Giới siêu giàu đang đổ về Vương quốc Anh

Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nước “chảy máu” triệu phú nhiều nhất thế giới trong giai đoạn 2000-2014

Vương quốc Anh đang là điểm đến số 1 cho giới siêu giàu thế giới, qua mặt Mỹ, Singapore, Úc và Hồng Kông, theo báo cáo mới công bố của Công ty Tư vấn quốc tế New World Wealth và tổ chức tư vấn tái định cư Lio Global.

Cuộc khảo sát của 2 đơn vị này cho thấy giới siêu giàu trên khắp thế giới, đặc biệt từ Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, đều muốn trở thành công dân Anh. Trong đó, London là khu vực ưu tiên hàng đầu. Có 3 nguyên nhân khiến xứ sở sương mù “đắt khách”. Thứ nhất, Anh có hệ thống giáo dục và trường đại học được đánh giá tốt nhất thế giới. Thứ hai, dễ mua bất động sản và chuyển tiền, 2 yếu tố thuận lợi cho các nhà đầu tư muốn mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Cuối cùng, khả năng đi lại tự do trong Liên minh châu Âu (EU) khi trở thành công dân Anh. Tổng cộng, 125.000 người siêu giàu từ các nước Đông Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và châu Phi đã tái định cư ở Anh từ năm 2000-2014.

 Giới siêu giàu đang đổ về Vương quốc Anh - 1

Một dinh thự của người giàu ở thủ đô London - Anh. Ảnh: Daily Mail

Theo New World Wealth và Lio Global, làn sóng siêu giàu tìm kiếm quốc tịch thứ hai bùng nổ từ năm 2000 với mục đích làm đầy thêm túi tiền của mình. Bà Nadia Read, người đứng đầu LIO Global, cho biết lý do chính khiến nhiều người nộp đơn xin cư trú hoặc quốc tịch thứ hai đều nhằm bảo đảm quyền tự do đi lại cũng như bảo đảm an ninh và tài sản cho gia đình. “Hầu hết nhà đầu tư nhắm đến Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt Cyprus và Malta rất được ưa chuộng bởi 2 quốc gia này cấp quốc tịch trực tiếp mà không cần chờ đợi hoặc phải có thời gian cư trú” - bà Read nói. Ngoài ra, Bồ Đào Nha - cung cấp chương trình Thị thực cư trú Vàng (GRV) và Hungary - nổi tiếng với chương trình Trái phiếu cư trú (RB), cũng được giới siêu giàu nhắm đến. Đơn giản là họ chỉ cần bỏ ra một khoản đầu tư nhỏ hơn - so với Cyprus và Malta - là sẽ được trao quyền công dân. Gần đây, khu vực Caribbean cũng được chú ý nhiều do họ có thể cấp quốc tịch trong vòng 6 tháng.

Báo cáo của New World Wealth và Lio Global còn chỉ ra rằng Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nước “chảy máu” triệu phú nhiều nhất thế giới trong giai đoạn 2000-2014. Tổng cộng Bắc Kinh “lọt sàng” 91.000 triệu phú (chủ yếu sang Singapore và Hồng Kông), trong khi New Delhi “mất” 61.000 người (hầu hết đến Úc và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất). Nằm trong tốp 8 nước có số lượng người giàu dứt áo ra đi nhiều nhất còn có: Pháp (42.000 người), Ý (23.000), Nga (20.000), Indonesia (12.000), Nam Phi (8.000) và Ai Cập (7.000).

Tính chung trên toàn thế giới, Mỹ vẫn là nước có nhiều người giàu nhất với 4,1 triệu triệu phú (năm 2014), theo sau là Nhật Bản (1,3 triệu người) và Anh (840.000 người). Trung Quốc và Ấn Độ dẫu mất nhiều triệu phú vẫn đứng thứ 5 và thứ 10 trong bảng xếp hạng, đồng thời 2 nước chiếm đến 1/3 dân số toàn cầu.

Rửa tiền qua bất động sản

Cơ quan chống tội phạm quốc gia Anh (NCA) vừa báo động tình trạng tội phạm nước ngoài sử dụng thị trường nhà đất ở London để rửa tiền khiến giá nhà tăng cao. “Giá đang được đẩy lên cao một cách giả tạo bởi bọn tội phạm ở nước ngoài, những người muốn sở hữu bất động sản ở Anh” - ông Donald Toon, phụ trách đơn vị chống tội phạm kinh tế tại NCA, nói với nhật báo The Times (Anh).

Nhận định trên được đưa ra giữa lúc càng ngày càng có nhiều người lo ngại việc bọn tội phạm, quan tham nước ngoài bỏ hàng tỉ bảng Anh để mua bất động sản ở London thông qua các công ty nặc danh làm bình phong và đặt trụ sở tại những “thiên đường trốn thuế”. Báo The Guardian dẫn lời một số chuyên gia nói rằng London hiện là trung tâm toàn cầu của hoạt động rửa tiền.

Một cuộc điều tra của kênh truyền hình Channel 4 (Anh) trong tháng 7 cũng phát hiện không ít đại lý bất động sản ở Anh sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ trước hành động rửa tiền của khách hàng nước ngoài. Một số đại lý còn khoe những thương vụ bí mật mua nhà trị giá hàng triệu bảng Anh ở London. Trong một số trường hợp, các đại lý còn giới thiệu cả những công ty luật chịu giúp người mua che giấu danh tính. Theo một đại lý, ít nhất 80% giao dịch của họ là với khách hàng ở nước ngoài, trong đó phần lớn là nặc danh.

Huệ Bình