Công ty cổ phần Thế Giới Số (DGW) – Niêm yết tại Hose ngày 3/8
Đầu tư theo: Tăng trưởng
Ý kiến đầu tư: Mua – Giá mục tiêu 66.000 – # P/E2015 10.x
Giá niêm yết: 52.000đ/cp (+/- 20%)
FY2015 EPS: 6.500đ/cp
FY P/E 2015: 8x
FY 2016 EPS: 8.125đ/cp
FY P/E 2016: 6,4x
Thế giới số (DGW) là công ty phân phối sỉ số 2 sản phẩm công nghệ tại Việt Nam, các khách hàng lớn của DGW là Thế giới di động, Viễn Thông A, Phong Vũ, Nguyễn Kim, Trần Anh. Digiworld cũng hưởng lợi từ tăng trưởng mạnh của ngành công nghệ phần cứng với doanh số năm 2014 tăng trưởng 43% và lợi nhuận tăng 143% so với 2013, thu nhập trên mỗi cổ phiếu đạt 14,607đ trong năm 2014.
Từ 2011-2014, DGW duy trì tăng trưởng doanh số và lợi nhuận trước thuế hằng năm (CAGR) lần lượt 30% và 32%, trừ năm 2012 doanh số giảm nhẹ 0,5% do suy thoái kinh tế. Kể từ năm 2013, DGW bước chân vào lĩnh vực phân phối thiết bị di động, đầu tiên là Nokia và lợi nhuận biên ròng bắt đầu cải thiện từ 2014 đạt trên 3% tương đương FPT phân phối (FTG) và cao hơn PSD (hiện hơn 2%).
Trong năm 2015, DGW đã đạt được nhiều hợp đồng phân phối quan trọng từ: Apple, Wiko, Obi
Apple: Digiworld đã thành công trong việc ký kết với các hãng viễn thông phân phối điện thoại Apple qua các nhà mạng này. Kênh phân phối qua nhà mạng hiện đang ít phổ biến tại Việt Nam nhưng lại là kênh phân phối chính của các thị trường phát triển do các gói sản phẩm ưu đãi dành cho người mua dựa trên chi phí cước hàng tháng của họ. Điện thoại Apple chiếm 20% thị phần điện thoại tại Việt Nam trong đó FTG phân phối 50% sản lượng. Kể từ 2016, doanh thu từ phân phối sản phẩm Apple có thể đạt 70 triệu USD tương đương 10% doanh số của hãng tại Việt Nam.
Wiko: Digiworld đã ký kết liên doanh với Wiko phân phối vá giúp Wiko tăng thị phần tại Việt Nam. Chiến lược từ “nông thôn đến thành thị” khi bắt đầu thực hiện liên doanh này và gần đây, Wiko đã có mặt tại các cửa hàng bán lẻ thegioididong.com và Viễn Thông A tại các thành phố lớn. Dự báo, doanh số từ Wiko sẽ đạt ít nhất 700-800 tỷ mỗi năm, tương đương 1,5% thị phần điện thoại tại Việt Nam.
Obi: hãng điện thoại của cựu chủ tịch Apple John Sculley xâm nhập vào thị trường Việt Nam từ tháng 3.2015 bằng cách chọn Digiworld là nhà phân phối độc quyền toàn bộ danh mục sản phẩm smartphone của Obi tại Việt Nam. Obi tập trung vào phân khúc điện thoại thông minh có giá từ 1,5-4tr đồng với thiết kế hiện đại, canh tranh với các hãng điện thoại mới như Lenovo hay Xiaomi. Doanh số phân phối từ Obi dự báo hơn 400 tỷ mỗi năm cho Digiworld.
Lợi nhuận biên (GPM) trong năm 2015 có thể lên đến 6,8% do đóng góp từ các hãng điện thoại mới Wiko, Obi, Xiaomi do mới gia nhập thị trường Việt Nam nhưng đến năm 2016, lợi nhuận biên có thể sẽ giảm do DGW bắt đầu phân phối Apple thông qua các nhà mạng và Apple thường chia sẽ lợi nhuận thấp hơn so với các hãng khác do danh tiếng của hãng này.
Cơ cấu cổ đông
DGW sẽ niêm yết 23.583.669 cổ phiếu tại Sở giao dịch Hồ Chí Minh với giá niêm yết 52.000đ/cp biên độ +/- 20%.
Cơ cấu tỷ lệ sở hữu:
- Cổ đông sáng lập: 3,158.210 (13,39%)
- Cổ đông nước ngoài: 2,961.000 (12,56%)
- Cổ đông sở hữu trên 5%: 11.143.000 ( 47,25%) trong đó đã bao gồm cổ đông nước ngoài.
- Cổ đông sở dưới 5%: 9.282.459 ( 39,36%)
Cơ cấu vốn:
- Cổ đông nội bộ: 4.475.130 ( 18,98%)
- Cổ đông trong công ty: 3.244.439 ( 13,76%)
- Cổ đông ngoài công ty: Cá nhân 4.721.100 (20,02%) và Tổ chức 11.143.000 (47,25%)
*Cổ đông nội bộ bao gồm Hội đồng Quản trị, Ban Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát, Giám đốc tài chính, Kế toán trưởng.
Chuỗi bài “Góc nhìn môi giới” được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.
Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cần thêm thông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ thachnn@ssi.com.vn.