Sự chú ý của thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam đều tập trung vào cuộc họp về chính sách tiền tệ của FED trong ngày 16-17/9. FED có tăng lãi suất từ mức tiệm cận 0%-0,25% hay không là một câu hỏi lớn và nhiều ý kiến trái chiều. Theo khảo sát của hãng Action Economics, tỷ lệ nhà phân tích dự báo FED vẫn sẽ trì hoãn kế hoạch nâng lãi suất đã tăng liên tiếp trong 2 tuần qua, đứng ở mức 58% (11/19 chuyên gia kinh tế và chiến lược gia đầu tư giữ ý kiến FED vẫn duy trì lãi suất thấp). Các người tham gia khảo sát đều có ý kiến vững chắc củng cố cho lập luận của mình, nhưng hãy nhớ những điểm chính sau:
- Thị trường chứng khoán chỉ là một trong những mối quan tâm của FED khi ra quyết định tăng hay giữ nguyên lãi suất.
- FED sẽ phải đánh giá những ảnh hưởng của làn sóng bán tháo cổ phiếu đối với nền kinh tế trước khi nâng lãi suất. Tăng trưởng giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm +0,2% khi FED tăng lãi suất theo dự báo của Barclays Capital.
- Tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp nhất 7 năm ở mức 5,1% - thấp hơn dự báo ban đầu của FED là một trong những điểm cho thấy nền kinh tế phục hồi mạnh từ đó việc nâng lãi suất là cần thiết.
- Nâng lãi suất đồng nghĩa với việc FED sẽ chấm dứt thời kỳ nới lỏng tiền tệ kỷ lục từ năm 2008, (từ đó thị trường chứng khoán đã tăng liên tiếp 6 năm), điều này có thể làm thị trường chứng khoán rơi vào chu kỳ điều chỉnh khi chính sách nới lỏng tiền tệ bị thu hẹp lại.
Dựa trên rất nhiều nguồn phân tích khác nhau, FED có thể sẽ nâng nhẹ lãi suất dần +0,25% lần đầu tiên sau 7 năm duy trì ở mức thấp kỷ lục. Điều này sẽ tác động tiêu cực, nhưng không duy trì lâu đến thị trường chứng khoán do tỷ lệ tăng nhẹ này ảnh hưởng về mặt tâm lý, chứ chưa thực sự tác động lên các chỉ số kinh tế, vốn rất được FED quan tâm.
Trong tháng 9, Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục được dẫn dắt bới cổ phiếu ngân hàng hướng đến 600 điểm sau khi vượt qua vùng cản 580-585 điểm. Bên cạnh những yếu tố về vĩ mô GDP quý 3 dự báo đạt 6,5% ( tăng hơn so với quý 2 đạt 6,44%), tâm lý “ tháng 7 Âm lịch” cũng đã kết thúc kể từ ngày 12/9 sẽ giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn.
Cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch thấp hơn vùng đỉnh trong tháng 7 và định giá hợp lý tại P/B 1,4 lần, chiếm tỷ trong hơn 30% trong cơ cấu VN Index và được nhiều nhà đầu tư cá nhân kỳ vọng sẽ dẫn dắt Index trong ngắn hạn. Cần nhớ lại, đợt tăng giá mạnh trong quý 1 và tháng 5 đến tháng 7, yếu tố cơ bản không phải là nguyên nhân chính. Tiềm năng mới từ ngành ngân hàng là khả năng tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài như CTG đã trình nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên 40% để phục vụ nhu cầu tăng vốn.
Dựa trên phân tích thận trọng, Chính phủ có thể sẽ vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu chủ đạo trong ngành nhạy cảm này, ít nhất tại những ngân hàng thuộc nhà nước như VCB, BID, CTG trong năm nay.
2 ETFs đã công bố danh mục - Tuần hành động 14-19/9
Sự kiện Vietnam Market Vector (V.N.M) sẽ thêm vào danh mục khoảng 30 triệu cổ phiếu BID (chiếm 8%) và 14 triệu cổ phiếu NT2 ( Mua- giá mục tiêu 32.000) ( chiếm 3,53%) tổng danh mục của quỹ là điểm sáng giúp VNIndex tích cực hơn trong tuần mới.
2 ETFs sẽ mua vào tổng cộng hơn 43 triệu cổ phiếu BID trong vòng 2 tuần từ 7-19/9, gấp 20 lần khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên (2,1 triệu cổ phiếu /phiên), có thể thúc đẩy tâm lý muốn sở hữu cổ phiếu ngân hàng gia tăng, giúp VN Index tăng điểm.
BID sẽ niêm yết 337 triệu cổ phiếu sau khi hoán đổi cổ phiếu của ngân hàng MHB trong quý 4. Nhà nước đang nắm giữ 91,26% MHB và 95,76% BID, sau khi 2 ngân hàng này sát nhập, nhà nước sẽ giữ 95,28% vốn tại ngân hàng BID sau sát nhập.
Chuỗi bài “Góc nhìn môi giới” được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.
Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cần thêm thông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ thachnn@ssi.com.vn.