Thị trường biến động dữ dội trong quý đầu tiên của năm 2015, tăng giá trong hai tháng liên tục và đã mất hết số điểm có được chỉ trong tháng 3. Thời điểm này, bản tin các công ty chứng khoán, diễn đàn về chứng khoán, thông tin trên báo chí đều trầm lắng và mất phương hướng, các tín hiệu theo phân tích đồ thị cho dấu hiệu bán phần lớn cổ phiếu (của cả các công ty tốt trong các ngành mạnh!). Trong tiêu đề một bản tin gởi đến khách hàng sau phiên giao dịch của một công ty chứng khoán lớn như sau: “ Khối nội bán quyết liệt”! Và Thạch tin rằng đây là một trong những dấu hiệu cho thấy, thị trường đang ở vùng đáy, vì sao?
- Nhà đầu tư nước ngoài giảm đà bán vào ngày thứ 3, và mua ròng trở lại 167 tỷ trong phiên “Bán quyết liệt của nhà đầu tư trong nước”.
- Market Vector Vietnam ETF đã được tăng thêm 50.000 chứng chỉ quỹ lần đầu tiên sau khi đã bị rút mạnh kể từ ngày 10/3 đến 30/3.
- Và cuối cùng, kết thúc một xu hướng giảm mạnh của thị trường thường là hành động bán bất chấp của nhà đầu tư trong nước do sự hoảng loạn và áp lực giải chấp.
- Thông tin thêm: giao dịch trung bình của khối ngoại chiếm khoảng 14% trên tổng giá trị giao dịch mỗi ngày, nhưng khối ngoại có sự kết dinh và hành động quyết liệt với quy mô lớn và rất dễ gây ảnh hưởng đến 86% nhà đầu tư trong nước bao gồm cá nhân, tổ chức trong nước.
Thị trường có sụp đổ?
Để trả lời câu hỏi này, hãy xem xét về mặt tốt - không tốt của nền kinh tế và xu hướng tiêu dùng trong năm nay:
- Mặt tốt: (i) Lạm phát giảm năm thứ 4 liên tiếp kể từ 2011, (ii) GDP tăng trưởng năm thứ 4 liên tiếp (bao gồm dự báo 2015), (iii) Giá trị xuất khẩu tăng năm thứ 5 liên tiếp kể từ 2010, (iv) Bất động sản hồi phục với mức tăng trưởng số lượng giao dịch thành công “thần kỳ” 77% và 148% trong 2013 và 2014), (v) Doanh số xe hơi tăng mạnh liên tục 3 năm liên tiếp kể từ 2012 đến nay do bùng nổ tầng lớp thu nhập cao của Việt Nam, (vi) Doanh thu quảng cáo, đặc biệt là qua Truyền hình (chiếm 80% doanh thu quảng cáo) tăng trưởng mạnh kể từ 2012 đến nay cho thấy chi tiêu tiêu dùng xu hướng tăng lên ( nguồn Infocus)
- Mặt chưa tốt: (i) Vốn FDI bao gồm đăng ký và giải ngân thực có xu hướng giảm so với năm 2013, (ii) Số lượng doanh nghiệp phá sản tăng năm thứ 4 liên tiếp lên 67.823 cty trong năm 2014, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ, (iii) Sự tự tin trong tiêu dùng (khu vực thành thị) có xu hướng giảm từ 89đ còn 51đ trong giai đoạn 2008 – 2014, (iv) hàng tiêu dùng nhanh khu vực thành thị có xu hướng giảm tốc độ tăng còn 5.3% trong năm 2014 so với 10.3% của 2013.
- Xu hướng chính trong năm nay: (i) lựa chọn hàng hóa rẻ hơn hoặc đóng gói lớn để giảm giá, giảm chi tiêu giải trí, (ii) Tiêu dùng hàng công nghệ lên ngôi (kết nối trên mạng, điện thoại thông minh, mạng xã hội), (iii) Kết nối internet khắp mọi nơi, (iv) Chì số niềm tin tiêu dùng dự báo tăng lên 82 điểm so với 51 điểm trong năm 2014.
