Hé lộ nhà đầu tư chiến lược của Cảng Đà Nẵng

Cảng Đà Nẵng mong muốn chọn được nhà đầu tư (NĐT) chiến lược trong nước để hỗ trợ tài chính, thị trường và "yểm trợ" nhân lực. Ông Nguyễn Hữu Sia - Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng, chia sẻ về tình hình cổ phần hóa cảng này.

Thưa ông, Vinalines đang chào bán cổ phần tại 5 cảng biển lớn trong đó có Cảng Đà Nẵng nhưng vừa qua đã không thành công. Có vướng mắc gì với cảng Đà Nẵng vậy?

Trong đợt IPO đầu tiên, Nhà nước sẽ chỉ còn nắm 75% cổ phần của Cảng Đà Nẵng, nhưng thời điểm tổ chức bán đấu giá đúng vào lúc biển Đông "nóng" vì vụ giàn khoan xâm phạm chủ quyền, nên NĐT không chú ý nhiều tới cổ phần Cảng Đà Nẵng.

Tới đây, Vinalines - chủ sở hữu sẽ bán số cổ phần còn lại (dự kiến là 20% vốn). Hiện đã có nhiều NĐT quan tâm và gửi thư cho chúng tôi, mong muốn mua hết. Tôi không rõ con số cụ thể, nhưng tôi biết chắc có 2 - 3 NĐT quan tâm rồi.

Theo ông, để thu hút được NĐT chiến lược vào cảng Đà Nẵng cần có những tiêu chí và cơ chế ưu đãi như thế nào? Và, nếu hãng tàu lớn nước ngoài muốn mua cổ phần cảng thì làm sao chống "thâu tóm"?

Với tư cách là người điều hành công ty, chúng tôi mong muốn có NĐT chiến lược trong nước tham gia. Họ không chỉ bỏ vốn đầu tư, hỗ trợ công nghệ, mà còn hỗ trợ cảng về thị trường và hơn nữa, là "yểm trợ" nguồn nhân lực cho chúng tôi nữa.

Ông Nguyễn Hữu Sia - Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng

Những NĐT trong nước góp vốn với chúng tôi để phát triển cảng thì sẽ tốt hơn. Còn NĐT nước ngoài, theo tôi, với những nơi xác định là trọng điểm hạ tầng quốc gia như cảng biển thì nên có chính sách thận trọng. Vì cảng không chỉ kinh doanh có lợi mà là hạ tầng trọng điểm quốc gia về phát triển kinh tế.

Hiện có ngân hàng nào đang có quan hệ giao dịch với Cảng Đà Nẵng ngỏ ý muốn mua cổ phần chưa?

Cái này tôi chưa nắm rõ!

Sau khi cổ phần hóa, Cảng Đà Nẵng có những kế hoạch cụ thể nào để phát triển doanh nghiệp, huy động vốn, thưa ông ?

Với tốc độ tăng trưởng tốt, bình quân từ 15 - 17%/năm, chúng tôi đã có kế hoạch đầu tư mở rộng Cảng Tiên Sa (giai đoạn 2) để nâng công suất từ 6 triệu tấn hiện tại lên 10 triệu tấn/năm. Nhu cầu vốn của dự án cần khoảng 1.200 tỷ đồng, sẽ khởi công vào đầu năm 2015 và cuối 2016 sẽ hoàn thành.

Nguồn vốn đầu tư là vốn tự có và vốn vay. Nếu chúng tôi lên sàn thì đây là một kênh huy động vốn. Ngoài ra, sẽ tìm các tổ chức quỹ, thuê mua tài chính để đa dạng nguồn vốn. Chúng tôi đã có ít vốn và rất tự tin, có vay cũng dưới 30% thôi.

Ông đánh giá hiệu quả kinh tế mà dự án này đem lại như thế nào?

Chúng tôi rất tự tin với việc đầu tư cảng có mức vốn vay vừa phải và các NĐT cùng góp vốn thì dự án sẽ thành công. Nếu cảng Tiên Sa giai đoạn 2 đi vào hoạt động, sản lượng hàng hóa qua cảng sẽ tăng trưởng 15 - 17% mỗi năm.

Mức lãi và cổ tức hàng năm phải cao hơn vốn vay (kế hoạch cổ tức sau CPH là 5%). Cổ đông kỳ vọng cổ tức cao hơn là khó vì Cảng Đà Nẵng vừa là cảng cơ sở hạ tầng, vừa phục vụ kinh doanh.

Có thực tế là các cảng tư nhân đầu tư vốn nhỏ, ra đời sau nhưng lại hiệu quả hơn cảng nhà nước có quy mô lớn, đầu tư tốn kém. Vậy cảng Đà Nẵng có quy mô nhỏ, vẫn được Nhà nước "hậu thuẫn" thì có đảm bảo cạnh tranh được không?

Tôi cho rằng với một cảng có mức đầu tư vừa phải, nếu khéo tính toán, khéo thu xếp thì cảng vẫn có lãi. Vì hiện nay, Cảng Đà Nẵng cũng có lãi tốt. Nhất là lợi nhuận từ hàng container tốt hơn, cũng bù đắp cho hàng rời, hàng tổng hợp lãi rất ít.

Cảng Đà Nẵng vừa chuyển đổi từ DNNN sang công ty CP, cần có lộ trình đổi mới quản trị, cơ cấu lại vốn, con người, thị trường… nên không thể đòi hỏi ngay cổ tức tăng cao được. Tôi hi vọng sau này cổ tức có thể cao hơn lãi suất ngân hàng.

Trong vòng 12 tháng sau khi IPO, cảng Đà Nẵng sẽ phải niêm yết trên sàn trong năm 2015. Vậy ông đã dự kiến thời điểm niêm yết chưa và sau niêm yết, việc "minh bạch thông tin tài chính, lợi nhuận đẹp" có là áp lực lớn với lãnh đạo cảng?

Mọi việc sẽ triển khai trong năm 2015 theo kế hoạch. Tất nhiên, khi đã là công ty CP thì phải lên sàn và công khai mọi thông tin, minh bạch tài chính. Nhưng lên sàn thì chúng tôi sẽ huy động vốn tốt hơn, cơ cấu lại quản trị, thu hút người tài, xác định phân khúc thị trường… Vì giờ, chúng tôi có nhiều quyền hơn trong đầu tư, kinh doanh.