Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội cho biết theo chỉ đạo của Bộ Tài chính giao cho VSD và sở GDCK Hà Nội, TTCK Phái sinh có thể hoạt động vào quý 3 hoặc quý 4 năm 2016. Sở GDCK Hà Nội và các thành viên thị trường đang gấp rút chuẩn bị.
Việc triển khai các sản phẩm phái sinh, hệ thống, công tác tuyên truyền đào tạo cho nhà đầu tư đã được lên kế hoạch chi tiết để đảm bảo quý 3 năm sau mọi việc hoàn thành.
Theo đại diện của HNX, 2 sản phẩm phái sinh đầu tiên được lựa chọn thử nghiệm đưa ra thị trường là hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ và hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu.
Trong đó, các chỉ số cổ phiếu ban đầu được lựa chọn là Vn30 và HNX30, quy mô hợp đồng khoảng 100 - 300 triệu đồng, ngày giao dịch cuối cùng là ngày thứ 5 tuần thứ ba của tháng đáo hạn, hình thức thanh toán bằng tiền.
Việc lựa chọn chỉ số cổ phiếu làm sản phẩm phái sinh đầu tiên, theo giải thích của đại diện HNX là do trên thị trường có tới hơn 700 mã niêm yết, việc chọn đơn lẻ 1 cổ phiếu làm sản phẩm phái sinh có thể gặp phải trường hợp bị thao túng giá cổ phiếu vì thao túng lên 1 rổ chỉ số sẽ khó hơn nhiều so với việc thao túng 1 cổ phiếu.
Về tỷ lệ ký quỹ dự kiến, theo ông Phong, hiện nay tại các nước Châu Á đang quy định mức độ ký quỹ khá cao, khoảng 15%. Hiện nay HNX chưa xác định chính xác mức độ ký quỹ trên thị trường nhưng sẽ ở mức khoảng 10-15%.
Đối với hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ sẽ chọn tài sản cơ sở là trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm, quy mô hợp đồng đang thiết kế từ 1 - 10 tỷ đồng, tháng đáo hạn 3 tháng gần nhất theo chu kỳ quý, hình thức thanh toán chuyển giao vật chất, các điều khoản khác HNX đang phối hợp với Trung tâm lưu ký dự kiến quý 4 sẽ trình UBCK để thông qua.
Sẽ là cơ hội để nâng hạng thị trường
Theo đại diện HNX, hiện nay, một trong những yếu tố khiến Việt Nam chưa được vào nhóm thị trường mới nổi là do Việt Nam chưa có thị trường chứng khoán phái sinh. Nếu TTCK Phái sinh được đi vào vận hành và TTCK Việt Nam được nâng hạng thì cả thị trường cơ sở và thị trường phái sinh đều được lợi.
Ngoài ra, các công cụ phái sinh sẽ giúp nhà đầu tư có biện pháp để phòng vệ rủi ro, rất nhiều các quỹ đầu tư đang ca thán họ không biết làm thế nào trong thị trường giá xuống, tuy nhiên khi phái sinh đi vào hoạt động, các nhà đầu tư sẽ được sử dụng vị thế bán (short) mà không cần phải có cổ phiếu. Do đó khi thị trường phái sinh ra đời việc thu hút các nhà đầu tư tổ chức và các nhà đầu tư quốc tế sẽ tốt lên rất nhiều, bởi họ có công cụ phòng vệ rủi ro trên thị trường cơ sở.
Các hoạt động trên thị trường cơ sở cũng sẽ tăng thanh khoản, khiến các nhà đầu tư trong nước sẽ tham gia nhiều hơn. Hơn nữa, chi phí giao dịch trên thị trường phái sinh nhỏ hơn rất nhiều so với việc đầu tư trực tiếp vào thị trường cơ sở bởi các nhà đầu tư chỉ đảm bảo bằng tiền ký quỹ.
Theo ông Nguyễn Anh Phong, khi xây dựng thị trường phái sinh chúng ta phải đối mặt với việc tác động đến mức giá trên thị trường này sẽ ảnh hưởng đến mức giá của thị trường kia, tuy nhiên không phải chúng ta sợ hãi mà không làm và phải có các cơ chế phòng tránh.
Theo kế hoạch phát triển thị trường chứng khoán phái sinh, từ 2016-2020, thị trường sẽ tổ chức giao dịch các chứng khoán phái sinh dựa trên tài khoản cơ sở là chứng khoán (chỉ số chứng khoán, trái phiếu Chính phủ, cổ phiếu), sau năm 2020 sẽ phát triển thị trường chứng khoán phái sinh thống nhất dựa trên các tài sản cơ sở theo thông lệ quốc tế.