[Góc nhìn môi giới] 5 cổ phiếu nên tích lũy trong tháng 6

(NDH) Những cổ phiếu được lựa chọn trong tháng 6 có xu hướng thuộc những ngành mạnh nhất trong năm nay đó Hạ tầng (CII), Vật liệu xây dựng (HT1), ngành tiện ích (NT2 với sự kiện đặc biệt chuyển sàn niêm yết) và hai cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng ( CTG, ACB).

Thị trường trải qua tháng 5 “Sell in May” đầy gập ghềnh với mức tăng nhẹ 1,3%. Cổ phiếu ngành ngân hàng (+12,9%) và ôtô (14,5%) là những điểm sáng lớn nhất, nhưng không dành cho tất cả. Nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào ngành ngân hàng trước những chỉ số cơ bản của nền kinh tế cải thiện tích cực, đặc biệt là chỉ số PMI tăng kỷ lục lên 54,8 trong khi nhà đầu tư trong nước tỏ ra thận trọng và bất ngờ trước sự thay đổi giá quá nhanh của cổ phiếu ngân hàng do vậy họ dịch chuyển đầu tư sang ngành ôtô với các số liệu về doanh số bán xe tăng rõ ràng và dễ đánh giá hơn.

4 trong 5 cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất tại HSX thuộc ngành ngân hàng và bất động sản, lần lượt là: BID (+22%), VCB ( +22%), SBT (+17%), CTG (+15%), FLC (+14%). Tại sàn HNX, nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất có sự phân bố rộng hơn gồm ngành ngân hàng, công nghiệp và dầu khí: ACB ( +23%), VND (+ 19%), VCG (+15%), NTP (+13%), PVB (+11%).

Bước vào tháng 6 nhiều thông tin tích cực đến từ trong nước: kỳ họp Quốc hội đang diễn ra từ 20/5 trong đó sự kiện quan trọng là nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài ( ngành ngân hàng, chứng khoán), luật sở hữu nhà cho người nước ngoài hiệu lực từ 1/7 trong khi yếu tố bên ngoài cũng đang rất mạnh lên từ: (i) FED có thể giữ nguyên lãi suất giúp dòng vốn đầu tư tiếp tục tìm đến các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, (ii) Hiệp định TPP bước đến kỳ quyết định khi quyền Đàm phán nhanh (TPA) của Tổng Thống Mỹ được thông qua, (iii) hoạt động cơ cấu danh mục của ETFs trong tuần thứ 2 và 3 của tháng 6 sẽ là những động lực làm cổ phiếu chuyển động mạnh và cuối cùng là (iv) những yếu tố khác ảnh hưởng riêng đến từng cổ phiếu như kết quả kinh quanh quý 2 tăng trưởng và cả sự kiện niêm yết.

Những cổ phiếu được lựa chọn trong tháng 6 có xu hướng thuộc những ngành mạnh nhất trong năm nay đó Hạ tầng (CII), Vật liệu xây dựng (HT1), ngành tiện ích (NT2 với sự kiện đặc biệt chuyển sàn niêm yết) và hai cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng ( CTG, ACB). Bên cạnh yếu tố ngành, sự gia tăng sở hữu của Chủ doanh nghiệp ( trường hợp của CII – TGĐ đang gia tăng sở hữu) và sự tham gia của các Quỹ đầu tư tài chính thay cho nhà nước sẽ là những yếu tố mạnh thúc đẩy.

Điện Nhơn Trạch 2 ( NT2) – Chuyển sàn để trở thành Bluechip

Trong hai tháng liên tiếp, cổ phiếu công ty điện Nhơn Trạch 2 lọt vào Top 5 cổ phiếu nên mua nhất trong tháng. NT2 đã có quyết định niêm yết tại Hose vào ngày 2/6 và niêm yết vào ngày 12/6 tại giá tham chiếu 23.700đ. Trước ngày niêm yết, NT2 có sự thay đổi cơ cấu cổ đông từ giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước (VNPT thoái hoàn toàn 4,9 triệu cổ phiếu, PV Power giảm 7,17 triệu cổ phiếu xuống còn 60% vốn điều lệ) thay bằng các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp Dragon Capital và VFM.

