Trong vòng 5 năm (từ 2011 đến 2015), thị trường điện máy trong nước chứng kiến sự ra đời, phát triển và lụi tàn của nhiều tên tuổi điện máy.
Những ngày đầu năm 2015, chuỗi siêu thị điện máy Top Care đồng loạt đóng cửa nhưng không cho biết nguyên nhân cụ thể. Trước đó, HomeOne, Best Carings, cũng lần lượt rời khỏi thị trường chỉ sau 2 năm kinh doanh. Riêng WonderBuy chưa đầy một năm đã phá sản và gánh thêm khoản lỗ tới 52 tỷ đồng.
Theo quy luật tất yếu, có người ra đi thì cũng có người mới đến. Mới đây, tập đoàn Vingroup công bố thương hiệu bán lẻ điện máy của mình là Vinpro. Nằm trong tổ hợp bán lẻ có tham vọng vươn lên vị trí số 1 Việt Nam của Vingroup, Vinpro tuyên bố sẽ mở ra tới 25 trung tâm điện máy trong năm 2015, đi kèm với đó là thêm 100 cửa hàng công nghệ Vinpro+.
Để thấy được góc nhìn từ những người trong cuộc về thị trường điện máy trong nước, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Marketing của MediaMart.
Báo cáo về ngành điện máy những năm qua đều ghi nhận doanh số tiêu thụ hàng điện tử, đặc biệt là điện thoại di động không ngừng tăng. Vậy tại sao lại ngày càng có nhiều doanh nghiệp điện máy "ra đi" đến vậy?
Việc một số chuỗi siêu thị điện máy buộc phải sớm rời bỏ cuộc chơi chóng vánh là minh chứng phản ánh rõ nét nhất mức độ cạnh tranh của ngành. Điều này cho thấy việc vận hành một mô hình bán lẻ điện tử công nghệ là không đơn giản như bảng phân tích P&L (báo cáo lãi - lỗ) đơn thuần.
Tới thời điểm hiện tại thị phần bán lẻ đang được phân chia khá đồng đều, chưa có nhà bán lẻ nào chiếm thị phần tuyệt đối, hơn nữa thị trường là bình thông, mở hoàn toàn, do đó cơ hội đang được chia đều cho các bên và làm cho cuộc đua thêm gay gắt trong thời gian tới.
Một số đơn vị thiếu hoặc yếu kém trong 3 yếu tố Tài chính - Vận hành - Đối tác, trong điều kiện cạnh tranh mạnh, khi thị trường khó khăn dẫn tới mất thanh khoản là nguyên nhân chính phải đóng cửa và tuyên bố phá sản.
Đằng sau con số tăng trưởng chung của ngành điện máy là một cuộc chiến giành thị phần vô cùng quyết liệt giữa các STĐM, MediaMart chắc hẳn cũng không đứng ngoài cuộc chiến này?
Chúng tôi vẫn xác định điểm bán là ưu tiên để phát triển, và cái đấy đã được chứng minh trong năm 2014. MediaMart đã mở thêm 8 siêu thị và mở rất nhanh, bao phủ gần như tất cả địa bàn chiến lược ở Miền Bắc.
Còn ở các tỉnh nhỏ, qua nghiên cứu chúng tôi chưa đầu tư vì xét theo chi phí cơ hội, các thị trường lớn thời điểm này vẫn còn khoảng trống để phát triển. Do đó các thị trường nhỏ chúng tôi cho rằng chưa cần đầu tư vội.
Trong 2 năm qua, giá thuê, thậm chí là giá mua đất tại các tỉnh rất rẻ, đấy là cơ hội cho các nhà bán lẻ, không chỉ điện máy mà cả tiêu dùng. Chúng tôi cũng tận dụng lợi thế thuê mặt bằng rẻ đặc biệt là ở các tỉnh. Năm 2015, MediaMart đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng hệ thống các điểm bán nhằm nhanh chóng đạt mốc 25 Siêu thị trong phạm vi toàn Miền Bắc.
Có thể thấy rằng MediaMart đang dẫn đầu "cuộc đua" mở thêm siêu thị tại thị trường Miền Bắc, tình hình tài chính của MediaMart có được đảm bảo không?
Chúng tôi tự tin sở hữu hệ thống có độ phủ và thị phần bán lẻ hàng Điện tử - Công nghệ lớn nhất miền Bắc tính tới thời điểm này. Mức tăng trưởng hàng năm của MediaMart luôn cao gấp hơn 2 lần mức tăng trưởng chung của toàn thị trường.
Lý do là MediaMart đi về tỉnh sớm. Tại một vài tỉnh, MediaMart là mô hình đầu tiên có mặt thế nên chúng tôi đặc biệt thành công, sau này các đơn vị khác mới đi theo sau. Về cách làm ở MediaMart thì hơi khác so với các đơn vị cùng ngành, có thể là cách đưa thông điệp mạnh hơn và các chiến dịch "crazy" hơn nên bà con cũng thích hơn.
Tăng trưởng doanh thu trung bình của thị trường là 25-30% thì chúng tôi đạt 60% trong 2 năm gần đây, đặc biệt là 2014. Phần lớn là do tăng trưởng cơ học ở tỉnh.
