Giải mã sức hấp dẫn của VinatexMart

(NDH) Kết quả kinh doanh chững lại những năm 2012, 2013, nhưng Vinatexmart vẫn có lợi thế riêng thu hút ông lớn Vingroup khi đang có sẵn những mặt bằng kinh doanh tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Công ty TNHH MTV Thương mại Thời trang dệt may Việt Nam – chủ hệ thống Vinatexmart là một doanh nghiệp do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sở hữu 100% vốn. Công ty được Chính phủ đồng ý chủ trương bán từ tháng 1/2015. Sau ba tháng, thương vụ này đã được thực hiện thành công, Tập đoàn Vingroup đã trở thành chủ sở hữu mới của Vinatex Mart.

Công ty TNHH MTV Thương mại Thời trang dệt may Việt Nam tiền thân là hệ thống siêu thị VinatexMart, đơn vị hạch toán phụ thuộc của Vinatex, thành lập từ tháng 10/2001. Đây là chuỗi siêu thị tổng hợp, với hàng dệt may là ngành hàng chủ lực, đồng thời là thế mạnh của VinatexMart so với các hệ thống siêu thị khác. Theo Tổng giám đốc của công ty từng phát biểu trước đây thì tại các siêu thị VinatexMart, hàng may mặc chiếm gần 50% hàng hóa trưng bày tại siêu thị, các sản phẩm này được cung cấp từ hơn 300 công ty thành viên của công ty mẹ Vinatex.

VinatexMart cho biết đang kinh doanh 60.000 mặt hàng từ trên 1.000 nhà cung ứng gồm 5 ngành hàng chính: Dệt may, thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, hóa mỹ phẩm và hàng gia dụng quà lưu niệm đồ chơi trẻ em.

VinatexMart đã từng có thời điểm mở rộng kinh doanh, gia tăng thị phần, tăng trưởng doanh thu lên tới gần 30%/năm. Tuy nhiên, từ năm 2012, do ảnh hưởng chung của bối cảnh kinh tế, mặc dù vẫn giữ được doanh thu khoảng 1.700 tỷ đồng mỗi năm nhưng lợi nhuận của công ty có sự suy giảm đáng kể. Năm 2013, hệ thống Vinatexmart lỗ ròng tới 44,9 tỷ đồng, tương đương gần 20% vốn điều lệ của công ty này (215 tỷ đồng).

Doanh thu, lợi nhuận qua các năm của Vinatexmart (Đvị: tỷ đồng)

Hơn nữa, Vinatexmart được một số nhà bán lẻ đánh giá không phải là đối thủ nặng ký trong kinh doanh bán lẻ. Nguyên nhân có thể do công ty tập trung chính vào mặt hàng thế mạnh là hàng may mặc mà chưa chú trọng vào các nhóm sản phẩm khác.

Lợi thế từ mặt bằng kinh doanh

Mặc dù có những khó khăn trong hoạt động, nhưng điều mà VinatexMart có được lại là việc hệ thống siêu thị này đang nắm giữ những mặt bằng kinh doanh nằm rộng rãi tại các tỉnh thành.

Năm 2012, công ty mẹ Vinatex từng tham vọng đề ra kế hoạch nâng tổng số siêu thị Vinatexmart lên khoảng 80 vào cuối năm và phấn đấu có 200 điểm bán hàng vào năm 2015. Tuy nhiên, điều kiện thị trường khó khăn, kế hoạch này không thành; kết quả kinh doanh năm 2012 của công ty cũng gần như hòa vốn. Đến đầu năm 2013, đơn vị này vẫn chỉ có 58 điểm bán hàng trên 26 tỉnh thành trong nước. Số lượng cửa hàng tiếp tục giảm xuống và hiện còn giữ được 39 cửa hàng hoạt động tại 19 tỉnh khi Vingroup chính thức trở thành chủ sở hữu mới của hệ thống siêu thị này.

Mặc dù đã giảm đáng kể nhưng số lượng cửa hàng trên thực tế là không nhỏ, nhất là trong bối cảnh việc tìm kiếm mặt bằng lớn mở cửa hàng không phải là dễ. Hơn nữa, theo lãnh đạo công ty từng chia sẻ, VinatexMart có được những điểm thuê với thời gian thuê lên đến 15 năm, diện tích mặt bằng từ 700 đến 1.000 m2.

Hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ hiện đã đưa vào hoạt động 14 siêu thị và 23 cửa hàng tiện ích chỉ sau 4 tháng hoạt động. Theo bà Dương Thị Mai Hoa – Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, việc sáp nhập này sẽ là bước phát triển mới của hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ trong lộ trình phát triển 100 siêu thị và 1000 cửa hàng tiện ích trong vòng 3 năm.

Trong khi hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích của VinMart mới hiện mới được đặt ở các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Ninh Bình) và Tp. Hồ Chí Minh thì việc hệ thống cửa hàng của Vinatexmart lại nằm ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Bổ sung thêm những mặt bằng kinh doanh sẵn có sẽ giúp Vingroup tiến thêm một bước trong kế hoạch "bành trướng" trên thị trường bán lẻ của Tập đoàn này.

Hơn nữa, không chỉ là những mặt bằng kinh doanh sẵn, các siêu thị đã hoạt động trong thời gian dài sẽ có một lượng khách hàng và nguồn thu ổn định. Tuy nhiên, điều Vingroup cần làm sẽ không đơn giản chỉ là thay một tấm biển này bằng một tấm biển khác. Để việc hợp nhất không chỉ là phép cộng số học đơn thuần và có thể kinh doanh có lãi trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay của ngành bán lẻ, VinMart ắt hẳn sẽ còn rất nhiều công việc để bắt tay vào thực hiện.