Quyết định Mua có vẻ luôn đơn giản và dễ chịu hơn quyết định Bán cổ phiếu. Nhiều người tự động bán những cổ phiếu tăng giá do lo ngại giá sẽ giảm trở lại và giữ lại những cổ phiếu thất bại với hy vọng giá sẽ tăng. Chiến lược này tỏ ra thất bại vì đều lệ thuộc vào giá cổ phiếu như một tín hiệu cơ bản của công ty.
Sự kiện cổ phiếu Y Tế Việt Nhật (JVC), đang được các quỹ nắm giữ lần lượt là Dragon Capital 9,9%, Dream Incubator 5,9%, Orix Corporation 2,8%, DI Asian Industrial Fund 19,3%, Vietnam Equity Holding 5,1%, giảm giá hơn 40% chỉ trong vòng 9 phiên giao dịch liên tục đã đặt lên câu hỏi " Khi nào nên bán cổ phiếu?". Rất nhiều nhà đầu tư tổ chức khác trước khi giai đoạn tăng giá trước đây vẫn tự hỏi vì sao cổ phiếu JVC định giá rẻ nhưng vẫn không tăng giá (Cheap for reason), JVC đã có thời kỳ chỉ giao dịch tại P/E từ 5-6 lần trong giai đoạn trước tháng 1/2015, và có lẽ yếu tố về quản trị đã ngăn các Quỹ này mua vào hoặc đã bán ra ngay khi nhận ra điều này, ví dụ: Vietnam Holding Fund đã thoát hoàn toàn khoản đầu tư của mình tại JVC từ tháng 9/2014.
Vậy khi nào nên thực sự nên bán cổ phiếu?
Những lời khuyên quý báu như " Bán trước khi tỷ lệ lãi suất tăng" hay " Bán trước khi cuộc suy thoái tiếp theo" chỉ giúp ích khi nào chúng ta biết chính xác thời điểm sự việc xảy ra. Hoặc rõ ràng một sự kiện nào đó ảnh hưởng đến doanh nghiệp như giá dầu giảm sẽ tác động đến các công ty dịch vụ dầu trong khi hoàn toàn không ảnh hưởng đến các công ty sản xuất Dược phẩm thiết yếu. Việc bán và chuyển hoàn toàn ra tiền mặt cũng đồng nghĩa với việc ra khỏi thị trường. Ý tưởng tuyệt vời là ở trong thị trường mãi mãi và xoay vòng các cổ phiếu thành công căn cứ vào tình huống cơ bản.
Nhà đầu tư huyền thoại Peter Lynch đã đưa những lời khuyên về thời điểm bán đối với nhiều loại hình công ty khác nhau: (i) Công ty tăng trưởng chậm, (ii) Công ty vững mạnh, (iii) Công ty biến động theo chu kỳ, (iv) Công ty tăng trưởng nhanh, (v) Công ty đột biến, (vi) Công ty có nhiều tài sản ngầm rất hữu ích. Đơn giản hơn, Thạch tin rằng thời điểm bán cổ phiếu sẽ rõ ràng hơn khi chúng ta biết được lí do mua cổ phiếu đó ngay từ đầu.
Khi nào bán cổ phiếu của một công ty tăng trưởng chậm?
Thật sự là không nên sở hữu cổ phiếu loại này, nếu có đây là những dấu hiệu bán cơ bản:
- Công ty đã mất thị phần trong hai năm liên tiếp và đang phải thuê nhà môi giới quảng cáo.
- Không có sản phẩm mới nào được phát triển, chi phí R&D bị cắt giảm còn công ty thì tỏ ra thõa mãn với những thành tích quá khứ.
- Công ty tham gia vào những thương vụ mua lại các công ty khác làm bảng cân đối tài sản công ty suy giảm từ chổ không nợ, tiền mặt dồi dào thành không có tiền mặt và hàng triệu đô la nợ. Tệ hơn, các Quỹ thặng dư không còn để mua lại cổ phiếu kể cả khi giá giảm mạnh.
- Ngay khi giá cổ phiếu thấp hơn thì lợi suất cổ tức ( tính bằng cổ tức bằng tiền chia cho thị giá) cũng không đủ hấp dẫn hoặc duy trì liên tục nhiều năm sau để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
Khi nào bán cổ phiếu của một công ty vững mạnh?
Rất khó có lý do đủ mạnh để giá cổ phiếu của một công ty vững mạnh tăng trưởng gấp nhiều lần, đơn giản là vì nó quá lớn để tăng trưởng nhanh hoặc mở rộng thị phần. Nếu giá cổ phiếu tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng thu nhập của công ty thì đến lúc nên nghĩ đến việc bán cổ phiếu đó và chờ mua lại ở mức giá thấp hơn. Một số dấu hiệu bán khác là:
- Các sản phẩm mới của công ty trong hai năm vừa qua tại ra những kết quả chưa rõ ràng và một số khác trong giai đoạn thử nghiệm, cần thêm thời gian để tung ra thị trường.
- Cổ phiếu đang có chỉ số P/E cao hơn 30% trung bình ngành và của cả thị trường.
- Chỉ số PEG lớn hơn 1 (PEG so sánh giữa chỉ số P/E với tỷ số tăng trưởng EPS kỳ vọng của cổ phiếu đó)
- Không có hành động mua vào nào của cấp quản lý trong năm vừa qua.
- Một bộ phận kinh doanh đóng góp từ 25% thu nhập của công ty bị tác động xấu của cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ( như ngành xây dựng nhà, khoan dầu…)
- Tỷ lệ tăng trưởng (EPS) của công ty đang giảm, và công ty cố gắng duy trì lợi nhuận bằng cách cắt giảm chi phí. Nhưng giảm chi phí chỉ cũng có giới hạn mà thôi phải không?
