Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định tham gia vào tình hình chính trị tại Ucraina vào năm 2014, thị trường tài chính Nga đã và đang có nhiều biến động. Những yếu tố tiêu cực đan xen với những yếu tố tích cực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Sự biến động về giá của các tài sản, đặc biệt là sự tăng giá của đồng Rúp lên 12% kể từ cuối tháng 1/2015, đã khiến các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích tự hỏi việc định giá tài sản Nga như thế nào sau một năm xảy ra cuộc xung đột tại Ucraina.
Liệu những tài sản này có đang ở mức thấp, nghĩa là sự hồi phục gần đây trên thị trường Nga mới chỉ là sự khởi đầu hay những rủi ro trong các cuộc xung đột đã khiến giá tài sản tại Nga lên mức quá cao?
Dưới đây là 3 nguyên nhân cho mỗi loại kịch bản đối với thị trường Nga:
Kịch bản tăng trưởng
1. Lợi tức hấp dẫn:
Theo hãng tin Bloomberg, trái phiếu chính phủ Nga kỳ hạn 2 năm bằng đồng Rúp có lợi tức 13,7% là trái phiếu có mức lợi tức cao nhất trong số 45 quốc gia. Trong khi đồng Rúp cho thấy dấu hiệu dần ổn định, lãi suất hấp dẫn tại Nga có thể tạo điều kiện để các nhà đầu tư chi tiền vào thị trường này nhằm tận dụng khoản thanh toán lãi suất cao.
Tỷ lệ lợi tức của Nga ở mức cao nhất thế giới
Giám đốc đầu tư Ankur Patel tại Birmingham cho biết đây là thời điểm thích hợp để tìm kiếm lợi nhuận. Ông cho rằng nếu các nhà đầu tư đang tìm kiếm mức lãi suất hấp dẫn tại nước ngoài thì thị trường Nga là nơi có sức hấp dẫn nhất.
2. Nợ công thấp và tỷ lệ dự trữ ngoại hối cao:
Nợ công của chính phủ Nga ở vào khoảng 16% GDP, tỷ lệ thấp thứ 4 trong 53 quốc gia được theo dõi bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo số liệu của ngân hàng Rossii, mặc dù tỷ lệ dữ trữ ngoại hối của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua ở mức 365 tỷ USD nhưng nước này sẽ bù đắp lại bằng những khoản thu nợ của chính phủ, doanh nghiệp và ngân hàng trong 2 năm tới.
Tỷ lệ nợ của Nga ở mức thấp
Chuyên gia Bob Maes của KBC Asset Management cho biết những yếu tố tích cực đối với thị trường Nga đều dựa trên tỷ lệ ngoại hối trong bảng cân đối tài chính và tỷ lệ nợ công thấp.
3. Tỷ lệ P/E thấp:
Trước đây, cổ phiếu Nga thường xuyên được giao dịch tại mức giá thấp hơn mức giá trung bình thế giới do các nhà đầu tư lo lắng về tình hình quản trị doanh nghiệp tại đây. Tuy nhiên, hiện nay cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Nga còn rẻ hơn trước đây. Theo những số liệu của hãng tin Bloomberg, chỉ số chứng khoán Nga Micex Index được đánh giá có mức P/E là 5,9 lần trong 12 tháng tới, thấp hơn 51% so với mức P/E bình quân của thị trường mới nổi. Mức giảm giá trung bình trong 5 năm qua trên thị trường này là 44%.
Tỷ lệ P/E của Nga thuộc nhóm thấp nhất thế giới
Theo R-Squared’s Patel, chỉ số P/E của thị trường Nga hiện nay ở mức thấp chưa từng có trong 15 năm qua.
Kịch bản suy giảm
1.Suy giảm kinh tế:
Những cuộc xung đột quân sự tại Ucraina, giá dầu giảm mạnh và các lệnh trừng phạt quốc tế đã đẩy Nga đến bờ vực của một cuộc suy thoái. Theo khảo sát của hãng tin Bloomberg, GDP của Nga được dự đoán sẽ giảm 4% trong năm nay. Bên cạnh đó, các hãng Standard & Poor’s và Moody’s Investors Service đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Nga xuống dưới mức khuyến nghị đầu tư lần đầu tiên trong lịch sử vào đầu năm nay.
GDP của Nga suy giảm
Trong tuần này, Morgan Stanley đã hạ xếp hạng tài sản của Nga từ mức trung bình xuống tiêu cực và dự đoán thị trường này sẽ sụp đổ với kết cục ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất và suy giảm kinh tế.
2.Biến động tiền tệ:
Mặc dù đồng Rúp đã tăng giá trở lại và hồi phục phần nào, đồng tiền này vẫn là đồng nội tệ bất ổn nhất trên thế giới và khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn khi đầu tư vào tài sản Nga. Theo những số liệu của hãng tin Bloomberg, biến động tiền tệ được tính 3 tháng 1 lần của Nga đã tăng từ mức 12% năm trước lên 30% hiện nay.
Đồng Rúp có biến động mạnh nhất trên thế giới
Chuyên gia Paul Denoon của AllianceBernstein Holding cho biết nếu chỉ dựa trên những số liệu về kinh tế thì tài sản Nga trông rất hấp dẫn. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ rủi ro về chính trị và điều này làm cho việc đầu tư trở nên bất ổn hơn.
3.Rủi ro địa chính trị:
Tình hình xung đột tại Ucraina đã phần lớn giảm xuống kể từ khi một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết vào tháng trước, tạo nên một khoảng thời gian thư giãn trong cuộc xung đột đã làm thiệt mạng hơn 6.000 người theo ước tính của Liên Hợp Quốc.
Mặc dù vậy, chính phủ Mỹ đã mở rộng thêm thời gian áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga kể từ các lệnh trừng phạt đầu tiên vào tháng 3/2014.
Tỷ lệ thoái vốn khỏi Nga đang ngày càng tăng
Nguồn vốn tại Nga đã trở nên khan hiếm khi các công ty nội địa và các hộ gia đình chuyển tiền ra nước ngoài trong bối cảnh tình hình kinh tế bất ổn. Lượng thoái vốn ròng năm 2014 tại Nga đã đạt 152 tỷ USD. Hãng Moody’s dự tính con số này có thể tăng lên mức 400 tỷ USD trong 2 năm tới.
Cựu chuyên gia chiến lược John-Paul Smith của Deutsche Bank nhận định Điện Kremlin có quyền phân bổ nguồn vốn, vì vậy sẽ rất khó để định giá tài sản trên thị trường Nga.