Giấy Sài Gòn: Vay vốn kích cầu của TPHCM đem đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Lợi dụng chương trình hỗ trợ lãi vay cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư dự án (DA) trên địa bàn TPHCM, Công ty cổ phần giấy Sài Gòn lập DA ma để hưởng lợi. Điều đáng nói là quy định hồ sơ vay vốn kích cầu rất chặt chẽ nhưng không hiểu sao “con voi lại chui lọt lỗ kim”.

Lập dự án ma để hưởng lợi

Công ty cổ phần giấy Sài Gòn gọi tắt là Cty giấy Sài Gòn thành lập tháng 6-2003, trụ sở chính ở số 364 Cộng Hòa, P13Q.Tân Bình, TPHCM, ngành nghề kinh doanh: sản xuất, mua bán các sản phẩm ngành giấy, bán buôn máy móc thiết bị và phụ tùng ngành giấy, in ấn... Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Cao Tiến Vị (SN 1965, ngụ Q.Tân Bình).

Ngày 27-2-2009, UBND TPHCM ra quyết định (QĐ) 20 ban hành chương trình kích cầu (CTKC) thông qua đầu tư tại thành phố. Đối tượng áp dụng là các DN, liên hiệp hợp tác xã và hợp tác xã, các tổ chức - cá nhân trong nước đầu tư trên địa bàn thành phố, đảm bảo phù hợp với chủ trương đầu tư và quy hoạch được phê duyệt.

Để được tham gia chương trình này, chủ đầu tư phải lập, trình duyệt DA theo quy định hiện hành; có hợp đồng tín dụng (HĐTD) đã ký với ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng cho vay và phải sử dụng tiền đúng mục đích. Khi DA được duyệt, ngân sách thành phố sẽ cấp bù 50% hoặc 100% lãi vay, thời hạn tối đa 7 năm.

Khu vực mặt tiền Nhà máy giấy Sài Gòn tại xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu

Sau đó ba tháng (20-5-2009), Cty giấy Sài Gòn lập DA "Đầu tư dây chuyền sản xuất bao bì màng đa lớp". Hồ sơ thể hiện Cty giấy Sài Gòn đầu tư DA là tại số 10 đường 25, P.An Phú Đông, Q12, TPHCM; nội dung đầu tư 1 dây chuyền in, 1 dây chuyền thổi màng 3 lớp, 1 dây chuyền sản xuất màng, 1 dây chuyền xử lý thành phẩm và hệ thống xử lý nước thải. Tổng số vốn 155 tỷ đồng. Cty giấy Sài Gòn có 52 tỷ đồng, cần vay thêm 103 tỷ.

Để có HĐTD cho vay phù hợp với hồ sơ DA khống đã lập (thực tế công ty đầu tư DA tại xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), ông Vị dùng chiêu trò phù phép như sau: Năm 2007, Cty giấy Sài Gòn đầu tư DA Nhà máy giấy Sài Gòn - Mỹ Xuân tại xã Mỹ Xuân được Sacombank Gò Vấp thẩm định cho vay 733 tỷ đồng theo HĐ số 0038167 ký ngày 12-12-2007.

Năm 2009, Cty Giấy Sài Gòn đề nghị Sacombank Gò Vấp tách 96,370 tỷ đồng trong khoản vay trên thành HĐTD riêng. Do không ảnh hưởng gì đến tính pháp lý của hồ sơ tín dụng nên Sacombank Gò Vấp đồng ý. Ngày 3-8-2009, Sacombank Gò Vấp ký HĐTD số 0042344 và ngày 25-9-2009 ký tiếp phụ lục HĐTD 0042344-02 cho Cty giấy Sài Gòn vay 96,370 tỷ đồng.

Những HĐ này không thể hiện cụ thể đầu tư DA nào, địa điểm ở đâu, giá trị cũng như quy mô... Hoàn tất bộ hồ sơ DA ma, Cty giấy Sài Gòn gửi công văn cho Sở Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) và Sở Công thương (CT) TPHCM xin đưa DA tham gia CTKC.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Sau khi Sở CT có công văn "thuận chủ trương", Sở KH-ĐT làm tờ trình gửi UBND TPHCM đề nghị đưa DA "Đầu tư dây chuyền sản xuất bao bì màng đa lớp" vào CTKC. Ngày 14-10-2009, UBND TPHCM ra QĐ đồng ý phê duyệt cho DA của Cty giấy Sài Gòn tham gia chương trình này với mức hỗ trợ 50% lãi vay ngân hàng số tiền 96,370 tỷ đồng trong vòng 7 năm, toàn bộ được Cty giấy Sài Gòn đưa vào xây dựng Nhà máy giấy Sài Gòn - Mỹ Xuân tại địa điểm đã nêu.

Còn DA xây dựng dây chuyền sản xuất bao bì màng đa lớp tại số 10 đường 25, P.An Phú Đông, Q12, Cty dùng làm kho thu mua giấy vụn, không triển khai DA tại TPHCM nhưng năm 2012-2013 Cty giấy Sài Gòn vẫn lập báo cáo gởi Sở KH-ĐT, Sở TC, Kho bạc TPHCM xác nhận đã và đang thực hiện DA, đề nghị thành phố cấp bù lãi vay. Dựa trên báo cáo ấy, thành phố đã giải ngân 3 tỷ đồng ngân sách để cấp bù lãi vay cho Cty này.

Theo quy định, Sở KH-ĐT là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, đơn xin tham gia CTKC của chủ đầu tư, sau đó phải kiểm tra tất cả tiêu chí của DA trước khi tham mưu trình UBND thành phố phê duyệt. Ngoài ra, Sở KH-ĐT cũng là đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của chủ đầu tư đảm bảo đúng mục đích.

Cụ thể, "Quy chế nội bộ về việc xử lý hồ sơ CTKC" do sở này ban hành thì Phòng Kinh tế của sở chịu trách nhiệm về vấn đề trên. Có phân công trách nhiệm rõ ràng như vậy nhưng không hiểu sao dù hồ sơ DA "Đầu tư dây chuyền sản xuất bao bì màng đa lớp tại số 10 đường 25, P.An Phú Đông, Q12, TPHCM" của Cty giấy Sài Gòn không đáp ứng các tiêu chí của QĐ 20 nhưng Phòng Kinh tế Sở KH-ĐT vẫn tham mưu đưa vào.