Nếu nhìn vào cơ cấu cổ đông hiện tại của CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất Nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex), sẽ thấy cổ đông lớn nhất hiện nay thuộc về các công ty liên quan đến CTCP Chứng khoán Sài Gòn – một định chế tài chính chuyên đầu tư vào giá trị doanh nghiệp theo kiểu tỷ phú Warren Buffet. Nếu tính những cổ đông nắm giữ 4% cổ phần trở lên thì hiện có 13 cổ đông với tỷ lệ nắm giữ chiếm hơn 83% tổng số cổ phần. Điều gì đã tạo nên sự hấp dẫn ở Gilimex?
“Ông hoàng” cổ tức
Cuối tháng 12/2014, Gilimex đã gây bất ngờ cho các nhà đầu tư khi thông báo sẽ trả cổ tức với tỷ lệ lên tới 100%, bao gồm 80% cổ tức trả cho năm 2014 và 20% trả cho phần còn lại của năm 2013.
Tỷ lệ chi trả cổ tức 2005–2014
Tuy nhiên, nếu nhìn lại quá trình niêm yết của Gilimex trong hơn 13 năm qua, việc công ty chi đậm cổ tức không phải là điều lạ lẫm. Từ nhiều năm trước, GIL đã có tiếng là một trong những công ty chấp nhận trích ra phần lớn lợi nhuận để chi trả cổ tức với tỷ lệ lớn cho các cổ đông.
Tổng các khoản cổ tức mà Gilimex đã chi trả từ năm 2008 cho tới nay lên tới 307%, tương đương bình quân 43,8%/năm. Không kể mức cổ tức 10% của năm 2012, mức cổ tức của công ty từ năm 2008–2014 chưa năm nào dưới 25%.
Điều này cho thấy nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư dài hạn cổ phiếu GIL của Gilimex để hưởng cổ tức thay vì phải theo dõi biến động giá cổ phiếu hàng ngày.
Gia nhập câu lạc bộ doanh thu nghìn tỷ
Dĩ nhiên, để trả được mức cổ tức cao, Gilimex phải có lợi nhuận lớn và doanh thu tăng trưởng ổn định.
Năm 2014, doanh thu của Gilimex đạt 1.108 tỷ đồng - lần đầu tiên gia nhập nhóm các công ty có doanh thu nghìn tỷ. So với thời điểm 10 năm trước, quy mô doanh thu của công ty đã tăng cao gấp 2,74 lần, quy mô lợi nhuận tăng 192%. Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ (ROE) của Gilimex luôn trên 20%, có những năm vượt mức 50%.
Sau hơn 30 năm hoạt động, Gilimex hiện vẫn tập trung chính vào sản xuất hàng may gia dụng xuất khẩu, và hiện là đơn vị hàng đầu Việt Nam trong sản xuất và xuất khẩu ba lô, túi xách. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của công ty là Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Canada, Đài Loan, Malaysia, Singapore, trong đó thị trường Châu Âu chiếm tỷ trọng lớn.
Công ty đã khẳng định được vị thế của mình qua việc chinh phục “đại gia” khó tính IKEA - một tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp đồ gia dụng trên toàn cầu. Những đơn hàng của IKEA thường có số lượng cực lớn, hiện chiếm khoảng 85% tổng doanh thu của Gilimex.
Nhờ lợi thế từ việc cung cấp sản phẩm đáp ứng được quy chuẩn của khách hàng và đảm bảo sản lượng, thời gian giao hàng, Gilimex đã có sự hợp tác lâu dài hơn 10 năm với IKEA và trở thành 1 trong số 47 nhà cung ứng sản phẩm hàng đầu cho IKEA tại Việt Nam.
“Ngóng” các hiệp định tự do thương mại
Là một trong số gần 10 doanh nghiệp ngành dệt may đang niêm yết trên thị trường, cổ phiếu của Gilimex đang được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất nhiều từ các hiệp định tự do thương mại (FTA).
Hiện tại, thị trường Châu Âu chiếm hơn 70% thị phần xuất khẩu của Gilimex, còn thị trường Châu Mỹ chiếm khoảng 20%. Trong khi đó, Việt Nam đã và đang đàm phán các hiệp định thương mại quan trọng với 2 đối tác này và đã đạt được một ố kết quả thực tế.
Về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam–EU (EVFTA), hai bên đã tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán. Sau khi được ký kết, thuế suất bình quân hàng dệt may xuất khẩu sang EU sẽ được cắt giảm về 0% từ mức 12% hiện nay.
Còn về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), dù chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng trong vòng đàm phán mới nhất kết thúc vào cuối tháng 7/2015 tại Hawaii, nhưng vẫn có nhiều cơ sở để tin rằng Hiệp định TPP sẽ cán đích.
Hiện tại, Mỹ đang áp mức thuế từ 12-17% đối với các mặt hàng dệt may của Việt Nam. Mức thuế suất này được kỳ vọng sẽ giảm về 0% khi TPP được thông qua, nhưng sẽ đi kèm với quy định về nguyên tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”.
Trong khi đó, Gilimex và các doanh nghiệp dệt may khác của Việt Nam cũng có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường khác như Hàn Quốc hay Liên minh kinh tế Á-Âu khi Việt Nam, 2 đối tác Việt Nam vừa ký kết các hiệp định tự do thương mại trong năm 2015.
Theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam–Hàn Quốc (VKFTA), mức thuế xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc sẽ giảm về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, còn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam– Liên minh kinh tế Á-Âu (VCUFTA), phần lớn các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được dỡ bỏ thuế suất ngay khi hiệp định có hiệu lực, số còn lại có thuế suất giảm dần về 0% theo lộ trình.
Trong năm 2015, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu dệt may đạt 28,5 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2014. Riêng 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may ước đạt 15 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ.
Với diễn biến tích cực của các doanh nghiệp dệt may trong nhưng tháng đầu năm, nhiều công ty chứng khoán đã đánh giá KQKD của doanh nghiệp dệt may sẽ rất khả quan. Chắc chắn GIL cũng không nằm ngoài xu thế chung.