Quan sát thị trường 2 lần giảm mạnh gần đây là sự kiển Biển đông (T5.2014) và Giá dầu sụp đổ ( tháng 11-12.2014) đều cho thấy khu vực hồi phục của VN Index nằm trong khu vực -10% kể từ điểm bắt đầu với khối lượng giao dịch tăng hơn trung bình những ngày trước đó từ 10-20%.
Góc độ chi tiết hơn đến từng cổ phiếu, những cổ phiếu có sự phục hồi mạnh sau 2 sự kiện trên đều có chung đặc điểm là có sự hỗ trợ mạnh của những yếu tố thuận lợi của ngành hoặc từng công ty như trường hợp của:
- HT1 : Tỷ giá và sản lượng tiêu thụ xi măng tăng. Giá cổ phiếu HT1 tăng 30% ngay sau sự kiện Biển Đông
- TSC: câu chuyên mua sát nhập của FIT. Giá cổ phiếu TSC tăng 52% ngay sau sự kiện Biển Đông.
- VNS: nhu cầu di chuyển tăng khi nền kinh tế bận rộn hơn, Giá cổ phiếu VNS tăng 26% ngay sau sự kiện Biển Đông. ( Số liệu từ 11/5-11/6)
Dưới đây là danh sách những cổ phiếu dẫn đầu trong đợt sụt giảm mạnh từ ngày 1/3 đến nay cũng như những cổ phiếu có mức tăng giá mạnh trong cùng thời điểm để chúng ta có thêm suy nghĩ về những yếu tố tác động mạnh đến giá cổ phiếu.
Ấn vào hình để xem chi tiết
Market ideas – Thị trường Nga có dấu hiệu hồi phục và Ngành Công nghệ thông tin
1) Kinh tế Nga đã có dấu hiệu phục hồi: Theo CNN, đồng Rup đã dần ổn định và tăng 4% giá trị kể từ đầu năm, nhanh nhất trong số 31 đồng tiền quốc tế chính thức được theo dõi. Điều này, theo Bloomberg, do giá dầu thô đang đà tăng và căng thẳng tại Ukraine bắt đầu dịu xuống là 2 nguyên nhân chính giúp đồng tiền và kinh tế Nga ổn định trở lại. Chỉ số MICEX Index của Nga đã tăng 14% trong quý 1 năm nay, mạnh nhất kể từ 3.2012.
HVG là công ty dẫn đầu ngành cá xuất khẩu vào thị trường Nga và Châu Âu có thể là lựa chọn tốt theo chủ đề này.
2) Chỉ số ngành Công nghệ của Mỹ là Nasdaq đã có quý thứ 9 tăng liên tiếp đạt mức tăng 3.5% trong quý 1 năm nay. Những nhà đầu tư đặt cược vào chỉ số này đã đạt lợi tức 26% (theo năm) kể từ năm 2012 đến nay bất chấp những biến động của nền kinh tế.và thị trường tài chính. Bên cạnh đó, chỉ số Nasdaq Biotechnology ( ngành công nghệ sinh học) trong chỉ số Nasdaq cũng đã tăng 151% kể từ đầu năm 2013 đến nay.
Tại Việt Nam, FPT là công ty công nghệ đang trong chu kỳ hồi phục do nhu cầu mảng công nghệ và thiết bị số, chi tiêu cho mảng công nghệ thông tin của ngân hàng tăng cũng là một yếu tố thuận lợi thêm cho FPT.
CMG cũng là một lựa chọn khác phù hợp với những nhà đầu tư ưa thích sự hồi phục và tính chu kỳ của ngành công nghệ tại Việt Nam.
Chuỗi bài “Góc nhìn môi giới” được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.
Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cần thêm thông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ thachnn@ssi.com.vn.