Ngành tiện ích luôn nằm trong những lựa chọn đầu tiên của các quỹ, quan sát tỷ lệ phân bố tài sản của Dragon Capital, tỷ trọng phân bổ vào ngành tiện ích đã tăng lên 11,1% (cuối tháng 4) so với 10,5% đầu năm. Điều này cho thấy nhu cầu sở hữu cổ phiếu ngành tiện ích trong những lúc thị trường có nhiều biến động đang tăng lên. Một điểm tương đồng cần lưu ý trong năm 2014, thị trường chứng khoán Mỹ tăng 9,2% ( DJI) thì ngành tiện ích Mỹ đã tăng 14,5% chỉ sau ngành Dịch vụ y tế (16,5%).

NT2 đã chia thưởng 13% bằng tiền mặt vào ngày 20/5 và tiếp tục có khả năng chia thưởng thêm 7% cổ phiếu sau khi niêm yết tại Hose trong tháng 7. Mùa nắng nóng kéo dài từ tháng 4 đến mùa hè làm sản lượng điện bán ra tăng trong những tháng này ít nhất 20%, ngược lại lượng mưa thấp khiến nhà máy thủy điện gặp nhiếu khó khăn. Một khảo sát nhỏ với các gia đình trung lưu trong tháng 4,5 thì chi phí tiêu thụ điện đã tăng hơn 30% do nhu cầu sử dụng máy điều hòa nhiều hơn.

Các nhà phân tích dự báo cả năm 2015, NT2 sẽ bán 4,8 tỷ KWh, giá bán bình quân tăng 4,1% so với năm 2014, doanh thu giảm nhẹ -5% và lợi nhuận giảm 29,7% ( đã bao gồm lợi nhuận tài chính), thu nhập trên mỗi cổ phiếu đạt 4.086đ/cp. Nếu loại bỏ doanh thu tài chính, thu nhập trên mỗi cổ phiếu sẽ đạt 3.811đ/cp. Tại mức giá hiện tại 24.500đ, NT2 giao dịch tại P/E 6,4 lần, so với P/E thị trường là 12,7 lần.

NT2 sau khi niêm yết tại Hose vào ngày 12/6 sẽ trở thành 1 trong 20 công ty có vốn hóa lớn nhất sàn Hose và sẽ là tâm điểm thu hút dòng tiền từ: (i) Quỹ đóng do đã thỏa điều kiện niêm yết tại sàn chinh thức (Hose), (ii) Quỹ ETF trong 6 tháng tới do thỏa các điêu kiện về vốn hóa, khối lượng, giá trị giao dịch, (iii) các quỹ chỉ số nội địa như VFMVN30, và các nhà đầu tư trong nước khác do tỷ lệ cho vay ký quỹ mở rộng.

Hạ Tầng kỹ thuật TP HCM (CII – Giá mục tiêu 27.500)

Forbes Vietnam: “Quá trình đô thị hóa mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư lớn về hạ tầng”. Theo quy hoạch hạ tầng cả nước đến năm 2020 dự kiến cần 5.753km tương đương vốn đầu tư là 766.220 tỷ đồng cùng với phí đường bộ theo thông tư 159/2013/TT-BTC sẽ tăng từ 2,5 lần đến 3,5 lần đến 2016, thuế ôtô dần về 0% đến năm 2018 theo lộ trình WTO và hạ tầng kết nối giao thông giữa các thành phố đang mở rộng sẽ làm tăng nguồn thu phí giao thông của các công ty trong ngành này.