Khi nào bán cổ phiếu của một công ty biến động theo chu kỳ?
Thời điểm tốt nhất để bán cổ phiếu của những công ty này là vào giai đoạn cuối của chu kỳ, ví dụ nhưng những công ty bán bánh kẹo có lợi nhuận cao vào mùa lễ Tết hoặc Trung thu. Vào thời điêm cuối chu kỳ, chi phí công ty bắt đầu tăng do công suất hoạt động tối đa, công ty bắt đầu rót tiền vào nhằm làm tăng công suất. Những dấu hiệu khác dễ thấy là:
- Hàng tồn kho của công ty tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm dần.
- Giá hàng hóa giảm hoặc các hợp đồng tương lai của hàng hóa đang giao dịch ở mức thấp hơn giá giao ngay, như trường hợp của giá Thép, dầu, cao su…
- Công ty đang đầu tư vào nhà máy lớn mới hoàn toàn thay vì hiện đại hóa nhà máy cũ với chi phí thấp hơn.
- Công ty đã cố gắng cắt giảm chi phí nhưng vẫn không thể cạnh tranh với nhà sản xuất nước ngoài.
Khi nào nên bán cổ phiếu của một công ty tăng trưởng nhanh?
Ai cũng thích sở hữu loại cổ phiếu này vì thu nhập tăng trưởng nhanh đồng nghĩa với giá cổ phiếu tăng tương ứng. ngược lại, nếu công ty sa sút thu nhập trong khi chỉ số P/E đã tăng giá gấp 3 lần ( các công ty tăng trưởng nhanh thường có chỉ số P/E rất cao do tốc độ tăng giá nhanh hơn thu nhập vốn được tính theo quý) là lý do nên bán lớn nhất. Trường hợp này tương tư như thị trường Vietnam đạt P/E 38,18 lần vào cuối năm 2006, trong khi bình quân khu vực chỉ đạt 10-17 lần cùng thời điểm. Đây là một dấu hiệu phi logic. Những dấu hiệu khác có thể nhận thấy là:
- Doanh số của cùng một cửa hàng giảm trong hai quý liên tiếp
- Cửa hàng mới mở nhưng đã có doanh số đáng thất vọng
- Nhà điều hành cấp cao rời bỏ công ty và gia nhập một công ty cạnh tranh
- Cổ phiếu được giao dịch ở mức giá gấp 25-30 lần thu nhập trong khi những dự báo lạc quan nhất về tăng trưởng thu nhập là 15-20% trong vòng hai năm tới.
Khi nào nên bán cổ phiếu của một công ty đột biến?
Thời điểm tốt nhất để bán một công ty đột biến là ngay khi công ty đó vừa biến đổi. Mọi khó khăn đã qua đi và mọi người đều biết đến công ty và khi một công ty đột biến thành công thì nhà đầu tư nên tiến hành bán cổ phiếu đó do giá cổ phiếu đã phản ánh phần lớn những sự biến đổi này. Các dấu hiệu khác có thể nhận thấy:
- Nợ công ty đã giảm 5 quý liên tục nhưng lại vừa tăng một khoản trọng yếu trong báo cáo gần nhất.
- Hàng tồn kho tăng gấp hai lần so với tốc độ tăng doanh số.
- Chỉ số P/E tăng quá mức tương ứng với triển vọng thu nhập.
- Chi nhánh hoạt động mạnh nhất của công ty lệ thuộc 50% vào một khách hàng và khách hàng này đang chịu gánh nặng giảm doanh số.
Khi nào nên bán cổ phiếu của một công ty có nhiều tài sản ngầm?
Các nhà đầu tư tổ chức thường có đủ công cụ, nguồn lực để thẩm định các tài sản ngầm của các công ty hơn các nhà đầu tư cá nhân, do vậy chiến lược đi theo những nhà đầu tư tổ chức đang mua vào những cổ phiếu lạ vì quá trình thẩm định thường được giữ bí mật và khó tiếp cận. Những cổ phiếu có tài sản ngầm cũng là một mục tiêu trong các thương vụ mua bán sát nhập hoặc mua các công ty có hoạt động kinh doanh không nổi trội nhưng lại gắn với giá trị đất đai hoặc bản quyền thương mại lớn là một trong những ví dụ điển hình. Những dấu hiệu bán khác là:
- Một tài sản hoặc chi nhánh kỳ vọng bán được X đô la nhưng thực tế chỉ được (X-n) đô la tức thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng
- Nợ của công ty tăng lên nhanh chóng khiến giá trị tài sản giảm sút.
- Công ty tiếp tục phát hành thêm vốn trong khi lợi nhuận không thay đổi và giá trị tài sản chưa khai thác được.
- Giá cổ phiếu liên tục đi ngang trong thời gian 2-3 năm do chưa có đánh giá hoặc định giá đúng tài sản ngầm mà bạn đã tiếp cận ban đầu.
Những lí do trên là chưa đủ để quyết định bán cổ phiếu nhưng cũng phần nào cho ta nhận thấy sự thay đổi về mặt cơ bản hoạt động của công ty. Điều cần làm tiếp theo là làm việc với các dữ liệu thô để sàn lọc, nói chuyện với ban lãnh đạo, đọc báo cáo tài chính, phỏng vấn đổi thủ, nhà cung cấp hoặc đồ thị giá... để tìm ra thêm nhiều lí do chuẩn xác hơn trong quyết định đầu tư.
Chuỗi bài “Góc nhìn môi giới” được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.
Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cần thêm thông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ thachnn@ssi.com.vn.