Năm 2014 được nhớ đến với rất nhiều biến động lớn, đặc biệt là căng thẳng Biển Đông giữa Việt Nam - Trung Quốc vào tháng 5, giá dầu lao dốc 42% kể từ đỉnh và Thông tư 36 thắt chắt tình trạng sở hữu chéo và giảm tỷ lệ cho vay chứng khoán đã làm cho Thị trường Việt Nam chỉ tăng thêm 8.12% lên 545.63 điểm trong năm nay, giảm so với tỷ lệ tăng 21.97% tăng trong năm 2013.
Năm 2015 hướng đến với nhiều triển vọng hơn do nền kinh tế - thị trường chứng khoán đang dần cải thiện. Dưới đây là những nền tảng đã được chính phủ xây dựng trong năm 2014 để tạo đà phát triển trong 2015 từ đó giúp kênh đầu tư chứng khoán trở thành kênh đầu tư có thể đem lại lợi tức cao nhất trong năm nay.
The big picture – Dữ liệu lớn:
Kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng
- Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 5.98% trong năm 2014 vượt mục tiêu 5.8% nhờ hiệu quả của nỗ lực cải cách nền kinh tế.
- Lạm phát thấp nhất 10 năm, tăng 4.09% so với 2013 do giá hàng hóa thế giới giảm mạnh, đặc biệt là dầu thô. Giá xăng trong nước giảm tổng cộng 6.330đ/lit trong khi xăng Diesel giảm 5.970 đồng trong cả năm 2014 đã giúp giảm chi phí đầu vào và nâng cao sức cạnh tranh cho phần lớn các doanh nghiệp.
- Lãi suất rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ qua: lãi suất tiền gởi kỳ hạn ngắn dưới 5.5% và lãi suất cho vay đang giảm 1.5%-2% so với cuối năm 2013, tương tự như thời kỳ 2005-2006.
- Kết thúc đàm phán ba Hiệp định tự do thương mại (FTAs) với các thị trường quan trọng: Hàn Quốc, Liên Minh Hải quan Nga- Belarus- Kazakhstan trong tháng 12 và đạt được thỏa thuận với khối EU trong tháng 10. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tiếp tục các vòng đàm phán cuối trong năm 2015 đồng thời đây cũng là thời điểm Công đồng kinh tế Asean (AEC) có hiệu lực.
- Tái khởi động cổ phần hóa Doanh nghiệp nhà nước: 126 trên tổng số 423 doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hóa theo mục tiêu của Chính phủ trong giai đoạn 2014-2015. Thị trường tiếp tục chờ đợi các thương vụ IPO lớn trong năm nay như Mobifone, Vinafone, Viettel, Saigontourist…
- Thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực bán lẻ: Kinh Đô – Mondelez International (370 triệu USD), Nguyễn Kim – Central Group Thái Lan (định giá công ty 200tr USD), Metro Vietnam – Berli Jucker (879 triệu USD), Vingroup mua lại 70% công ty Ocean Retail (thuộc Ocean Group).
- Bất động sản đang phục hồi: dữ liệu từ Savills cho thấy mức tiêu thụ phân khúc căn hộ trong quý 3.2014 đã tăng lên 84% so với cùng kỳ năm trước riêng tại Thủ đô Hà Nội, số căng hộ mở bán trong 9 tháng đầu năm khoảng 7.000 căn, lớn hơn tổng số căn hộ chào bán của cả năm 2013. Luật nhà ở sửa đổi được Quốc Hội thông qua cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam từ tháng 7.2015 có thể tạo ra nhu cầu tích cực hơn cho thị trường này.
- Hiện tượng Uber và tư duy quản lý: Uber, hãng vận tải thông qua thiết bị di động đã tạo nên một câu hỏi và có thể làm thay đổi tư duy chưa thông suốt trong các cơ quan quản lý nhà nước ( được làm những gì luật không cấm) và điều này sẽ mở ra nhiều chính sách phục vụ cho mục tiêu của số đông hơn trong tương lai.
Thị trường Vốn
- Tăng trưởng trong 3 năm liên tục: 8.12% (2014), 2174% (2013), 18.1% (2012) chưa bao gồm mức cổ tức trung bình hằng năm từ 3-5%.
- P/E thị trường Việt Nam 13.28 vào cuối năm 2014 theo Bloomberg: lãi suất thấp và giá nhiên liệu đầu vào giảm có thể làm cho thu nhập (Earning) của các công ty tăng lên giúp chỉ số này tiếp tục giảm và thu hút dòng vốn nhà đầu tư trở lại.
