Ngay sau khi Trung Quốc trong hai ngày liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ (CNY) -3,5%, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (SBV) đã nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá +/-2% tương đương giá trần 22.106 – sàn 21.240 với lý do đảm bảo an toàn hệ thống trong giao dịch liên ngân hàng. Đồ thị bên dưới thể hiện biến động của USD.VND trong 16 năm qua đặc biệt tỷ giá này bắt đầu biến động mạnh khi Việt Nam gia nhập WTO 2006 và liên thông nhiều hơn với thị trường thế giới.
Trung Quốc dường như đang thực hiện chính sách cai trị mới với độ biến động về tỷ giá rất lớn, ít nhất trong ngắn hạn, đồng CNY sẽ có thể tiếp tục suy yếu. CNY đã giảm -3,5% trong 2 ngày và tỷ giá giao ngay hôm nay ngụ ý đồng tiền này có thể giảm thêm -1.0% vào ngày mai (13/08).
Thị trường đang đối mặt với tình trạng rủi ro tâm lý hệ thống ( risk-off sentiment), có nghĩa là những rủi ro ảnh hưởng đến thị trường (hay nền kinh tế) Việt Nam đến từ các thị trường lớn của thế giới. Trung Quốc không một mình có thể đủ ảnh hưởng đến quyết định tăng lãi suất của FED nhưng thực tế sự giảm giá của CNY ( hay sự mạnh lên của USD) sẽ tác động lớn đến việc không tăng lãi suất USD trong tháng 9 này.
Chính phủ Trung Quốc gần đây đã cung cấp một lượng tiền khổng lồ để giúp thị trường chứng khoán đồng thời chỉ số tăng trưởng công nghiệp chỉ tăng 6.0%, phá giá đồng CNY có thể là biện pháp hữu hiệu nhất để giúp Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng trở lại, làm mới lại hệ thống tiền tệ và tài chính. Như vậy, mức giảm 5-10% của CNY trong năm nay là rất có khả năng xảy ra ( Theo Richard Jerram, Phd, CFA – Chief Economist – BOS)
Hành động này lập tức tác động đến:
- Thị trường cổ phiếu toàn cầu giảm điểm mạnh: Việt Nam -1,44%, Singapore -2,9%, S&P -1%, trong đó Chinext -2,84% cũng gặp tình trạng bán tháo do lo ngại về vĩ mô mất ổn định của Trung Quốc.
- Biến động tỷ giá: đồng USD (Màu vàng) biến động mạnh so với CNY (Màu xanh) trong ngày giao dịch hôm nay.
Biến động của đồng CNY có thể ảnh hưởng đến Việt Nam:
- Mặt tích cực: CNY giảm giá sẽ tốt cho Việt Nam do lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 30% ( con số chính thức 2014 – thực tế cao hơn rất nhiều) tổng sản lượng nhập khẩu. Tổng nhập hàng từ Trung Quốc 7 tháng đầu năm 2015 là 19,5 tỷ USD.
- Thị trường chứng khoán Việt Nam đối mặt với rủi ro về tâm lý, trong khi nhà đầu tư nước ngoài đối mặt với khả năng giảm thêm 1% lợi nhuận nếu quy đổi từ VND thành USD làm cho những quyết định hành động có thể dừng lại.
- Đồng USD mạnh lên và CNY giảm sâu sẽ làm cho giá hàng hóa tiếp tục giảm. Do vậy, hãy tránh xa các cổ phiếu thuộc ngành khai thác khoán sản, sản xuất cao su, đường hay phân phối khí Gas. Ngành Thép cũng có thể bị ảnh hưởng do sự rẻ đi của Thép Trung Quốc dù nhu cầu tiêu thụ trong nước đang tăng lên.
Những cổ phiếu thuộc ngành sản phâm nông nghiệp xuất khẩu qua Trung Quốc cũng sẽ suy giảm do nhu cầu chậm đi của Trung Quốc.
Ngược lại, những công ty nhập khẩu nguyên liêu và bán sản phẩm tiêu dùng trong nước như VNM, BMP, CAV, PAC sẽ hưởng lợi do chi phí đầu vào giảm mạnh. Các công ty như DRC, CSM, DPM cũng sẽ được hưởng lợi nhờ xu hướng giá hàng hóa giảm này.
Dự báo:
“Thị trường luôn khôn ngoan và nhà đầu tư luôn ở trạng thái bất an”. Thời điểm này thị trường đang thiếu những thông tin hỗ trợ, có thể kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ tâm lý 600. Với sự giảm giá cùa đồng tiền trong khu vực, có thể làm xuất khẩu Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh do đồng VND vẫn cao so với các đồng tiền khác nhưng câu chuyện về tăng trưởng của nền kinh tế vân là điểm sáng nhất của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư.
Bảng dưới đây là những công ty đang được theo dõi bởi SSI Research:
Chuỗi bài “Góc nhìn môi giới” được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.
Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cần thêm thông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ thachnn@ssi.com.vn.