[Góc nhìn môi giới] Tỷ giá tăng và những hệ lụy

(NDH) Tỷ giá tăng kích thích dòng vốn ngoại trở lại thị trường do giá cổ phiếu giảm, chuyển đổi từ USD sang VND nhiều hơn. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có vay nợ bằng USD sẽ bị thiệt hại với mức độ tùy vào giá trị khoản nợ, cũng như công cụ nợ

Tỷ giá tăng 1% lên 21.673 VND/USD kể từ 7/5

Áp lực từ những sự kiện chính sau, đã làm cho Chính phủ phải quyết định tăng biên độ tỷ giá:

- Nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu đến 3.1 tỷ USD đến giữa tháng 4 ( tăng mạnh so với mức xuất siêu hơn 600 triệu USD cùng kỳ) làm cho nhu cầu USD tăng cao.

- Đồng USD tăng trung bình 20% so với các đồng tiền chủ chốt khác như Yên Nhật, Indonesia Rupiah, Malaysia Ringgit, Singapore Dollar, Thai Baht

- Vietcombank sẽ đầu tư 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ và khả năng Chính phủ sẽ phải vay mượn dự trữ ngoại hối khiến tỷ giá 2 phiên trước ngày 7/5 đều giao dịch sát giá trần cho phép.

2 mặt của việc tăng tỷ giá:

Tích cực:

- Kinh tế: Giúp hàng hoá xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, giảm nhập khẩu và hỗ trợ tăng trưởng GDP.

- Thị trường chứng khoán: dòng vốn nước ngoài rút mạnh ra khỏi thị trường trong tháng 3 ( bán ròng 43.61tr USD) có thể quay trở lại thị trường do cổ phiếu của Việt Nam đang hấp dẫn hơn do: (i) giá cổ phiếu đã giảm mạnh trong 2 tháng qua và (ii) đồng USD chuyển sang VND sẽ nhiều hơn.

P/E thị trường đang ở mức 12.4 lần trong khi các thị trường Bangkok, Jakarta, Philippines lần lượt là 19.8, 22.1 và 21.9 và các nhà phân tích dự báo định giá ở mức 14.x lần là hợp lý cho thị trường Vietnam, tương đương + 12.9%sẽ

- Tâm lý đầu tư: Khi thông tin chính thức ra, tâm lý đầu tư sẽ ổn định và các tính toán định giá sẽ thay đổi với tỷ giá mới. Nhà đầu tư (trong hay ngoài nước) cần thời gian ngắn để thực hiện các tinh toán và sẽ sớm trở lại thị trường.

Tiêu cực:

- Các khoản vay bằng ngoại tệ của Chính phủ: từ 2005 đến nay, Chính phủ đã huy động tổng cộng 2.750 triệu USD, như vậy khi tỷ giá tăng áp lực trả nợ của Quốc gia càng tăng cao.

- Các công ty niêm yết đang sử dụng công cụ tài chính là Trái phiếu bằng đồng USD như: VIC, HAG, CTG sẽ bị ảnh hưởng, cụ thể:

(i) Vincom (VIC): công ty này có các khoản nợ vay và trái phiếu bằng USD chiếm 34% tổng dư nợ, trong đó trái phiếu chuyển đổi là 155.3triệu USD đến ngày 24/4/2015. Thực tế, khi tỷ giá VND/USD tăng 1% thì đã làm giảm lợi nhuận trước thuế 2013 và 2014 của VIC lần lượt là 145 tỷ đồng (1.5%) và 111 tỷ đồng ( 2%).

Tuy nhiên, trái chủ của VIC có thể chuyển đổi 155.3tr trái phiếu chuyển đổi thành khoảng 86 triệu cổ phiếu tại mức giá hiện tại, chiếm 6% tổng số lượng cổ phiếu lưu hành vào cuối năm 2014, đây là áp lực cung cao đến giá cổ phiếu VIC trong thời gian tới.

(ii) Hoang Anh Gia Lai (HAG): khoản vay nợ bằng USD chiếm 26% vào cuối 2014 và không có vay trái phiếu bằng đồng USD, kể cả khoản vay trái phiếu quốc tế có trị giá 2.230 tỷ đồng bằng đồng nội tệ. Các khoản vay bằng USD được sử dụng phát triển các dự án tại nước ngoài, cũng có doanh thu bằng USD. Do vậy, phá giá VND sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tài chính của HAG.

(iii) Vietinbank (CTG): đã phát hành 250 triệu USD trái phiếu, kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 5/2017 với lãi suất cố định 8%. Tuy nhiên, đây là khoản tiền nhỏ so với tổng quy mô tài sản của ngân hàng, do vậy, tác động của tỷ giá không lớn.

(iv) Vận tải dầu khí (PVT): có khoản vay 121 triệu USD cuối năm 2014, tỷ giá VND/USD tăng sẽ làm công ty phải chịu thêm khoản lỗ tài chính 25 tỷ đồng. Giả định, VND tăng 3% năm 2015 ( bao gồm trần tỷ giá +1%) thì PVT sẽ ghi nhận khoản lỗ vay ngoại tệ là 70 tỷ đồng.

(v) Gemadept (GMD): có khoản vay 46,7tr USD, khi tỷ giá tăng 2% đến thời điểm này, lợi nhuận ròng sẽ giảm 15 tỷ đồng.

Chuỗi bài “Góc nhìn môi giới” được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.

Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư cần thêm thông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ thachnn@ssi.com.vn.