Trong số 16 tổng công ty trực thuộc Bộ Xây dựng thì chỉ có một số ít có ngành nghề kinh doanh đặc thù nổi trội, các doanh nghiệp còn lại hầu hết hoạt động trên nhiều lĩnh vực, theo nhu cầu của thị trường trong từng thời điểm.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Xây dựng), nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp khá lớn, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 kế hoạch đầu tư do các doanh nghiệp trình được Bộ phê duyệt là 291.352 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do việc xây dựng kế hoạch đầu tư trong giai đoạn này là thời điểm thị trường bất động sản, tài chính sôi động nên kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Bộ chưa lường trước được hết các khó khăn sau đó.
Hiện Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp rà soát lại kế hoạch giai đoạn này với số liệu tổng hợp được là 96.23 tỷ đồng. Trong đó, hầu hết là vốn vay tín dụng thương mại chiếm trên 90% kế hoạch vốn hằng năm của các doanh nghiệp.
Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp thuộc Bộ mới chỉ có một số doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh hàng năm là đặc thù nổi trội như Tổng công ty Sông Đà có tỷ trọng đầu tư các nhà máy điện cao (trên 60%), Tổng công ty HUD, DIC đầu tư vào phát triển đô thị, nhà ở; Tổng công ty Idico đầu tư vào khu công nghiệp…
Còn lại các doanh nghiệp khác đều đầu tư vào các lĩnh vực khá rộng, thường chỉ dựa trên thị trường phát triển theo hướng nào thì đầu tư theo hướng đó. Thậm chí trong giai đoạn này, các doanh nghiệp còn đầu tư vào các ngành nghề xa hẳn khỏi lĩnh vực chính của mình.
Đơn cử như Tổng công ty Coma đầu tư vào phát triển nhà hàng năm chiếm trên 30%, đặc biệt năm 2012 chiếm trên 92%, trong khi đó ngành nghề chính của mình là cơ khí, chế tạo máy chiếm tỷ trọng rất nhỏ chỉ 1 -2 dự án với tỷ trọng vốn rất thấp, chỉ dưới 5%.
Hay như Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Fico đầu tư phát triển nhà hàng năm trên 50%, trong đó ngành nghề chính là sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng mỗi năm chỉ 20%, số dự án về vật liệu xây dựng hàng năm chỉ chiếm 1/3 số dự án.
Còn Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) hiện cũng chỉ có kế hoạch đầu tư hàng năm một vài dự án về cơ khí, chế tạo máy với mức đầu tư chỉ chiếm dưới 30% và giảm dần qua các năm.
Đơn cử như năm 2008, Lilama đầu tư cho cơ khí chế tạo máy là 371 tỷ đồng nhưng thực hiện năm 2012 cho lĩnh vực này chỉ là 33 tỷ đồng, chiếm chỉ 17% khối lượng đầu tư của năm 2012.
Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Xây dựng) Đặng Văn Long, mặc trong thời gian gần đây các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực để bước đầu khắc phục đầu tư dàn trải. Tuy nhiên, vẫn còn những dự án có tiến độ triển khai chậm, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực bất động sản, diện do khả năng tiếp cận vốn khó khăn.
Để khắc phục bất cập trên, hiện Bộ Xây dựng đang đôn đốc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tài chính và quản trị doanh nghiệp. Hiện đã hoàn thành thẩm định, trình Thủ tướng đề án tái cơ cấu Tổng công ty Xi măng Việt Nam; thẩm định, phê duyệt xong toàn bộ 13/13 đề án tái cơ cấu của các Tổng công ty 100% vốn nhà nước thuộc Bộ.
Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp nói trên kiên quyết thoái vốn tại các ngành nghề không thuộc ngành nghề chính như khách sạn, du lịch, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Dự kiến đến năm 2015, số lượng doanh nghiệp có vốn góp của 14 tổng công ty sẽ giảm từ 402 doanh nghiệp xuống còn 243 doanh nghiệp.
Hiện Thủ tướng cũng đã phê duyệt phương án cổ phần hoá của 6 Tổng công ty, gồm: DIC, Sông Hồng, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Viglacera, Bạch Đằng và Viwaseen.