Lợi nhuận thì không tăng trưởng được như doanh thu. Vì tính chất cạnh tranh của ngành này có điểm đặc biệt là gay gắt hơn những ngành hàng khác. Chúng ta có thể nhìn thấy sự ra đi của một vài cái tên cũng vì như thế thôi. Khi chạy theo cuộc đua mà để thiếu hụt đi một cán cân trong chiến lược, mất cân đối, mất thanh khoản là dẫn tới phá sản.
Còn ở Hà Nội, các mô hình cũ của chúng tôi vẫn tăng trưởng nhưng không nhiều, theo mức tăng chung của thị trường thôi, thậm chí một vài điểm bán có sự cạnh tranh gắt gao thì tăng trưởng thấp hơn mức bình quân.
Về mảng bán hàng online thì sao?
Có thể nói rằng chúng tôi làm mảng online mạnh gần như đứng đầu trong khối điện máy. Online ở đây là đẩy mạnh cả quảng bá lẫn bán hàng online, thậm chí chúng tôi còn phân chia ra rất nhiều các chuyên trang nhỏ (micro sites) khác nhau, như nội thất, daily deal...
Trong bán lẻ online thì traffic (lượng truy cập) là yếu tố sống còn. Về traffic, MediaMart có lượng truy cập cao hơn hẳn các đơn vị miền Bắc khoảng 3 lần. Điều này có được nhờ chúng tôi tập trung nhiều tiền làm truyền thông cho online mạnh hơn các đơn vị khác.
Ông đánh giá thế nào về mô hình - Siêu thị điện máy nằm bên trong Trung tâm thương mại?
Tôi đã từng vận hành mô hình Best Carings, đó là mô hình store-in-store, nó có những lợi thế riêng, có đối tượng khách hàng riêng nhưng thực sự là khó cho mô hình này "có đất sống" tại Việt Nam.
Những mô hình kiểu này chỉ có thể thích hợp khi mà đô thị có hạ tầng phát triển. Như ở Bangkok hay Singapore chẳng hạn, hệ thống giao thông công cộng như tàu điện rất phát triển, ga tàu đỗ ở ngay cửa các TTTM nên lượng khách hàng vào mua sắm rất đông.
Còn ở đây, tất cả mô hình chợ mà Việt Nam đã nhen nhóm phát triển đều đã thất bại hết, như chợ Hàng Da, chợ Bưởi, chợ Tân Mai.. Mô hình phù hợp hiện nay của nước ta là"gạt chân chống - thanh toán tiền và đi", tức là nó phải rất là nhanh gọn.
Vì thế MediaMart không chọn cách "chui" vào trong TTTM, bản thân chúng tôi cũng không có shop nào nằm bên trong TTTM cả. Cái đấy là cái dở nhất, hoàn toàn không phù hợp với hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.
Khách hàng tới mua sắm tại VinPro - Royal City trong ngày khai trương
Nếu vậy thì mô hình mà Vinpro đang theo đuổi sẽ khó "có đất" phát triển?
Nói về Vinpro, tôi thấy họ còn nhiều việc phải làm lắm, tài chính thôi thì chưa đủ. Họ thậm chí còn rút bớt một lượng không nhỏ nhân viên của chúng tôi.
Thâu tóm để làm gì? Điện máy cần nhiều yếu tố hơn là tài chính. Trong ngành bán lẻ khâu tổ chức đòi hỏi rất chi tiết, không chỉ đơn thuần là nghiệp vụ M&A. Nếu tổ chức ra đấy để làm đẹp "số má" hoặc đi 1 bước tiếp theo là xây dựng 40 cái để bán cho ông A,B,C thì có thể được.
Đứng trên địa vị một khách hàng, muốn mua hàng ở Vinpro trước tiên phải xuống hầm gửi xe, tới được cửa hàng thì mất một khoảng thời gian khá nhiều rồi. Xác định mua 1 lò vi sóng ở MediaMart và 1 lò vi sóng ở Vinpro sẽ mất bao nhiêu quy trình?
Vì họ không giao hàng ngay được, do đó khách sẽ phải "khệ nệ" bưng đồ xuống bãi xe. Còn ở MediaMart, Pico hay HC, khách dựng xe trước cửa hàng, nhân viên buộc dây, và khách gạt chân chống rồi đi, quy trình rất nhanh gọn. Đây vẫn là thói quen mua sắm của người Việt Nam.
MediaMart có ý định phát triển thêm mô hình cửa hàng công nghệ giống như Vinpro+ hay HC+ không?
Triển khai mô hình như vậy không khó. MediaMart tuy đang có lợi thế về nhận diện, về cách làm, về traffic, do nguồn lực không có đủ nên chúng tôi xác định mình không đủ mạnh trong việc triển khai hẳn một kênh riêng như vậy.
Chúng tôi cũng đã từng nghiên cứu mô hình này, tuy nhiên như tôi đã nói nhiệm vụ trọng tâm của MediaMart là duy trì nền tảng hiện nay, tập trung vào cái hiện nay mình đang có lợi thế và không để xao nhãng.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.