Hành trình từ kẻ nghiện ngập đến “vua gối” nước Mỹ

Nghiện ngập, chìm trong nợ nần, hôn nhân tan vỡ, bị ám ảnh bởi việc mất ngủ. Hành trình lên đỉnh thành công của Mike Lindell cùng thương hiệu MyPillow chứa đựng những điều vô lý đến kỳ diệu.

Bỏ học đại học cho ước mơ doanh nhân đầy tham vọng

Năm 1979, cảm thấy đang lãng phí thời gian, Mike Lindell bỏ dở chuyện học hành tại Đại học Minnesota và làm 2 công việc cùng một lúc. Nhưng rồi, chàng trai Lindell bị sa thải khỏi một công việc ở cửa hàng tạp hóa.

Tuy có xung đột nhưng chính người quản lý cửa hàng đã khơi dậy tinh thần kinh doanh ở Lindell với câu nói: “Ồ Mike, nếu cậu không thích ở đây, thì hãy sở hữu công ty của riêng mình”.

Trong những năm 80, Lindell cố gắng kiếm tiền bằng nhiều cách khác nhau: dọn dẹp thảm, chơi bài gian lận tại casino ở Las Vegas. Nhưng rồi tất cả đều không đi đến đâu.

Ông chuyển qua nuôi lợn nhưng công việc kinh doanh cũng nhanh chóng đổ bể. Không dừng lại, ông chuyển qua kinh doanh bánh mỳ trưa nhưng lần này, cũng không thành công.

Sau đó, Lindell làm phục vụ tại quán rượu và mua một quầy bar bắt đầu lại công việc kinh doanh. Lindell thừa nhận: “Đó không phải là ý tưởng hay bởi chính khoảng thời gian đó tôi bắt đầu nghiện ma túy”.

Hành trình từ kẻ nghiện ngập đến “vua gối” nước Mỹ - 1

Hình ảnh Mike Lindell quảng cáo cho sản phẩm của mình.

Hành trình từ kẻ nghiện ngập đến “vua gối” nước Mỹ - 2

Mike Lindell cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Giấc mộng MyPillow

Lindell luôn gặp vấn đề với giấc ngủ và chưa thể tìm thấy chiếc gối mà mình ưng ý. Thậm chí khi mới 16 tuổi, Lindell còn mạnh tay chi 70USD để mua một chiếc gối. Năm 2004, ý tưởng cho MyPillow đến từ một giấc mơ. Đó là hình ảnh một chiếc gối không thay đổi hình dáng sau cả một đêm dài.

Lindell lao vào dự án, cùng cậu con trai Darren dành hàng giờ cắt bọt bông, tự mình khâu từng chiếc gối (điều mà Lindell chưa làm bao giờ). Sau rất nhiều thử nghiệm, cuối cùng, Lindell cũng cho ra đời một chiếc gối êm ái, phù hợp với tất cả mọi người và giữ nguyên form sau một đêm dài. Ông đến một cửa hàng ở địa phương chào bán nhưng chẳng ai ngó ngàng thậm chí còn lập tức mời ông ra khỏi cửa hàng.

Theo gợi ý của người thân, ông vay 15.000USD, mở một gian hàng nhưng chỉ bán được 80 chiếc gối cho dù đang là dịp Giáng sinh. Khi mọi chuyện tưởng như bế tắc, thì may mắn sao một khách hàng đang làm trong chương trình bán hàng trên ti vi cảm thấy rất hài lòng với chất lượng chiếc gối và đề nghị Lindell tham gia chương trình tiếp theo.

Những chiếc gối được bán hết sạch và công việc kinh doanh bắt đầu cất cánh từ đây.

Hành trình từ kẻ nghiện ngập đến “vua gối” nước Mỹ - 3

Chạm đến đáy sâu cuộc đời

Công việc kinh doanh MyPillow đã giúp cho Lindell quên đi thói nghiện ngập của mình nhưng nó không biến mất hoàn toàn. Ông tái nghiện, hôn nhân tan vỡ, mất nhà cửa và công việc kinh doanh gần như đổ bể.

Ông nhớ mãi cái ngày 16/1/2009, như chạm đáy cuộc đời, ông chỉ có một khao khát là thức dậy mỗi sáng không bị cơn nghiện hành hạ nữa. Chúa Trời như nghe được lời thỉnh cầu đó. Hôm sau tỉnh dậy, ông không còn cảm giác thèm muốn đáng sợ nữa và công việc kinh doanh lại có dấu hiệu khởi sắc.

Khởi đầu mới

Năm 2011, một tờ báo địa phương đã đăng tải câu chuyện của Lindell và rồi một tiếng “ding” báo hiệu có đơn đặt hàng. Ngày càng nhiều tiếng “ding” xuất hiện. Lindell nói: “Ước mơ của tôi là điện thoại cứ báo đơn hàng liên tục và tôi buộc phải tắt nó đi”. Có vẻ như ước mơ của ông đã thành sự thật. Càng ngày càng có nhiều đơn hàng. “Số gối bán được trong ngày hôm đó nhiều hơn cả nửa năm cộng lại”.

Đến cuối năm, công ty đã nâng số nhân viên từ 5 lên 500. Hiện tại, MyPillow có 1500 nhân viên và hầu hết mọi người đều có số của Lindell để liên hệ báo cáo khi có vấn đề xảy ra, dù là nhỏ nhất.

Trong 6 năm qua, ước tính Lindell đã chi 100 triệu USD cho các giao dịch. Nhưng kết quả thu về, ông bán được 30 triệu cái gối, doanh thu tăng từ 100.000USD lên 300 triệu USD.

Hành trình từ kẻ nghiện ngập đến “vua gối” nước Mỹ - 4

Những bài học

Lindell nói cuộc đời mình đã trải qua nhiều chuyện “điên rồ” và ông cũng có vài lời khuyên dành cho những doanh nhân chập chững bước vào thương trường.

- Thứ nhất, hãy đăng ký bảo hộ và bản quyền sáng chế cho phát minh của mình.

- Thứ 2, giảm bớt chi phí vận chuyển. Năm 2012, ông tổn thất 5-6 triệu USD cho chi phí vận chuyển.

- Thứ 3, đam mê với những gì bạn đang bán và đối xử với khách hàng như thể họ là khách hàng duy nhất vậy.

Hơn bất cứ điều gì, Lindell hi vọng câu chuyện của mình có thể trở thành nguồn cảm hứng, giúp những ai đang rơi xuống đáy sâu có thể tìm thấy động lực và con đường thành công.