Grant Thornton: 64% nhà đầu tư tư nhân đánh giá Việt Nam hấp dẫn

Grant Thornton: 64% nhà đầu tư tư nhân đánh giá Việt Nam hấp dẫn

(NDH) Đây là số liệu mới nhất của Grant Thornton được cập nhật trong báo cáo “Khảo sát đầu tư tư nhân Quý IV/2014 tại Việt Nam”. So với lần trước, tỷ lệ đánh giá Việt Nam hấp dẫn tăng 10%.

Theo Grant Thornton, so với các kết quả khảo sát trước, đã có những bước tiến đáng khích lệ về tỷ lệ đánh giá mức độ hấp dẫn đầu tư tăng 10% (từ 54% lên 64%), cũng như dự tính khả năng duy trì và gia tăng phân bổ đầu tư vào Việt Nam trong 12 tháng tới (từ 84% lên 87%). Những ngành nghề và lĩnh vực thu hút hàng đầu là giáo dục‚ bất động sản, thực phẩm & đồ uống và bán lẻ.

Trong khi đó, “Tham nhũng, quan liêu” và “Thủ tục hành chính” tiếp tục là những trở lại chính, có tới 88% người được hỏi lựa chọn.

Dù vậy, đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam 12 tháng tới, đa số các nhà đầu tư tư nhân đều nhận định tích cực, được phản ánh qua số liệu kinh tế vĩ mô cũng như đánh giá thăng hạng tín nhiệm Quốc gia cải thiện

Với 64%, tăng 10% so với kỳ khảo sát trước, số người được hỏi đánh giá Việt Nam là điểm đến “Hấp dẫn” và “Rất hấp dẫn” để đầu tư cùng với tỷ lệ nhận xét “Kém hấp dẫn” giảm từ 26% xuống 10% là tín hiệu khả quan. Điều này xuất phát từ nới lỏng các quy định, rào cản thương mại theo hiệp định đã ký như WTO hay sắp thực hiện AFTA .

Tuy nhiên, trong khu vực Asean, Indonesia và Myanmar mới là 2 quốc gia hấp dẫn đầu tư hàng đầu. Còn theo khảo sát của Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Singapore, thì Việt Nam vẫn đứng sau Indonesia về mở rộng đầu tư mới.

Về phân bổ đầu tư, đa số các nhà đầu tư được hỏi đều lựa chọn sẽ gia tăng mức phân bổ đầu tư vào Việt Nam. Tỷ lệ này là 45%, giảm 6% so với kỳ khảo sát trước của Grant Thornton.

Một thông tin đáng lưu ý là các nhà đầu tư tư nhân không đánh giá cao yếu tố VAMC, và Tài sản xấu không phải là nhân tố dẫn dắt các giao dịch đầu tư

Trong lần khảo sát này, “Công ty tư nhân/gia đình” đã trở lại là nguồn cung chính cho các thương vụ với 33% lựa chọn, tiếp đến “Giao dịch mua bán thứ cấp” với 26% nhà đầu tư lựa chọn, tăng thêm 2%, trở thành nguồn cung cấp các thương vụ lớn thứ hai tại Việt Nam.

Xu hướng lựa chọn thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty chỉ có 20% lựa chọn và 13% lựa chọn thông qua thị trường chứng khoán. Đây là kết quả không được mong đợi trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Đánh giá chi phí vay vốn nhiều nhà đầu tư cho rằng chi phí lãi vay ổn định, hoặc tiếp tục giảm trong năm tới, chỉ có khoảng 25% dự đoán chi phí lãi vay tăng.

Điều này chứng tỏ nỗ lực của Ngân hàng Nhà Nước trong việc cắt giảm lãi suất thực hiện trong suốt ba năm qua. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay vẫn được cho là còn nhiều nan giải. Ngoại trừ một phần nhỏ các ý kiến khảo sát cho rằng nguồn vay vốn ‚tương đối dễ tiếp cận‛ (8% so với 6% trong kỳ khảo sát trước), 74% các nhà đầu tư tham gia khảo sát đều đồng ý rằng nguồn vay vốn là "rất khó tiếp cận" hoặc "tương đối khó tiếp cận". Điều này không khác biệt nhiều so với lần khảo sát trước của Grant Thornton.

Với những đánh giá trên, các ngành “Thực phẩm & nước uống”, “Giáo dục”, “Bất động sản”, và “Bán lẻ” là 4 ngành được kỳ vọng nhất. Trong đó, “Giáo dục” và “Bất động sản” cùng chia sẻ vị trí dẫn đầu với 36% người lựa chọn “rất hấp dẫn”. Còn “Thực phẩm & Nước uống” và ngành “Bán lẻ” ý kiến lựa chọn tương ứng ở mức 33% và 29%