Bị thử thách bởi vùng cản kỹ thuật 630-645 sau khi đạt điểm số cao nhất trong vòng 12 tháng 642 điểm, thị trường đang gặp áp lực điểu chỉnh chốt lời và các thông tin chính thức từ vụ bê bối của cựu chủ tịch Dầu Khí Việt Nam và hàng loạt vụ bắt giữ khác các lãnh đạo của ngân hàng GPBank. Trong ngắn hạn, áp lực bán vẫn còn cho đến khi VN Index chạm ngưỡng hỗ trợ đầu tiên tại 615 và ngưỡng hỗ trợ mạnh tại vùng 595-600.
Tại thời điểm này, chúng ta đang bước vào tâm điểm của mùa báo cáo thu nhập 6 tháng đầu năm, hiện đang có đến 12/15 công ty vốn hóa lớn/vừa đang được các chuyên gia phân tích tại SSI Research theo dõi cho thấy báo cáo thu nhập trong quý 2 tích cực, đó là:
- VNM: tăng trưởng thị trường nội địa, phục hồi thị trường xuất khẩu và cải thiện lợi nhuận biên là những nguyên nhân chính giúp tăng trưởng lợi nhuận dự báo trong quý 2, có thể đạt tăng trưởng doanh thu 11% và 39,5% lợi nhuận ròng. Giá mục tiêu đầu tư 1 năm là 124.000đ/cp.
- DRC: lợi nhuận quý 2 ước tính 149 tỷ ( +17%) đóng góp từ phân khúc lốp radial do sản lượng xe tải tiêu thụ tăng mạnh và giá cao su, sợi carbon đen đang ở vùng thấp. Giá mục tiêu 1 năm là 57.000đ/cp.
- DHC: sản lượng tiêu thụ giấy caton đang tăng lên ( phân khúc giấy caton đem lại lợi nhuận biên cao hơn 0,5% so với giấy thường). Tỷ lệ tiêu thụ giấy caton tại thời điểm này của DHC là 43/57, so với năm 2014 chỉ là 28/72, và kỳ vọng sẽ tăng lên 50/50 trong thời gian tới. Dự báo thu nhập sẽ tăng trưởng 39,4% trong năm 2015 đạt 60,1 tỷ tương đương P/E 2015 là 7,3 lần. Giá mục tiêu 1 năm là 28.300đ/cp.
- HSG: giá phôi thép HRC từ 500usd/tấn cuối quý 3.2014 còn 350usd/tấn tại thời điểm hiện tại, giá bán thành phẩm cùa HSG giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì tỷ lệ thấp hơn so với tốc độ giảm của giá phôi thép đã giúp lợi nhuận dự báo của HSG tăng trưởng trong quý 2. Giá mục tiêu 1 năm 47.200đ/cp.
- NKG: tương tự giá phôi thép HRC giảm, nhà máy cán thép mới bắt đầu hoạt động từ tháng 3 giúp thị phần thép bắt đầu cải thiện mạnh, số liệu cho thấy cuối năm 2014, NKG chiếm 12,3% thị phần, tăng lên từ 6,2% cuối năm 2012. Giá mục tiêu 1 năm là 16.400đ/cp.
- HT1: sản lượng ximang tiêu thụ trong nữa đầu năm nay dự báo tăng trưởng 18%, lợi nhuận trước thuế đạt 520 tỷ so với 17 tỷ trong nữa đầu năm 2014. Tính chung cả năm, HT1 có thể tăng trưởng doanh thu 11% đạt 7.489 tỷ, lợi nhuận đạt 631 tỷ (+60%) dựa trên kinh doanh chính. Giá mục tiêu 1 năm là 26.000đ/cp.
- DBC: có thể đạt lợi nhuận 50 tỷ ( +141%) do: (i) giá nguyên liệu đậu nành, bắp giảm mạnh, (ii) giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì và (iii) sản lượng thức ăn cho heo và gà tăng lên. Dự báo cả năm, doanh thu tăng trưởng 6,5% đạt 5.452 tỷ, lợi nhuận tăng trưởng 17% đạt 290 tỷ, tương đương EPS 3.501đ/cp. Giá mục tiêu 1 năm là 29.700đ/cp.
- KBC: tiếp tục cho LG thuê thêm đất trong khu công nghiệp Trang Due, khu vực 2, lợi nhuận quý 2 có thể đạt 80 tỷ, tăng gấp 3 lần so với quý 2.2014. Giá mục tiêu 1 năm là 17.991đ/cp.
