Số thương vụ M&A tăng mạnh trong lĩnh vực dược phẩm, năng lượng và tiêu dùng đã đẩy giá trị M&A toàn cầu lên mức cao mọi thời đại, vượt qua cả mức đỉnh được thiết lập vào năm 2007. Cụ thể, năm nay, tổng giá trị các thương vụ được công bố đã lên mức 4.600 tỉ USD, so với 4.300 tỉ USD cách đây 8 năm, theo số liệu của Thomson Reuters.
Nhiều trong số những thương vụ này có giá trị hàng chục hoặc hàng trăm tỉ USD, trong đó có các thương vụ “khủng” giữa các hãng dược Pfizer và Allergan, các hãng bia AB InBev và SABMiller và các gã khổng lồ dầu mỏ Royal Dutch Shell và BG Group.
Tìm kiếm tăng trưởng trong một môi trường kinh tế suy giảm, vốn giá rẻ và áp lực gia tăng lợi nhuận từ các nhà đầu tư chủ động là lý do nhiều doanh nghiệp thực hiện M&A. Các chuyên gia đàm phán thương vụ cho biết những yếu tố vĩ mô này vẫn không thay đổi trong năm tới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đã khuyến cáo về mối lo ngại đang tăng lên – chẳng hạn như một cuộc tấn công khủng bố mới như đã diễn ra tại Paris hồi tháng 11 hoặc một cuộc khủng hoảng tài chính khác – có thể làm suy yếu niềm tin của các doanh nghiệp và dập tắt cơn sốt M&A này. “Rõ ràng thị trường đã cẩn trọng hơn so với cách đây 1 năm”, Richard Sheppard, đồng đứng đầu bộ phận M&A cho châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại Deutsche Bank, nhận xét.
Một nỗi lo sợ có liên quan đến thị trường nợ lợi suất cao, nhất là từ sau khi xuất hiện mối quan ngại về việc một số công ty năng lượng có vay nợ lớn có thể đã gặp khó khăn trong việc trả lãi. Mặc dù thị trường trái phiếu rủi ro cao (junk bond) có quy mô nhỏ, nhưng theo các ông chủ ngân hàng, nguy cơ về hiệu ứng lan tỏa đang hiện hữu.
“Biến động trên thị trường trái phiếu lợi suất cao chắc chắn sẽ làm hạ nhiệt hoạt động M&A, đặc biệt là ở những thương vụ lớn hơn có sử dụng vốn vay nhiều”, Peter Weinberg, nhà sáng lập ngân hàng đầu tư Perella Weinberg Partners, nhận xét.
Chris Ventresca, đồng đứng đầu bộ phận M&A toàn cầu tại JPMorgan, thì cho rằng điều này có thể kích thích làn sóng các thương vụ “phòng vệ” khi nhiều doanh nghiệp tìm cách giải quyết các vấn đề xuất phát từ đợt suy giảm mang tính chu kỳ của nền kinh tế. “Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều thương vụ “phòng vệ” hơn trong các lĩnh vực liên quan đến hàng hóa khi các doanh nghiệp đối mặt với áp lực lớn về giá cổ phiếu và bảng cân đối kế toán trong năm vừa qua”.
Nhìn chung, các chuyên gia đàm phán tin rằng vẫn còn dư địa cho nhiều thương vụ M&A nữa khi hoạt động sáp nhập trong năm 2015 tính trên phần trăm giá trị thị trường vẫn nằm dưới mức năm 2007. “Đà của các thương vụ chiến lược đang mạnh … Có vẻ như năm 2016 sẽ giống năm 2015 rất nhiều”, Scott Barshay, luật sư của Cravath, Swaine & Moore, nhận xét.
Wilhelm Schulz, đứng đầu bộ phận M&A tại Citigroup khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi, cho biết không dễ lặp lại mức độ giao dịch như đã chứng kiến ở Mỹ trong năm 2015 sau khi giá trị thương vụ đã tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 2.300 tỉ USD, theo số liệu của Thomson Reuters. Ông cũng lưu ý rằng khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi vẫn ở dưới mức đỉnh năm 2007 và có thể sẽ tăng trưởng nhẹ.
Ông Ventresca thuộc JPMorgan cũng đồng tình khi nói rằng trong năm 2016, sẽ khó mà duy trì các thương vụ bom tấn như năm 2015. Tuy nhiên, ông dự báo: “Một khả năng cao hơn là chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng về số các thương vụ cỡ trung và nhỏ hơn khi các mức định giá thấp hơn khiến cho những công ty này trở thành các mục tiêu thâu tóm hấp dẫn, trong bối cảnh giá cổ phiếu suy giảm gần đây”.
(Theo FT)