Dòng vốn đầu tư vào cổ phiếu Mỹ tăng mạnh 14,1 tỷ USD trong tuần qua, tăng từ -7,5 tỷ USD tuần trước đó. Ngược lại, tại khu vực Châu Á, các thị trường mới nổi bị rút vốn, Trung Quốc và Hàn Quốc là các nước có dòng vốn rút ra mạnh nhất.
Khu vực Asean-5 (Việt Nam, Thailand, Philipines, Malaysia, Indonesia) có dòng vốn vào nhẹ cổ phiếu ngoại trừ Van Eck ETF Vietnam Market Vector đã rút gần 18tr USD trong tuần trước và tiếp tục bị rút mạnh 15.3 tr USD đầu tuần này. Những nhà đầu tư toàn cầu có xu hướng rút vốn khỏi cổ phiếu và cả trái phiếu tại các thị trường mới nổi do e ngại đồng USD tăng giá và FED sẽ tăng lãi suất.
Hai loại quỹ giúp liên thông dòng vốn của thị trường Việt Nam với Thế giới là quỹ ETFs và OEFs (Open-Ended Funds) phản ứng rất nhạy với thế giới trong khi các CEF (Closed End Funds) có các hành động chậm hơn do tính đặc thù của Quỹ và tham gia sâu vào hoạt động của doanh nghiệp hơn.
Vậy (trong lịch sử) khi FED tăng lãi suất thị trường diễn biến như thế nào?
Chủ tịch FED, Janet Yellen đã “không nói gì” vào ngày thứ 4 vừa qua, tức là vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản. “ Tăng lãi suất” đơn giản là một dấu hiệu cho thấy đồng tiền (USD) trở nên có giá hơn, thu hút thêm được dòng vốn vào Thị trường Mỹ. Dữ liệu dưới đây cho thấy 7 lần tăng lãi suất của Mỹ kể từ năm 1971 đến 2009, thị trường tăng trung bình 13.47% với 6/7 lần thị trường tăng khi FED có quyết định tăng lãi suất.
Sự thật hiện nhiên là FED sẽ chỉ tăng lãi suất khi tin rằng nền kinh tế sẽ hấp thụ được việc này tức là nền kinh tế đã thực sự mạnh lên, Chi tiết hơn, hành động của FED bám sát với lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ.
Khi lãi suất 10 năm của Mỹ tăng, các nhà đầu cơ có xu hướng bán trái phiếu, giá trái phiếu giảm và dòng vốn đầu tư sẽ tìm đến tài sản khác có tính chất thanh khoản cao tương tự trái phiếu, đó là cổ phiếu.
Vì vậy, khi Fed tăng lãi suất trong tương lai gần, sự biến động lớn là điều không thể tránh khỏi và đây là điều bất lợi cho các nhà đầu tư đang có vị thế nắm giữ cổ phiếu nhưng là thời điểm tận dụng sự biến động lớn để tham gia thị trường của các nhà đầu tư giữ vị thế tiền mặt.
Thị trường Việt Nam – Câu hỏi mở
Đây là giai đoạn khó khăn của thị trường trước áp lực rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua ETFs và OEFs ( Vietnam Equity – Dragon Capital, Lumen Vietnam Fund, Vietnam Emerging Equity- PXP, Vietnam Equity Holding- Saigon AM) trong khi các tin tức trong nước có vẻ tiêu cực về nguồn vay đầu vào của các công ty chứng khoán (dự thảo 210) sẽ làm cho thị trường thiếu động lực đi lên.
Đồng USD tăng giá mạnh sẽ làm cho áp lực rút vốn về nước của các quỹ này càng tăng lên do khả năng ngân hàng nhà nước sẽ có thể nới rộng thêm biên độ tỷ giá. Các loại tài sản bằng VND sẽ giảm giá trong khi các tài sản được định giá hay giao dịch bằng USD sẽ tăng giá.
Góc độ xa hơn, các công ty có hợp đồng giao dịch hoặc xuất khẩu thu bằng USD sẽ là lợi thế khi quy đổi sang VND. Công ty thủy sản hoặc công ty có dự án bất động sản góp vốn đầu tư bằng USD sẽ là một khoản đầu tư tốt trong giai đoạn đồng USD tăng giá.
Chuỗi bài “Góc nhìn môi giới” được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.
Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cần thêm thông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ thachnn@ssi.com.vn.