- PNJ: Doanh số bán lẻ tăng đã giúp doanh số tăng 6% cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 228 tỷ, tăng 46% trong nửa đầu năm nay, mức lợi nhuận này tưởng đương 60% kế hoạch năm. Giá mục tiêu 1 năm là 44.900đ/cp.
- NT2: doanh thu và lợi nhuận nửa đầu năm tăng trưởng lần lượt 19% và gấp 6 lần cùng kỳ năm 2014. Doanh thu tăng trưởng do sản lượng tiêu thu tăng 18%, chi phí khấu hao thấp, cải thiện lợi nhuận biên và lợi nhuận tài chính từ đồng EUR giảm đã đóng góp cho mức tăng trưởng ấn tượng này. NT2 hiện đang là cổ phiếu ngành điện hấp dẫn nhất, với mức cổ tức đều đặn dự kiến 15% mỗi năm, thu nhập trên mỗi cổ phiếu từ kinh doanh chính là 3.200đ/cp, tương đương P/E2015 chỉ khoảng 7 lần. Giá mục tiêu 1 năm là 32.400đ/cp.
- PET: Lợi nhuận công ty mẹ tăng 3% đạt 101 tỷ, nhờ thuế thu nhập giảm, Lợi nhuận từ cung cấp thiết bị dầu khí, dịch vụ thức ăn tăng trưởng 50% trong khi lợi nhuận trước thuế của mảng phân phối giảm, chỉ đóng góp 4,2% tăng trưởng lợi nhuận của PET. PET hiện đang giao dịch tại P/E 2015 7 lần và P/B 1,1 lần. Trong quý 3, PET có thể thoát vốn khỏi dự án bất động sản tại Thanh Đa, dự báo có thể đem lại lợi nhuận và dòng tiền khả quan cho PET. Giá mục tiêu 1 năm là 27,279đ/cp.
Các hiệp định thương mại và TPP – Không phải dành cho tất cả
Dường như thị trường đang tiếp tục chờ đợi những tin tức tích cực từ cuộc họp sắp tới của tiến trình đàm phán TPP từ 28/7 tại Haiwaii. Dù Thạch vẫn tin rằng trong dài hạn, hiệp định TPP và các hiệp định tự do thương mại khác với EU, Japan, Korea và khu vực ASEAN sẽ giúp cho nền kinh tế tạo ra nhiều việc làm, kích thích xuất khẩu, tăng trưởng GDP cao hơn, giúp các công ty xuất khẩu, dệt may, sản xuất gỗ, và chế biến hải sản tăng doanh số nhờ xuất khẩu sang các thị trường mới với thuế xuất ưu đãi ( đây cũng là một trong những mục tiêu chính trong đàm phán hiệp định thương mại) nhưng thực tế, không phải tất cả những công ty này đều đám ứng đủ các điều kiện để hưởng thuế xuất ưu đãi này.
Ngược lại, những công ty hàng tiêu dùng, dựa vào thị trường trong nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nè. Trường hợp của Vinamilk (VNM) là một ví dụ, VNM sẽ khó duy trì lợi thế cạnh tranh ở phân khúc sữa nước khi thị trường đã mở cửa cho khối EU, nơi mà New Zealand đang có lợi thế về sữa nước trên toàn thế giới, đặc biệt hiệp định TPP sẽ không quy định về điều khoản mặt hàng sữa này. DHG hay các công ty dược khác cũng sẽ gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với các đối thủ trong ngành dược và thực phẩm chức năng lớn của thế giới. Những ngành đặc biệt khác đang được bảo hộ bởi rào cản thương mại là Thuế như ngành Thép hay đường cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi hàng hóa đa dạng từ các thị trường này, ví dụ như Thép từ Nga và Đường từ khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, Hiệp định thương mại không chỉ ảnh hưởng đến thương mại và các công ty hoạt động trong lĩnh vực nêu trên, mà còn ảnh hưởng đến thị trường vốn, thị trường lao động và hệ thống luật, đặc biệt luật nhân quyền. Theo VCCI, các hiệp định này sẽ được các nước tham gia đồng ý bảo hộ những ngành chính như ngân hàng, bảo hiểm, và viễn thông.
Thời điểm thông qua TPP có lẽ sẽ rất gần trong năm nay, và định lượng chi tiết về tăng trưởng doanh thu hay lợi nhuận biên cải thiện như thế nào khi gia nhập TPP sẽ là điều không thể ước tính tại thời điểm này, một sự tăng giá nếu có khi TPP thông qua gần như là một sự đầu cơ và hãy tận dụng nó để tạo thu nhập từ cổ phiếu thuộc chủ đề này.
Chuỗi bài “Góc nhìn môi giới” được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.
Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cần thêm thông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ thachnn@ssi.com.vn.