Thị trường chứng khoán thường luôn diễn ra ngược lại với những điều suy nghĩ thông thường do chỉ có một nhóm người có suy nghĩ ngược với đám đông mới chiến thắng được thị trường. Họ hiểu những thời điểm trước khi tin xấu ra, con người thường lo lắng, nhưng khi tin xấu thành hiện thực, đó lại là một sự khẳng định nỗi lo lắng đã chấm dứt và bắt đầu một sự thích nghi mới. Điều này ngược hoàn toàn với khi tin tốt ra, “ News out, stock down” vì thị trường sẽ luôn hỏi điều gì sẽ diễn ra sắp tới và hành xử theo những dự báo đó.
Chỉ số chính của Việt Nam là VN-Index đã giảm -6,02% trong khi HNX-Index giảm -2,27% trong 30 ngày qua do sự sụt giảm của giá dầu và lo sợ việc FED tăng lãi suất. Thực tế, dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp rút ra khỏi thị trường vốn tại các thị trường mới nổi để dịch chuyển vào trái phiếu và tiền mặt (USD) nơi đang (sẽ) có lợi tức cao hơn. Theo dữ liệu từ Lipper Fund Flow (Thomson Reuters) Ex ETF – Emerging Markets Equity Funds rút ra -$0,431 tỷ, trong đó tại Việt Nam họ rút ra hơn -$43,5tr trong 30 ngày qua. Theo dự báo, động thái của Chính phủ Trung Quốc ứng xử với thị trường tiền tệ của họ mới thực sự là nỗi lo trong năm 2016 với nhiều dự báo đồng Yuan sẽ phá giá trung bình 6-8% trong năm tới hoặc bi quan hơn đến -17% theo dự báo của Daiwa Capital Market.
Tại thời điểm viết báo cáo này (00:21AM 17/12), có đến 83% người được khảo sát theo Marketwatch.com tin rằng FED sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên sau 9 năm kể từ tháng 12/2008 khi duy trì lãi suất từ 0%-0,25%, thấp hơn cả lãi suất trong cuộc Đại suy thoái 1929. Nếu điều này xảy ra, sẽ mở ra một cơ hội mới khi thị trường đã hạ giá trước dự báo sự mạnh lên của đồng USD trước đó. Đồng USD mạnh lên, sẽ làm áp lực lên VND và dẫn đến áp lực lên tỷ giá nhưng giá trị cơ bản của nền kinh tế lại cho thấy một hướng hoàn toàn đối lập:
- GDP dự kiến tăng trưởng 6,6% và 6,8% trong 2015 và 2016 dẫn dắt bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp.
- Bất động sản chuyển động: 16.200 giao dịch thành công tại Hanoi và 15.500 tại HCM ( gấp đôi cùng kỳ) trong 10 tháng đầu năm 2015 nhờ môi trường lãi suất thấp.
- Lạm phát duy trì mức thấp: Core CPI +2,08% nhờ giá hàng hoá thế giới vẫn đang ở đáy.
Do vậy khi thị trường điều chỉnh vẫn có cơ hội đầu tư những ngành đang tăng trưởng dựa trên dân số đông và giao thương tăng trưởng:
- Tiêu dùng: MWG ( Mua- giá mục tiêu 87.000); VNM ( Mua – giá mục tiêu 134.000)
- Công nghệ thông tin: FPT ( Mua- Giá mục tiêu 58.000)
- Cảng biển và logistic: dựa trên hoạt động giao thương tăng trưởng với tốc độ CARG 19% mỗi năm: GMD ( Mua- Giá mục tiêu 42.000), VSC ( Mua- Giá mục tiêu – 90.000).
- Ngành tiện ích: với lợi thế thu nhập cổ tức bằng tiền hấp dẫn và khu vực sản xuất tăng trưởng nhờ dòng vốn FDI và xu hướng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam: NT2 ( Mua – Giá mục tiêu 34.000).
Chuỗi bài “Góc nhìn môi giới” được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.
Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cần thêm thông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ thachnn@ssi.com.vn.