong đó, mức lương trả cho phi công hiện là 74,84 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn so với mức 77-82 triệu đồng/tháng trong giai đoạn từ năm 2010 - 2012. Tiếp viên tại Tổng công ty cũng nhận được mức lương duy trì ổn định từ 18-19 triệu đồng/người/tháng trong 4 năm nay.
Đến cuối năm 2013, lực lượng phi công Việt Nam khoảng 600 người, đáp ứng trên 69,8% nhu cầu khai thác. Theo kế hoạch đến năm 2018, VNA sẽ tăng số lượng phi công lên 1.128 người, trong đó khoảng 796 phi công Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng đội bay.
Quy mô nợ tăng nhanh
Vietnam Airlines cho biết, giai đoạn 2008 - 2013 là một trong những thời kỳ cao điểm Vietnam Airlines tập trung thực hiện chiến lược phát triển đội bay nên quy mô vốn vay tăng nhanh, tốc độ tăng quy mô vốn vay dài hạn bình quân hàng năm trên 18,8%/năm.
Tổng dư nợ các hợp đồng vay và thuê tài chính của Vietnam Airlines tính đến 31/12/2013 là 37.820 tỷ đồng (trong đó, vay dài hạn và nợ thuê tài chính đến hạn trả là 6.631 tỷ đồng).
Vay nợ dài hạn của Vietnam Airlines chủ yếu là để tài trợ cho các dự án đầu tư mua máy bay, chiếm tới 99% các khoản vay dài hạn (tính cả các khoản vay trung hạn để thực hiện đặt cọc, trả trước tiền mua máy bay), còn lại là các khoản vay để tài trợ cho các dự án đầu tư tài sản mặt đất và đào tạo chuyển giao công nghệ gắn trực tiếp với hoạt động khai thác bay (như nhà xưởng sửa chữa máy bay, máy móc thiết bị chuyên dùng, đào tạo phi công).
Phần lớn các khoản vay mua tàu bay của Vietnam Airlines là vay nợ nước ngoài dưới hình thức hợp đồng tín dụng xuất khẩu ECA được Chính phủ bảo lãnh. Danh sách những ngân hàng tài trợ vốn cho Vietnam Airlines bao gồm nhiều ngân hàng nước ngoài có tiếng như: Citibank, Credia Agricole, JP Morgan Chase, HSBC; các ngân hàng trong nước thì có Vietcombank, Eximbank, Techcombank, VietinBank...
Áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng
Theo Vietnam Airlines, từ tháng 12/2011, hãng hàng không giá rẻ VietJet Air bắt đầu gia nhập thị trường và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa. Đến cuối năm 2013, VietJet Air đã chiếm khoảng 23% thị phần hàng không nội địa.
Áp lực cạnh tranh đã có nhiều ảnh hưởng tới Vietnam Airlines, cụ thể: tăng trưởng doanh thu vận chuyển hàng hoá, bưu kiện của Vietnam Airlines đã và đang có xu hướng giảm dần qua các năm, đặc biệt sản lượng hàng hoá vận chuyển nội địa giảm khi bị chia sẻ thị phần.
Trong khi đó, trên thị trường đường bay quốc tế đi đến Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của các hãng hàng không giá rẻ trong khu vực Đông Nam Á đang làm cho tình hình cạnh tranh càng trở nên khốc liệt, đặt ra nhiều thách thức mới đối với các hãng hàng không trong việc điều tiết tải, tránh cung ứng thừa tải so với tốc độ tăng trưởng khách, gây lãng phí chung cho xã hội và nền kinh tế quốc gia.
Bên cạnh đó, sự gia nhập của cáchãng hàng không Trung Đông: Emirates, Qatar Airways, Etihad Airways càng thể hiện rõ nét sự thay đổi về bản đồ vận tải hàng không giữa Châu Âu và Châu Á. Việc các hãng lớn của khu vực này mở rộng mạng bay kết nối các thành phố lớn giữa các hai châu lục qua cửa ngõ Trung Đông đã tạo sức ép đối với tất cả các hãng hàng không Châu Âu và Châu Á, trong đó có Vietnam Airlines.
Sẽ chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài
Theo phương án cổ phần hóa, Vietnam Airlines sẽ có vốn điều lệ sau cổ phần hóa là 14.101,8 tỷ đồng, tương đương hơn 1,41 tỷ cổ phần có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, trong đó cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu là: Nhà nước nắm 75% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược là 20%; bán đấu giá công khai 49 triệu cổ phần, tương đương 3,465%; phần còn lại sẽ bán ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn.
Vietnam Airlines sẽ triển khai quá trình bán cổ phần cho Nhà đầu tư chiến lược song song với quá trình triển khai IPO trong nước. Đối tượng chào bán chiến lược là tập đoàn hãng hàng không nước ngoài và/hoặc là nhà đầu tư tài chính nước ngoài. Vietnam Airlines ưu tiên đàm phán với nhóm nhà đầu tư là các tập đoàn hãng hàng không theo thứ tự xếp hạng. Nếu không đàm phán thành công với nhà đầu tư là các tập đoàn hãng hàng không, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục đàm phán với nhóm nhà đầu tư là các tổ chức tài chính.
Các tiêu chí áp dụng chung cho hai đối tượng nhà đầu tư chiến lược như: có năng lực tài chính đáp ứng yêu cầu tối thiểu của Vietnam Airlines, không có quan hệ đầu tư tại bất kỳ hãng hàng không nào tại Việt Nam trừ các cổ đông đang tham gia đầu tư vào các Hãng hàng không có vốn đầu tư của Vietnam Airlines, có cam kết đầu tư tối thiểu 5 năm tại Vietnam Airlines...