Điều chỉnh tỷ giá không ảnh hưởng nhiều đến nhà đầu tư nước ngoài
Thông thường, việc phá giá thường tác động đến tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do lợi nhuận sẽ suy giảm khi quy đổi ra USD. Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên Người Đồng Hành bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư Khách hàng tổ chức của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho rằng ít có khả năng nhà đầu tư nước ngoài sẽ chuyển sang bán ròng, qua đó tác động đến thị trường.
Theo bà Phương, việc tăng tỷ giá VND/USD tuy diễn ra hơi sớm so với dự đoán, nhưng là điều đã có thể tiên liệu trước, khi Việt Nam chịu mức thâm hụt 3,1 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm.
"Một con số khá bất ngờ" - bà Phương chia sẻ
Tuy nhiên, dù tỷ giá VND/USD chịu áp lực điều chỉnh tăng, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đã không bán ra, kể cả khi tỷ giá chạm trần trong những ngày gần đây, trước khi NHNN thực hiện điều chỉnh tăng tỷ giá đồng USD thêm 1%, từ 21.458 đồng lên 21.673 đồng, trong ngày 7/5.
“Nếu bán ròng thì họ đã bán trước khi tỷ giá điều chỉnh,” bà Phương trả lời khi được hỏi liệu nhà đầu tư nước ngoài có thể chuyển từ mua ròng hiện nay sang bán ròng trong thời gian trước tới.
“Nói như thế nghĩa là sẽ không có tác động nhiều và vấn đề là triển vọng từ nay đến cuối năm. Nếu thị trường vẫn ổn định thì không có gì đáng lo ngại,” bà nói.
Trong khi ít tác động đến nhà đầu tư nước ngoài, việc điều chỉnh tỷ giá được cho hỗ trợ cổ phiếu các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh đồng VND đang tăng giá so với nhiều đồng tiền như Euro hay Yên.
Theo tổng hợp của Người Đồng Hành, trong ngày điều chỉnh tỷ giá (7/5), nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng 121 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam.
Đằng sau động thái điều chỉnh tỷ giá
Theo giải thích của NHNN, tỷ giá trong nước đã có xu hướng tăng trong thời gian qua chủ yếu do yếu tố tâm lý và kỳ vọng của thị trường, nhưng vẫn diễn biến trong biên độ quy định. Việc điều chỉnh này nhằm hỗ trợ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 cũng như đối phó với các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế.
Đánh giá về động thái mới nhất của NHNN, bà Hoàng Việt Phương cho rằng đồng VND thực ra mất giá ít so với đồng tiền khác, và “mức mất giá 2% không có gì ghê gớm lắm”.
Mặc dù cán cân thương mại của Việt Nam đã thâm hụt 3,1 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, tuy nhiên, bà Phương cho rằng nếu đánh giá kỹ, thì không đáng ngại.
Khối doanh nghiệp FDI đóng góp nhiều nhất trong kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam kể từ đầu năm. Các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất là ô tô, máy móc thiết bị và thép, trong đó máy móc thiết bị có giá trị nhập khẩu lớn nhất lại là của DN FDI (các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu giảm so với năm trước). việc DN FDI nhập khẩu thép và máy móc thiết bị nhiều có thể do một số dự án FDI lớn.
Đây là điều Việt Nam có thể yên tâm, vì khối FDI nhập siêu thì sau đó sẽ xuất siêu. Hơn nữa, nguồn để nhập khẩu là vốn FDI, tức là ngoại tệ, nên càng không đáng lo ngại.
“Có thể cũng chính vì thế mà dù nhập siêu 3,1 tỷ USD nhưng cán cân thanh toán (BOP) Việt của Nam lại dương,” bà Phương nói, và cho biết thêm BOP quý I đạt dương 2,8 tỷ USD - "Điều này giải thích là nguồn tiền cho nhập siêu cũng là nguồn tiền từ nước ngoài”.
Tuy nhiên, vẫn có đôi chút lo ngại bởi theo bà Phương, hạn mức điều chỉnh tỷ giá 2% đã sử dụng hết, nhưng nếu thời gian tới không phải DN FDI nhập siêu, mà khối doanh nghiệp trong nước do nhu cầu hiện tại đang hồi phục có thể dẫn đến tình trạng thâm hụt mà không nguồn USD tài trợ tương ứng.
Nhiều doanh nghiệp đã hoạch định việc mất giá trong kế hoạch năm của họ rồi, nên họ không bất ngờ đâu. Ngay cả những doanh nghiệp cần nhập khẩu nhiều họ cũng không bất ngờ. Tôi nghĩ, ít nhất họ cũng phải đặt mức mất giá 3% trong năm 2015, trừ khi có biến động quá mạnh ảnh hưởng đến cán cân thương mại hay cán cân thanh toán.
Bà Hoàng Việt Phương
Việc thời điểm điều chỉnh “hơi sớm” được bà Phương cho là có thể liên quan đến thương vụ Vietcombank mua 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ của Bộ Tài chính, dù chưa rõ Bộ Tài chính dự định sẽ làm gì với số tiền đó.
Trong một thông báo phát đi cùng ngày, Ngân hàng HSBC cũng cho rằng dù ngân hàng này đã từng đưa ra dự đoán đồng VND sẽ giảm giá thêm trong năm nay nhưng động thái mới nhất của NHNN đã diễn ra sớm hơn dự báo.
Theo HSBC, việc điều chỉnh tỷ giá này là để tận dụng cơ hội đồng USD điều chỉnh trên diện rộng và lạm phát trong nước đang thấp, và là một biện pháp chủ động nhằm giúp thu hẹp thâm hụt thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên, ngân hàng này cho rằng việc tăng tỷ giá không phải được sử dụng để thúc đẩy xuất khẩu.
Còn ANZ cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá là giúp đưa cán cân thương mại của Việt Nam trở về về gần ngưỡng cân bằng, chứ không phải là để bảo vệ đồng VND.
Theo quan điểm của ANZ, tỷ giá USD sẽ vẫn đứng ở mức 22.050 đồng vào cuối năm nay, giảm 3,1% trong cả năm (hiện đã giảm 1,5% kể từ đầu năm), cao hơn mức giảm 1,4% của năm 2014).
Còn theo HSBC, NHNN sẽ không có thêm thay đổi chính sách nào nữa từ nay đến cuối năm, và tỷ giá USD cuối năm sẽ đứng ở mức 21.750 đồng.