Đúng vậy, thị trường đang trong giai đoạn tích lũy khi chạm khu vực hỗ trợ 535-537 điểm vào ngày 1/4. Cổ phiếu dường như chỉ giao động nhẹ và rơi trở lại vài ngay sau đó, đem lại khoảng chênh lệch giá (lãi/lỗ) không đáng kể. Các nhà phân tích đồ thị cho rằng mô hình Vai đầu vai đang hình thành với ngưỡng cản lớn tại khu vực đóng cửa ngày hôm nay của VN-Index 559-560 điểm trong khi đó sàn HNX giảm điểm cho thấy dòng tiền đang lưỡng lự lớn tại khu vực này.
Tăng trưởng kinh tế, nền tảng của thị trường chứng khoán, đã tăng +6,0% trong quý 1 (cao nhất kể từ 2008) và World Bank vừa nâng dự báo tăng trưởng của Vietnam lên 6.5% nhờ hoạt động kinh tế có nhiều dấu hiệu tích cực, cần thời gian để thị trường định giá lại mặt bằng giá mới. Giao dịch trên thị trường mỗi ngày đến 80-85% là của nhà đầu tư cá nhân dựa trên tin tức ngắn hạn do vậy những yếu tố tích cực của vĩ mô và thu nhập doanh nghiệp đầu ngành tăng trưởng đóng vai trò ít quan trong hơn những tin tức (hay tin đồn) liên quan đến kỳ họp quốc hội sắp tới vào tháng 5.2015.
Dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường cổ phiếu Vietnam và khu vực Asean – 5 (Vietnam, Thailand, Philipines, Malaysia, Indonesia) vẫn tiếp tục âm đến cuối tuần trước, trong đó dòng vốn rút ra khỏi thị trường Việt Nam là 45 triệu USD và Asean-5 là 438 triệu USD.
Trong đó, giá chứng chỉ quỹ VNM ETF và DB FTSE ETF đã có dấu hiệu hồi phục trở lại trong 4 phiên tăng liên tiếp giúp tăng chênh lệch giá thị trường và NAV lần lượt là +0.74% và +0.9%. Điều này cho thấy dòng tiền đang quay trở lại thị trường Vietnam thông qua ETFs. Mối tương quan giữa VNM ETF và VN Index là rất cao cho thấy diễn biến giá của VNM ETF có thể là một chỉ báo cho VN Index thời điểm hiện tại.
Xu hướng tăng dần của nhà đầu tư nước ngoài trong những năm tới: Giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Vietnam chỉ khoảng 10-14%, tương tư như thị trường Indonesia vào những năm 1998-1999, hiện tại, giá trị giao dịch của khối ngoại trên TTCK Indonesia đã chiếm tới 50% tổng giá trị giao dịch nhờ những chính sách mở cửa như nâng tỷ lệ sở hữu và tạo thuận lợi tối đa cho dòng vốn ngoại tham gia thị trường.
Cơ cấu VN-Index sẽ thay đổi khi CTG niêm yết phần vốn nhà nước
CTG sẽ trình ĐHCĐ niêm yết phần vốn của nhà nước 2.4 tỷ cổ phiếu để đưa CTG trở thành cổ phiếu có số lượng lưu hành đứng đầu thị trường và sẽ có tác động 6.7% đến chỉ số VN Index sau GAS, VNM, VCB, VIC.
CTG (Giữ - giá mục tiêu 18.700 đồng/cp – theo định giá cơ bản) là ngân hàng đứng đâu về quy mô mạng lưới, tổng tài sản và thu nhập thuần trong các ngân hàng niêm yết. Tỷ lệ nợ xấu thấp 1.1% và thương vụ sát nhập với PG bank không tác động trọng yếu đến CTG do quy mô của PG Bank khá nhỏ bé so với CTG.
CTG được tăng tỷ trọng trong VN Index sẽ thu hút dòng vốn của những nhà đầu tư tổ chức lớn (như ETFs) xây dựng danh mục theo VN-Index hoặc VN All Share phải tăng vị thế nắm giữ, đây là điểm cộng cho giá cổ phiếu CTG trong tháng quý 2. Giá cổ phiếu CTG giao động trong kênh giá từ 16.8 – 18.5 nghìn đồng/cp và đường trung bình động nhanh MA (5) có xu hướng cắt lên đường giá trung bình 1 tháng MA (25) cho thấy dấu hiệu tăng giá của cổ phiếu này.
Chuỗi bài “Góc nhìn môi giới” được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.
Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cần thêm thông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ thachnn@ssi.com.vn.