Thị trường chứng khoán Vietnam đã tăng 26.16% kể từ đầu năm, đứng thứ 4 trên thế giới. Xu hướng tăng vẫn đang tiếp diễn và đây là thời điểm cần quan sát những yếu tố tích cực của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2014 và 2015 cũng như xem xét về mặt định giá thị trường để từ đó lựa chọn được những ngành đáng đầu tư nhất.
Triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2014 và 2015
Tính đến 28/8, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đạt 4,5%. Theo thông lệ, Ngân hàng nhà nước (SBV) phải tăng cường giải ngân (cho vay) mạnh vào những tháng cuối năm để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 10-12%. Những khoản cho vay này sẽ vào thị trường thông qua: (i) gói hỗ trợ cho vay bất động sản đã được nới lỏng về điều kiện và thời hạn vay, (ii) đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân và (iii) tăng cường đầu tư công vào các dự án hạ tầng.
Làn sóng đầu tư nước ngoài dồn dập về khu vực sản xuất (Samsung, LG, Intel..) và tiêu dùng đang vào Vietnam như: Robins Department Store- Thailand, Aeon Mall - kế hoạch mở đại siêu thị thứ 2 và 3 tại Bình Dương và Hà Nội, F&N mua Metro Cash & Carry và tăng nắm giữ cổ phần Vinamilk… sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP vượt 5.6% trong năm nay.
Lạm phát sẽ tăng trở lại những tháng cuối năm do cung tiền tăng nhưng không đáng kể do xu hướng giảm giá nhiên liệu trên thế giới và kiểm soát tốt giá cả của Chính phủ. Mục tiêu năm nay lạm phát 7% nhưng thực tế Chính phủ có thể kiểm soát mức dưới 6%.
Đồ thị lạm phát (trái) và tỷ giá VND/USD (phải)
Tỳ giá: Tiền Đồng có xu hướng ổn định do được củng cố bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI và ODA) mạnh, thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối ổn định 35 tỷ USD trong nửa đầu năm 2014. Ngân hàng nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá 1% lên 21.246/USD từ 20.036/USD từ ngày 18/6 với biên độ 1% với mục tiêu kích thích xuất khẩu.
Theo đánh giá của SSI Research, năm 2015 mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ là 6-6.2% cao hơn kế hoạch 5.8% của 2014 và CPI khoảng 7%:
- Các dự án về hạ tầng sẽ tiếp tục trong năm 2015 nhưng sẽ mạnh hơn do có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân.
- Hiệp định TPP được kỳ vọng hoàn thành trong năm 2015 và với điều kiện “từ sợ trở đi” sẽ thu hút sự dịch chuyển đầu tư nhà máy dệt may từ các nước Đài Loan, Trung Quốc,. từ các nước khác vào Vietnam.
- Tái cấu trúc ngân hàng: thông tư 02 về phân loại nợ xấu ngân hàng sẽ áp dụng chính thức từ ngày 1/1/2015, sẽ dẫn đến làn sóng sát nhập, giảm sở hữu chéo và tiến gần hơn đến những tiêu chuẩn của ngành ngân hàng thế giới.
Các chỉ tiêu dự báo kinh tế vĩ mô (nguồn: SSI Research)
Xu thế tăng điểm của Thị trường chứng khoán – Sẽ tiếp tục
Hành động quyết liệt của Chính phủ trong cải cách nền kinh tế sẽ là điểm cộng lớn nhất cho xu thế tăng điểm của thị trường chứng khoán. Những hành động này là: (i) Giải quyết nợ xấu thông qua công cụ VAMC, (ii) Đầu tư công để kích thích tăng trưởng kinh tế và (iii) cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mục tiêu 432 doanh nghiệp trong giai đoạn từ 2014-2015.
Thanh khoản thị trường đang tăng nhờ: (i) làn sóng IPO, (ii) dòng vốn ngoại và (iii) các Quỹ nội địa đang bùng nổ: 2 năm trước, thanh khoản trung bình 20 triệu USD/phiên nhưng gần đây, thanh khoản đã tăng mạnh lên 100-300tr USD/phiên, dự kiến trong 2 năm tới, thanh khoản sẽ đạt 400-500tr USD/phiên và bắt đầu lọt vào tầm nhắm của các Quỹ đầu tư lớn trên thế giới.
P/E thị trường hiện tại 16.38 lần thấp hơn mức đỉnh 10/2009 là 20.1 lần và thấp hơn thị trường trong khu vực là Philippines 20 lần, Indonesia 20.2 lần. Theo tính toán, chỉ số P/E này phần lớn phản ánh nhóm cổ phiếu lớn như VN30, nên có nhiều cổ phiếu có P/E chỉ từ 3-5 lần đang là một điểm đến của dòng tiền.
Những khoản đầu tư hấp dẫn nửa cuối năm 2014 và 2015
Hạ tầng: một báo cáo từ Bộ xây dựng cho biết đã giải ngân cho các dự án giao thông là 57.5 ngàn tỷ cuối tháng 7, tăng hơn 200% so với cùng kỳ, đặc biệt là Quốc Lộ 1A và 14. Tổng vốn đầu tư hạ tầng trong năm nay có thể lên đến 116.7 ngàn tỷ.
Các công ty đầu ngành về Vật liêu xây dựng như xi măng, sắt thép sẽ là những công ty có cơ hội gia tăng doanh thu trong năm nay và năm sau khi các dự án hạ tầng đang diễn ra, đó là Xi măng Hà Tiên (HT1), Xi măng Bỉm Sơn (BCC), Thép Hòa Phát (HPG)..
Những công ty thi công chuyên về hạ tầng như CII, Fecon (FCN), Cotecon (CTD), Fideco, là một trong những lựa chọn cho nhà đầu tư ưa thích chủ đề đầu tư công trong thời điểm này.
Bất động sản: hạ tầng phát triển luôn đi kèm với sự tăng trưởng giao thương và đô thị hóa. Những công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang có hạ tầng đang hướng đến như Quốc Lộ 1A hoặc tuyến Metro ở khu vực phía Đông thành phố là: Nhà Khang Điến (KDH), Thủ Đức House (TDH), Đất Xanh Group (DXG).. sẽ là những công ty đầu tiên được lựa chọn của những nhà đầu tư gián tiếp vào thị trường bất động sản.
Tiêu dùng: thị trường tiêu thụ của một nước dân số 90 triệu dân luôn là điều mà các nhà đầu tư lớn về ngành hàng tiêu dùng đang tìm kiếm khắp thế giới. Những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) như Vinamilk (VNM), Masan Consumer, Dầu ăn Cái Lân ( Calofic) và lĩnh vực hàng tiêu dùng lâu bền như xăm lốp Casumina (CSM), Cao su Đà Nẵng (DRC) Thế Giới di động (MWG), Petrosetco (PET) sẽ là những lựa chọn tốt để đầu tư.
Chuỗi bài“Góc nhìn môi giới”được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.
Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cần thêm thoông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ thachnn@ssi.com.vn