Hàng loạt công ty giảm lãi, chuyển thành lỗ sau soát xét

(NDH) Nhiều doanh nghiệp có báo cáo tài chính tự lập với kết quả kinh doanh có lãi khá tích cực. Tuy nhiên, sau khi kiểm toán, không ít trường hợp lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí chuyển từ lãi sang lỗ

Lợi nhuận 'bốc hơi'

Tính đến nay, rất nhiều các doanh nghiệp niêm yết trên sàn đều đã công bố BCTC bán niên năm 2015. Trong số này nổi lên rất nhiều trường hợp lợi nhuận giảm mạnh so với BCTC công ty tự lập, thậm chí còn chuyển từ lãi thành lỗ.

Điển hình nhất phải kể đến trường hợp của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ-HoSE), sau khi soát xét, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của PNJ "bốc hơi" 68 tỷ đồng, tương ứng giảm 38,4% so với BCTC mà công ty tự lập. Nguyên nhân chủ yếu gây ra sự chênh lệch ở trên được PNJ cho biết là đến từ việc trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) như PNJ đã thông báo tại buổi gặp mặt nhà đầu tư.

Cụ thể, công ty đã trích lập thêm 85,9 tỷ đồng dự phòng. Được biết, đến cuối tháng 6/2015, giá trị sổ sách của khoản đầu tư này trên BCTC của PNJ là 340 tỷ đồng, tương đương với 8.831đồng/cổ phiếu DAB. Sau khi trích lập, giá trị còn lại của khoản đầu tư vào cổ phiếu DAB còn 254,1 tỷ đồng, tương đương 6.600 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, áp dụng thông tư 200, nhiều khoản mục liên quan đến hàng khuyến mãi đã được công ty điều chỉnh lại. Chi phí thuế TNDN cũng được ghi giảm 19,1 tỷ đồng sau khi lợi nhuận của công ty được giảm đáng kể.

Hay như trường hợp của Công ty Cổ phần Mirae (mã KMR - HOSE), sau soát xét, lợi nhuận của KMR giảm từ hơn 5,95 tỷ đồng xuống còn hơn 3,59 tỷ đồng, tức mất tới 39,7%. Nguyên nhân lớn nhất khiến lợi nhuận sau soát xét của KMR giảm mạnh so với báo cáo công ty tự lập do điều chỉnh tăng thuế thu nhập doanh nghiệp vì loại trừ các khoản chi phí không hợp lệ.

Tương tự là trường hợp của CTCP XNK Thủy Sản An Giang (mã AGF - HoSE), lãi ròng 6 tháng AGF chỉ còn gần 5 tỷ đồng, giảm 48,2% so với báo cáo tự lập của công ty.Cụ thể, sau soát xét, doanh thu thuần và giá vốn của AGF giảm nhẹ chủ yếu do điều chỉnh thời điểm ghi nhận tháng 6 sang tháng 7. Ngoài ra, doanh thu tài chính tăng 133,65 triệu đồng do bổ sung lãi vay.

Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp sau soát xét đã tăng 25% do AGF trích lập dự phòng phải thu khó đòi (2,57 tỷ đồng) và một số chi phí khác (250 triệu đồng).

Ngoài ra còn một số trường hợp khác như Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ Thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS - HNX), lợi nhuận sau soát xét giảm 3,88 tỷ đồng. CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (mã SAM - HOSE) tăng trích lập dự phòng, lợi nhuận (công ty mẹ) "hụt" 3,66 tỷ đồng. CTCP Khoảng sản và Vật liệu Xây dựng Hưng Long (mã KHL - HNX) lợi nhuận sau soát xét giảm tới 91,7%.

Chuyển từ lãi sang lỗ

Hai cái tên gây chú ý nhất sau khi công bố BCTC bán niên đã soát xét là CTCP Tập đoàn Đại Dương (mã OGC-HOSE)Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH - HOSE).

Theo đó, kết quả kinh doanh sau xoát xét của OGC đã được hạch toán giảm so với BCTC do công ty tự lập tại hầu hết các chỉ tiêu. Cụ thể, riêng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ OGC đã “bay hơi” hơn 26 tỷ đồng, chuyển từ lãi sang lỗ.

Doanh thu tài chính giảm 20%, xuống còn hơn 106 tỷ đồng bao gồm chủ yếu là lãi tiền gửi, cho vay, ủy thác đầu tư. Lỗ sau thuế chưa phân phối của Tập đoàn này đến cuối quý II còn 2.194 tỷ đồng, ăn mòn 73% vốn điều lệ 3000 tỷ của OGC.

Tương tự, Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH - HOSE) cũng chuyển từ lãi hơn 24,5 tỷ đồng thành lỗ hơn 9,2 tỷ đồng sau soát xét.

Theo đó, doanh thu tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2015 đã soát xét của TDH chỉ đạt gần 13,7 tỷ đồng, giảm mạnh 58% so với báo cáo công ty tự lập (32,5 tỷ đồng), nguyên nhân việc này chủ yếu là do sự sụt giảm lợi nhuận từ thanh lý các khoản đầu tư từ 31 tỷ đồng xuống còn 11,8 tỷ đồng. Chi phí tài chính của công ty sau soát xét cũng tăng 10% lên mức hơn 39,2 tỷ đồng do không còn hoàn nhập các khoản đầu tư tài chính dài hạn gần 3,7 tỷ đồng.