CII là công ty xây dựng hạ tầng ( cầu, đường, nước) và thu phí giao thông vừa trải qua tái cấu trúc công ty về mặt chiến lược, tổ chức và tài chính. Những dự án dễ thấy nhất của CII gần đây là mở rộng xa lộ Hà Nội, Cầu Bình Triệu 2, Cầu Sài Gòn 2, nhà máy nước Thủ Đức, nhà máy nước kênh Đông với tổng số vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Nguồn thu chính hiện nay của CII từ xây dựng hạ tầng, thu phí giao thông trong khi mảng cấp nước sẽ đóng vai trò chính trong tương lai cùng các siêu dự án khu Đô thị Bắc Thủ Thiêm, Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Trong quý 1.2015 CII đạt tăng trưởng ấn tượng doanh thu 112% và lợi nhuận +84%. Kết quả này chưa ghi nhận lợi nhuận bán 30 triệu cổ phần LGC cho MPTC ( Metro Pacific Tollways Corp) do theo thông tư 202/2014/TT-BTC CII chỉ được ghi nhận khoản lợi nhuận này vào lợi nhuận giữ lại (Retained earning) thay vì trong báo cáo lợi nhuận (P&L) do sau khi chuyển nhượng, CII vẫn nắm giữ 51% LGC. Như vậy, nếu tính toán thu nhập trên mỗi cổ phiếu CII trong quý 1, CII sẽ đạt 2.132đ/cp, lợi nhuận giữ lại cũng tăng từ 412 tỷ lên 703 tỷ.

Hoạt động thoái vốn của Vinaphil, tổng cộng 32 triệu cổ phiếu đã mở ra cơ hội mua cho những nhà đầu tư mới tương tự trường hợp của Điện lực dầu khí thoái 7,1 triệu cổ phiếu NT2 gần đây. Các nhà phân tích dự báo lợi nhuận 2015 theo phương pháp kế toán hiện hành sẽ tăng 160% đạt 612 tỷ, giá mục tiêu trong ngắn hạn theo định giá là 25.000đ và 27.500đ/cp theo đồ thị giá cổ phiếu.

Ngân hàng Á Châu (ACB – giá mục tiêu 27.800) & Công thương ( CTG- giá mục tiêu 26.300)

Những ai theo dõi báo cáo chiến lược của Dragon Capital vào quý 4.2014 sẽ rất ấn tượng với chiến đồng hồ kim chỉ nam chỉ vào ngành ngân hàng, ngụ ý đã đến lúc chuẩn bị cho chu kỳ tăng giá mới của ngành ngân hàng sau 5 năm đi ngang, Các nhà đầu tư tổ chức đã chuẩn bị cho chiến lược này từ rất sớm trong khi nhà đầu tư trong nước vẫn chưa thích nghi ngay được với sự thay đổi ( ít nhất về mặt phân bổ vốn đầu tư) do số liệu tài chính của các công ty thường ra chậm hơn diễn biến giá trên thị trường chứng khoán. Là chuyên viên tư vấn tài chính tại SSI, chuyên theo dõi chuyển động của các Quỹ, Thạch nhận thấy tỷ trọng phân bổ tài sản ( asset allocation) của quỹ dịch chuyển theo hướng tăng dần ngành ngân hàng, ví dụ; Dragon Capital từ quý 1 đã nâng tỷ trong cổ phiếu ngân hàng từ 12,8% lên 17.6% cuối tháng 4 và có thể đang tiếp tục tăng dần.

Quỹ này tin rằng đến cuối năm 2014 đã có nhiều dấu hiệu cho thấy ngành ngân hàng đang ở vùng đáy:

(i) Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động ( LDRs – Loan to deposit ratio) giảm dần ( LDRs của VCB giảm từ 92,2% cuối 2011 xuống 77,3% cuối quý 2/2014, STB giảm từ 107% xuống 81,7% cùng kỳ) cho thấy các ngân hàng không còn cho vay bằng mọi giá nữa.

(ii) Lãi suất trái phiếu giảm mạnh trong năm 2014 ( lãi suất trái phiếu 5 năm chính phủ giảm từ 8,3% cuối 2013 xuống 4,8% trong tháng 10/2014) và lạm phát thấp đã làm cho các ngân hàng phải cắt giảm lãi suất huy động và tìm kiếm các khoản cho vay mở rộng tăng trưởng.

\

(iii) Lợi nhuận biên (NIM) đang ở vùng đáy ( NIM của các ngân hàng niêm yết giảm từ 4,3% năm 2011 xuống 2,8% trong quý 1.2014, thấp nhất kể từ 2005) nhưng có dấu hiệu tăng trở lại trong quý 2 sau 3 năm giảm liên tiếp tuy nhiên lợi nhuận vẫn thấp do dự phòng nợ xấu cao.