- Chính phủ Việt Nam huy động được 1 tỷ đô la Mỹ trái phiếu kỳ hạn 10 năm với chi phí vốn 4,8%/năm, thấp hơn dự kiến 5.125%/năm với lượng mua gấp 10.6 lần lượng chào bán và thu hút đến 437 nhà đầu tư quốc tế.
Nhà đầu tư nước ngoài
- Có xu hướng tiếp tục đổ vốn vào thị trường Việt Nam dựa trên đà tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục trong năm 2015, các hiệp định FTAs, TPP thành công giúp thay đổi nền kinh tế và giá dầu giảm tác động tích cực giúp tăng thêm 0.5-1.5% GDP.
- Khả năng FED tăng lãi suất trong năm 2015 có thể làm chứng khoán toàn cầu suy yếu, ảnh hưởng đến dòng vốn vào các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam đang là một điểm trừ cho năm nay. Tuy nhiên, hành động nâng lãi suất đồng nghĩa với việc kinh tế Mỹ đủ mạnh để tồn tại mà không cần in thêm tiền nữa và theo thống kê của hãng S&P Capital IQ từ năm 1971, sau 9 lần nâng lãi suất, trung bình thị trường Mỹ đã tăng 3.8%.
- Nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng phân bổ vốn đầu tư vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa thuộc ngành bất động sản, xây dựng trong năm 2014 và xu hướng này kỳ vọng sẽ tiếp tục trong năm 2015.
Điểm nóng kinh tế Thế giới năm 2015
“ Bạn có thể không bao giờ dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng tiếp theo, song bạn có thể nhìn thấy một số dấu hiệu và điểm nóng có thể nổi lên trước khủng hoảng” – Michael Clarke.
Các nhà phân tích dăng đặc biệt lưu ý đến một số điểm nóng sau đây:
- Giá dầu tụt dốc sẽ làm cho những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ như Nga và Venezuela chìm trong khó khăn từ đó sẽ gây nên bất ổn chính trị và khả năng vỡ nợ cao. Tại thời điếm viết báo cáo này, giá dầu đang rơi xuống vùng 50 đô la Mỹ/thùng, thấp nhất trong vòng 5.5 năm trở lại đây.
- Tại Châu Á, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữ Trung Quốc với các nước Đông Nam Á và Nhật Bản có thể làm xẩy ra xung đột giữa các nước này.
- Chiến tranh Tiền tệ giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới: nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất trong năm nay và đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá so với các đồng khác trong khi Nhật bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Châu Âu tiếp tục hạ lãi suất và thực hiện chính sách giảm giá đồng nội tệ để kích thích xuất khẩu. Hai bước đi trái ngược nhau giữa Mỹ và các ngân hàng trung ương tại Châu Á có thể kiến thị trường tiền tệ Châu Á biến động mạnh trong năm 2015.
Biến động lớn tạo ra vô số cơ hội nhưng Giá trị cơ bản vẫn sẽ lên ngôi
Thị trường chứng khoán trong năm 2015 kỳ vọng mức tăng trưởng trung bình 8-10% tương đương VN Index đạt 600 điểm vào cuối năm 2015 dựa trên giả định: tăng trưởng thu nhập trung bình của các công ty đầu ngành vào khoảng 5-10% và mức cổ tức bằng tiền từ 3-5% trong năm tài chính.
Nhà đầu tư mạo hiểm có thể tìm kiếm rất nhiều cơ hội từ những biến động lớn cổ phiếu ngành Dầu khí do chính sách (liên quan đến chính trị nhiều hơn) kiểm soát giá dầu của Chính Phủ Mỹ đối với thế giới trong khi những nhà đầu tư thực thụ ( bao gồm nhà đầu tư nước ngoài) đang dịch chuyển vào những ngành phòng thủ như tiêu dùng lâu bền, y tế, tiện ích và một phần nhỏ bất động sản phân khúc trung bình.
Thực tế, Thị trường chứng khoán Mỹ đang là một ví dụ rõ ràng nhất về những ngành phục vụ nhu cầu tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, và tiện ích (điện nước…) sẽ luôn được lựa chọn trong bất kỳ biến động nào của thị trường. Với xu hướng có độ trễ và đặc điểm dân số đông, những công ty hoạt động trong những ngành này tại Việt Nam sẽ là điểm đến của dòng tiền trong năm 2015.
Chuỗi bài “Góc nhìn môi giới” được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.
Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cần thêm thông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ thachnn@ssi.com.vn.