GDP 2015 có thể đạt cao hơn 6,3% do niềm tin tiêu dùng dựa trên lãi suất thấp, chỉ số quản trị mua hàng HSBC PMI tháng 5 tăng lên mức cao nhất sau khi đạt kỷ lục vào tháng 4, doanh số bán lẻ trong 5 tháng đầu năm đã tăng 8,2% so với cùng kỳ là những chỉ báo vĩ mô cho thấy sức khỏe của nền kinh tế tốt dần lên.
60 công ty niêm yết dẫn đầu (trừ các ngân hàng) đã công bố kết quả kinh doanh quý I, với mức tăng trung bình 10,7% doanh thu và 5,4% lợi nhuận sau thuế. Con số tăng trưởng này thấp hơn dự báo 8,8% lợi nhuận sau thuế do các tác động từ: (i) ngành dầu khí bị ảnh hưởng nặng bởi giá dầu, (ii) VIC (phương pháp kế toán chỉ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận khi bàn giao nhà cho người mua nhà), HPG (không còn doanh thu đột biến từ dự án bất động sản Mandarin) và BVH (do đóng góp thấp của ngân hàng Bảo Việt và lọi nhuận giảm của hoạt động bảo hiểm)
Thị trường chứng khoán đang là chỉ báo của nền kinh tế, và dường như nó đang hoạt động đúng dựa trên thay đổi này. Ngành ngân hàng có sự chuyển động mạnh, ba ngân hàng dẫn đầu là VCB (tăng 43,3%), CTG (tăng 42,8%), BID ( tăng 74,2%) kể từ đầu năm đến nay cho thấy nhà đầu tư, đặc biệt là tổ chức đã nhận ra sự chuyển biến của nền kinh tế trong khi nhà đầu tư trong nước vẫn còn nghi ngờ.
Quan sát chuyển động của các cổ phiếu ngân hàng theo chỉ số P/BV (Price to Book value), CTG và MBB vẫn đang còn tiềm năng tăng trưởng cao do trong quá khứ, BID và CTG có lịch sử giao dịch xung quanh P/BV 1.0-1.1 lần nhưng với sự tăng giá nhanh của BID (một phần do thông tin về đối tác chiến lược nước ngoài tham gia) thì chỉ số P/BV của BID đang là 1,8 lần trong khi CTG chỉ đang giao dịch tại P/BV 1,3 lần. Thông thường, nhà đầu tư cá nhân chỉ quan sát các chỉ số tài chính, nhưng thực tế CTG và BID thường được giao dịch tại ngang chỉ số P/BV, ngụ ý CTG đang có tiềm năng tăng giá (CTG đang chiếm tỷ trọng 6% trong VN Index). Trung bình ngành ngân hàng tại các thị trường mới nổi có vốn hóa trên 3 tỷ USD đang có chỉ số P/BV là 1,9 lần, tại Việt Nam chỉ số P/BV trung bình của 8 ngân hàng niêm yết là 1,4 lần.
MBB là một trường hợp có chỉ số P/BV thấp 1,0 lần và hiệu quả cao hơn các ngân hàng cùng ngành ( 2014 ROE: 15,8%, CIR 37,5% so với cùng ngành lần lượt 11,4% và 46,5%)
Thông tư 06 áp dụng từ 15/7/2015 sẽ thúc đấy M&A trong ngành ngân hàng
Thông tư 06 (TT06) quy đinh về thời hạn cuối cùng đến 31/12/2015 để đưa về giới hạn sở hữu cho phép 5% đối với cá nhân và 15% đối với tổ chức, tối đa 20% đối với tố chức cộng các bên liên quan. Trong thời gian này, các cổ đông này không được phép tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ, ngân hàng không được phép cho các cổ đông đang sở hữu vượt cao hơn giới hạn này kể từ ngày 15/7 và các biện pháp trừng phạt.
Các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước VCB, BID, CTG sẽ không vi phạm luật này trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần có cơ cấu cổ đông cá nhân và tổ chức sau buộc phải có phương án khi Thông tư có hiệu lưc :
- AB Bank: Tập đoàn điện lực EVN nắm 16%
- PVCombank: PetroVietnam sở hữu 52%
- Techcombank: Masan group sở hữu 19,5%
- Phương Nam Bank: ông Trầm Bê và gia đình sở hữu 20,8%
Mục tiêu của Thông tư này là buộc các ngân hàng thương mại có cùng chủ sở hữu lớn phải sát nhập nhanh chóng để pha loãng tỷ lệ nắm giữ hiện tại khi 2 ngân hàng sát nhập lại. Như vậy, Thông tư này sẽ giúp cho ngành ngân hàng ổn định trong dài hạn.
Trong ngắn hạn, việc tìm kiếm cổ đông thay thế hoặc giảm tỷ lệ sở hữu là một câu hỏi lớn, đồng nghĩa với việc Chính phủ dự kiến sẽ nâng tỷ lệ sở hữu ngân hàng của nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay để vốn ngoại có thể tìm đến những cổ đông lớn đang muốn thoái vốn.
Chuỗi bài “Góc nhìn môi giới” được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.
Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cần thêm thông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ thachnn@ssi.com.vn.