(iv) Trích lập dự phòng nợ xấu đang ở đỉnh: các ngân hàng báo cáo nợ xấu 4,2% trong tháng 7. 2014 nhưng ngân hàng nhà nước cho rằng nợ xấu sẽ ở mức 8-9% khi thông tư 02 và 09 áp dụng. Moody’s và Fitch ước tính nợ xấu khoảng 15%. Các ngân hàng phải thực hiện trích lập dự phòng nợ xấu khi thu nhập bình ổn và thanh khoản của hệ thống cải thiện trước ngày hiệu lực thông tư 02 và việc trích lập này tạo đỉnh trong nằm 2014.

(v) VAMC ( Government- backed asset manager): như tên gọi, VMAC là công cụ của nhà nước để thu hồi nợ xấu, đóng gói và sau này sẽ bán cho những nhà đầu tư chuyên mua nợ xấu. Thông tư 02 có hiệu lực từ 1/4/2015 đã giúp VAMC mua nợ xấu nhanh hơn giúp thanh khoản hệ thống trở nên tốt hơn.

(vi) Tăng trưởng tín dụng dự báo trong nằm 2015 sẽ đạt 14-16% và tiếp tục tăng lên 18-19% trong 2016 do Việt Nam đang cần một lượng vốn lớn để phát triển hạ tầng và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ và theo tính toán, tăng trưởng tín dụng phải đạt 1,5-1,6 lần GDP.

(vii) Định giá ngân hàng: các số liệu tài chính về ngân hàng hiện tại rất khó để định giá Tuy nhiên, phương pháp so sánh chéo ngành ngân hàng với các thị trường trong khu vực có thể cho thấy định giá của ngân hàng Việt Nam đang thấp so với những ngân hàng khác trong khu vực theo chỉ số PBR, PER.

Hai ngân hàng được chọn mua trong tháng 6 này thuộc nhóm ngân hàng có vốn hóa trên 3 tỷ USD ( CTG) và dưới 1 tỷ USD (ACB) do định giá thấp của các ngân hàng này so với khu vực. Hãy nói về CTG trước:

CTG ( Mua – Giá mục tiêu 26.300đ – tương đương PBR 1,8 lần)

Sự tăng giá nhanh của BID, hiện đang giao dịch tại PBR 1,8 lần nhưng vẫn đứng thứ 8 nếu so sánh với những ngân hàng có vốn hóa từ 2-3 tỷ USD trong khu vực, đã làm cho giá cổ phiếu CTG trở nên rẻ so với BID và hiện tại đứng thứ 8 nếu so với các ngân hàng trong khu vực. CTG đang giao dịch tại PBR 1,3. CTG và BID trong lịch sử chỉ giao dịch xung quanh P/BV 1,0-1,1 lần.

Về mặt định giá, CTG đang có PBR dự báo 2015 là 1,47 lần, tương đương với trung bình ngành ngân hàng, hệ số LDR cao và CAR thấp (10,4%), nợ xấu dự báo 1,8% tổng dư nợ trong năm 2015. Lợi nhuận trước thuế được dự báo giảm 10% xuống còn 6.570 tỷ đồng, dựa trên giả đinh tăng trưởng tín dụng 14%, tăng trưởng huy động 15%, tỷ lệ NIM giảm nhẹ 0,18% xuống còn 3,12%.

Mặt định giá ngân hàng không phải là chỉ báo chính thúc đẩy xu hướng giá lên của CTG hiện tại. Thạch tin rằng định giá thấp hơn các ngân hàng khác trong nước và khu vực sẽ là nguyên nhân chính thúc đẩy giá CTG tăng bên cạnh yếu tố kỹ thuật là cổ phiếu có tác động lớn đến ngành ngân hàng.

ACB ( Mua – Giá mục tiêu 27.800đ) – Ngân hàng đang có bước chuyển mình

ACB có vốn hóa đứng thứ 13 so với những ngân hàng có vốn hóa dưới 1 tỷ USD, đang giao dịch tại PBR 1,4 lần. ACB là ngân hàng cho thấy quá trình dọn dẹp nợ xấu, trích lập dự phòng và thu hồi nợ xấu rõ ràng nhất so với các ngân hàng khác. Trong quý 1.2015, ACB có sự tăng trưởng mạnh doanh thu và đã thu hồi được 607 tỷ từ nợ xấu, ghi nhận khoản dự phòng 247 tỷ.

Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15% đạt 1.400 tỷ theo các nhà phân tích CIMB dựa trên: (i) tăng trưởng lợi nhuận cho vay (NII) 11% so với 9% trong năm 2014 do tăng trưởng 16% các khoản cho vay. ACB vẫn duy trì chiến lược bán lẻ, hiện trên 40% các khoản vay từ khách hàng cá nhân; (ii) Lợi nhuận không từ cho vay tăng 20% dựa trện thu nhập phí dịch vụ tăng 20%; (iii) Chi phí hoạt động tăng 12,4% do chi phí marketing tăng để làm mới lại thương hiệu và (iv) chi phí dự phòng tài chính giảm trong năm 2015 sẽ ủng hộ cho tăng trưởng thu nhập ( LDR của ACB là 76% và CAR là 14,1%)

Trong 3 năm liên tục ACB giao dịch tại P/BV 1,2x lần với thu nhập cổ tức 4% mỗi năm nhưng gần đây giá cồ phiếu đã bắt đầu có mức chuyển động mạnh theo xu hướng của các cổ phiếu ngành ngân hàng.

Xi măng Hà Tiên 1 – Giá mục tiêu 26.000

Một trong những ngành mạnh nhất trong năm nay ngoài ngân hàng là ngành xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng do nhu cầu lớn về hạ tầng trong giai đoạn 2014-2020 theo quy hoạch của Chính phủ. Sản lượng xi măng tiêu thụ trong quý 1 không tăng trưởng so với cùng kỳ do kỳ nghĩ Lễ dài nhưng bắt đầu từ tháng 4, doanh số xi măng tiêu thụ đạt 5,4 triệu tấn, tăng 13% cùng kỳ và 28% so với tháng trước.

HT1 là công ty dẫn đầu thị phần xi măng tại Việt Nam, trong quý 1 HT1 đạt 1.600 tỷ doanh thu ( +1,5%) và lợi nhuận 250 tỷ so với chỉ 2 tỷ trong quý 1.2014 do đóng góp của sản lượng tiêu thụ xi măng tăng 13% và lợi nhuận từ tỷ giá 183 tỷ so với khoản lỗ 110 tỷ trong quý 1.2014.

Dự báo trong năm 2015, HT1 sẽ đạt doanh thu tăng trưởng 11% và lợi nhuận 631 tỷ ( + 60% năm trước), đem lại thu nhập trên mỗi cổ phiếu 1.549đ. Nếu không tinh ảnh hưởng của lợi nhuận/ lỗ tỷ giá trong 2014, thì lợi nhuận trước thuế tăng đến 84% ( trong năm 2014, HT1 có lợi nhuận 264 tỷ và có khoảng lỗ tỷ giá 211 tỷ, làm cho tổng lợi nhuận giảm còn 53 tỷ). Kinh doanh của HT1 đã cải thiện rõ qua các sự kiện sau: (i) nhà máy xi măng tại Bình Phước đã hoạt động lại bình thường, (ii) Xi măng tiêu thụ dự báo tăng 14% nhờ nhu cầu nhà ở và hạ tầng, (iii) Doanh số bán clinker giảm 78%, (iv) giá bán xi măng tăng nhẹ 2%, (v) Giá điện tăng 9,5% và (vi) 108 tỷ lợi thế thương mại ghi nhận trong năm 2015 sẽ làm cho chi phí tài chính năm 2015 tăng 38% lên 227 tỷ. HT1 đang có định giá trung bình theo 3 phương pháp DCF, EV.EBITDA và PE có giá mục tiêu tại 26.000đ/cp.

“ Word on the street” về HT1 gần đây là sự dịch chuyển nhà máy HT1 hiện tại tại Km 8, Xa lộ Hà Nội để làm khu dân cư. Khu vực nhà máy hiện tại có diện tích 12ha, dọc theo tuyến đường Metro. Các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng thời điểm các tin đồn này để tìm kiếm lợi nhuận trên cơ sở một công ty dẫn đầu ngành tăng trưởng.

Chuỗi bài “Góc nhìn môi giới” được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.

Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư cần thêm thông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ thachnn@ssi.com.vn.