Chính những điểm yếu này khiến cho hàng Việt vẫn “đuối sức” khi “chạy đua” với hàng NK trong thị trường nội địa.
Một trong những điểm yếu của hàng Việt là ít đổi mới mặt hàng. Ảnh: TRẦN VIỆT.
Chất lượng kém ổn định
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, DN Việt Nam đã nhận thức được tiềm năng của thị trường trong nước bằng cách quay về thị trường, quan tâm nhiều hơn đến thị hiếu người tiêu dùng. Song một nhược điểm lớn nhất khiến hàng Việt kém cạnh tranh là tính ổn định về chất lượng nên bị hàng giá rẻ của Trung Quốc và hàng chất lượng cao của các nước trong khu vực chiếm lĩnh thị trường.
"Thực tế là có nhiều DN ban đầu khi sản xuất với số lượng nhỏ, đưa lô hàng đầu tiên ra thị trường thì có thể đáp ứng được nhu cầu, nhưng khi sản xuất ở quy mô lớn hơn, với những lô hàng sau thì chất lượng lại không đảm bảo", ông Nam chia sẻ.
Cùng chung đánh giá trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận, điểm yếu của hàng Việt là ít đổi mới mặt hàng, không có tiến bộ về khoa học công nghệ. "So sánh với những mặt hàng tiêu dùng đơn giản của Trung Quốc từ lọ tăm "bấm một cái" là có tăm mà không cần mở nắp nhưng Việt Nam không có. Rất nhiều những mặt hàng khác cũng trong tình trạng tương tự", ông Doanh ví von. Tuy vậy, trong tương quan so sánh với những mặt hàng khác, vị chuyên gia này không phủ nhận những nỗ lực của DN dệt may. Bởi lẽ những năm gần đây, sản phẩm dệt may Việt Nam có tiến bộ hơn rất nhiều nên đã lấy được lòng tin của người tiêu dùng. Trên thực tế, có rất nhiều biển hiệu "made in Vietnam" bán sản phẩm may mặc phục vụ nhu cầu người tiêu dùng và nhiều người đã có tâm lý "tẩy chay" hàng may mặc Trung Quốc.
Cũng theo ông Doanh, chất lượng không ổn định, không có gì đảm bảo chất lượng hàng hóa có đúng như quảng cáo hay không cũng là nguyên nhân dẫn đến việc hàng Việt "mất điểm" với người tiêu dùng. Ông Doanh nói rằng: "Người Việt Nam rất yêu nước nhưng khi cần vẫn mua hàng nước ngoài bởi chất lượng hàng ngoại mới bảo đảm. Nhiều người tiêu dùng vẫn lựa chọn hàng ngoại khi mua cho con cái, sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn nữa, các mặt hàng chúng ta ít có đổi mới, muốn cũng không thể dùng mãi những thứ lạc hậu so với mặt hàng cùng chủng loại".
Ý thức của DN
Nhìn vào số liệu của Ban chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", có đến 92% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến cuộc vận động, 63% xác định sẽ ưu tiên mua hàng Việt để thấy sức lan tỏa của chương trình này không phải không có. Ông Doanh cho hay, nhìn xem người Việt Nam đi xe máy nước nào, mặc quần áo nước nào, đi giày nước nào để thấy rằng các nhà sản xuất đã có sự tiến bộ, đổi mới nhất định. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn vào một thực tế người nghèo - chiếm số lượng tương đối lớn ở thị trường nông thôn, vẫn mua hàng rẻ để tránh "bệnh" thành tích chủ nghĩa. "Nói là có nhiều tiến bộ, người Việt Nam đã mua thêm hàng Việt nhưng hàng Việt đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt", ông Doanh thẳng thắn nói. Chưa kể đến, các mặt hàng kỹ thuật cũng không có mặt hàng nào của Việt Nam, từ máy móc đến tivi hoàn toàn là lắp ráp của nước ngoài. Đây là điều mà vị chuyên gia kinh tế này lo lắng nhất khi hội nhập bởi hàng Việt sẽ vô cùng khó cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập có thuế NK 0%.
Với những phân tích này, vấn đề giá và chất lượng là nút thắt quan trọng nhất để giải bài toán "người Việt yêu hàng Việt". Để cuộc vận động có sức lan tỏa hơn nữa, yêu cầu bức thiết nhất với DN là sáng tạo, đổi mới sản phẩm, đầu tư công nghệ để tiết giảm chi phí, đặc biệt là quan tâm thị hiếu người tiêu dùng trong nước và chăm sóc khách hàng hơn. Bản thân các DN cũng nhận thức được rằng, phong trào khuyến khích người dân dùng hàng nội sẽ chỉ có ảnh hưởng một thời gian nhất định. Nếu sau đó không có sự thay đổi tích cực về chất lượng sản phẩm thì người tiêu dùng sẽ vẫn "quay lưng" với hàng hóa trong nước. Vì vậy, cốt lõi của vấn đề là các DN trong nước phải tự ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, qua đó tạo được niềm tin của người tiêu dùng.
Hiện nay, Việt Nam đã có một số DN vượt hẳn lên top trên về năng lực cạnh tranh như gốm sứ Minh Long, sản phẩm sữa của Vinamilk, bóng đèn, phích nước Rạng Đông, hàng dệt may… nhưng một loạt các sản phẩm khác không thể cạnh tranh được. Do đó, ngoài sự nỗ lực từ nội tại DN rất cần sự giúp đỡ của Nhà nước đặc biệt về công nghệ, chất lượng để sản xuất hàng hóa có giá thành phù hợp với "túi tiền" người tiêu dùng. "Các biện pháp hành chính là quan trọng nhưng quan trọng hơn là nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách thể chế để DN thực sự cạnh tranh được về giá, mẫu mã, đặc biệt có hệ thống phân phối đưa hàng về nông thôn, các thị trường để người dân biết được", ông Doanh nói.