Giải cứu chứng khoán, Trung Quốc đã tung ra 10 biện pháp mạnh

Giải cứu chứng khoán, Trung Quốc đã tung ra 10 biện pháp mạnh

(NDH) Chứng khoán Trung Quốc bật lên trong phiên ngày 9/7, lấy lại gần hết số điểm đã mất vào phiên trước. Sự hồi phục tạm thời này diễn ra sau khi chính quyền Trung Quốc đưa ra một loạt đòn mạnh tay để cứu thị trường.

Theo hãng tin CNN, đây không đơn thuần là một cuộc khủng hoảng tài chính, mà còn liên quan đến chính trị. Đó là lý do tại sao chính phủ Trung Quốc đang làm mọi thứ có thể để cố gắng ngăn chặn thị trường khỏi “đổ máu”.

Chứng khoán chính của Trung Quốc bắt đầu lao dốc từ ngày 12/6, và cho đến ngày 8/7 chỉ số Shanghai Composite Index đã giảm tới 32%, còn chỉ số Shenzhen Composite Index mất tới 41%.

Cũng trong ngày 8/7, công ty Securities Finance Corporation (CSF) của Trung Quốc thông báo sẽ cho các công ty chứng khoán lớn vay hàng tỷ USD để họ có thể mua nhiều cổ phiếu hơn, nhằm chặn đà giảm giá của thị trường.

Sau mức giảm 8% vào sáng ngày 8/7, một phát ngôn viên của Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc đã gọi đó là một phiên "bán tháo vô lý," nhưng một số người lại cho đó là một thị trường bong bóng đang xì hơi.

Mua cổ phiếu chỉ là một trong số các nỗ lực của chính quyền Trung Quốc. Dưới đây là 10 biện pháp mạnh tay Trung Quốc đã đưa ra trong những ngày gần đây.

1. Chính phủ thực chất đang mua cổ phiếu: Công ty CSF đã cho 21 công ty chứng khoán vay 260 tỷ Nhân dân tệ (42 tỷ USD) để mua các cổ phiếu bluechip. Đó là không kể đến con số 20 tỷ USD mà các công ty chứng khoán cuối tuần qua đã cam kết sẽ chi ra để mua cổ phiếu.

2. Trung Quốc mua cả những cổ phiếu nhỏ: Công ty CSF cũng cam kết mua thêm cổ phiếu của các công ty vừa và nhỏ, mặc dù không rõ số tiền cụ thể được chi ra là bao nhiêu.

3. Gói kích thích mới: Một chương trình kích thích mới trị giá 250 tỷ Nhân dân tệ (40 tỷ USD) đã được Chính phủ công bố hôm 8/7 nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực mà nền kinh tế đang cần nhất. Kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại.

4. Tăng chi tiêu chính phủ: Trung Quốc cũng sẽ tăng tốc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà Chính phủ đã lên kế hoạch như xây dựng đường sá và các cơ sở tiện ích.

5. Hơn một nửa số cổ phiếu tạm ngừng giao dịch: Trung Quốc đã cho phép một nửa số công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán tạm ngừng giao dịch cổ phiếu của mình để tránh bị giảm sâu hơn.

6. Cấm cổ đông lớn bán trong 6 tháng: Bắt đầu từ ngày 8/7, cổ đông lớn và các thành viên hội đồng quản trị đều bị cấm không được giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu thông qua thị trường thứ cấp trong vòng 6 tháng. Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc cam kết sẽ trừng trị thích đáng những ai vi phạm quy định đó.

7. Không niêm yết mới: Trung Quốc đã quyết định cho dừng tất cả các vụ niêm yết cổ phiếu mới vào cuối tuần qua.

8. Ngân hàng trung ương giảm lãi suất: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục trong một nỗ lực nhằm bơm thêm tiền vào hệ thống.

9. Tăng lượng cổ phiếu được giao dịch ký quỹ: Các nhà đầu tư hiện nay có thêm nhiều lựa chọn hơn khi giao dịch ký quỹ trở lại. Rất nhiều nhà đầu tư đã thực hiện giao dịch ký quỹ. Họ muốn vay tiền mua chứng khoán vì cho rằng giá cổ phiếu sẽ tăng và họ sẽ kiếm đủ tiền để trả nợ. Các nhà đầu tư Trung Quốc thậm chí còn cầm cố nhà cửa của họ để lấy tiền “chơi” chứng khoán.

10. Hạ giá đồng Nhân dân tệ: Đồng tiền của Trung Quốc đã giảm mạnh so với đồng USD trong tháng 7. Có nhiều suy đoán rằng đồng Nhân dân tệ sẽ còn tiếp tục giảm, giúp hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ và các nước khác trở nên cạnh tranh hơn, theo đó giúp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Tất cả những nỗ lực phi thường này của Trung Quốc phần nào đã có tác dụng trấn an thị trường. Kết thúc phiên 9/7, chỉ số Shanghai Composit Index tăng 5,8%, sau khi giảm 5,9% vào phiên trước.

Tuy có tác dụng ngăn chặn bong bóng chứng khoán đổ vỡ trong ngắn hạn, nhưng sự can thiệp này của Trung Quốc lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong dài hạn khi nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng tự do hóa thị trường của chính quyền Bắc Kinh.