Trong bối cảnh này, hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như đóng góp cho ngân sách Nhà nước của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Ảnh hưởng tới các chỉ tiêu kế hoạch của Tập đoàn
Các chỉ tiêu kế hoạch của PVN đã được Chính phủ phê duyệt dựa trên phương án giá dầu cân đối ngân sách năm 2015 là 100 USD/thùng, tỷ giá 1 USD đổi 21.500 đồng.
Nhìn vào chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn, theo các phương án giá dầu khác nhau (50, 45, 40, 35, 30 USD/thùng và giữ nguyên mức sản lượng đã được Chính phủ phê duyệt), có thể thấy, mức độ ảnh hưởng của giá dầu thấp đến doanh thu, lợi nhuận của PVN là rất lớn. Từ kết quả của Công ty mẹ, có thể thấy, hoạt động của các công ty con cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn tương ứng.
Trong trường hợp giá dầu ở mức trung bình 50 USD/thùng, doanh thu toàn Tập đoàn giảm 245,5 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN giảm 65,9 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 20,3 nghìn tỷ đồng so với mức giá dầu 100 USD/thùng theo kế hoạch.
Trong trường hợp giá dầu ở mức trung bình 40 USD/thùng, doanh thu toàn Tập đoàn giảm 283,9 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN giảm 79,2 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 24,7 nghìn tỷ đồng so với mức giá dầu kế hoạch.
Trong trường hợp giá dầu trung bình 30 USD/thùng, doanh thu toàn Tập đoàn giảm 348,4 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN giảm 101,7 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 27,6 nghìn tỷ đồng so với mức giá dầu kế hoạch.
Giá dầu giảm ảnh hưởng lớn tới lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn và các đơn vị do PVN sở hữu cổ phần. Theo các phương án được đưa ra dựa trên mức giá dầu, chỉ cần giá dầu xuống dưới 60 USD/thùng, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP) sẽ thiếu từ 560 - 650 triệu USD kinh phí hoạt động trong năm 2015.
Đối với Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP), cũng theo các phương án giá dầu (60, 50 , 45, 40 USD/thùng), dòng tiền PVEP phải thu xếp trên thị trường vốn trong năm 2015 là từ 700 - 1.500 triệu USD. Điều này là rất khó khăn trong bối cảnh kinh tế hiện tại.
Đối với Liên doanh Rusvietpetro (RVP), việc giá dầu giảm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận của RVP, bởi các chỉ tiêu này tính theo đồng ruble. Giá dầu giảm 40%, trong khi tỷ giá USD/ruble lại tăng lên 45%, do đó các chỉ tiêu không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, phần cổ tức hàng năm mà PVN được hưởng sẽ giảm đáng kể, chỉ bằng 68% so với kế hoạch do phải chuyển đổi sang USD.
Trong khi đó, giá dầu thô trên thế giới sụt giảm mạnh trong 6 tháng qua cũng đã phần nào tác động tiêu cực tới nguồn thu của Công ty Điều hành dầu khí Biển Đông. Hai sản phẩm chủ yếu mà Công ty Điều hành dầu khí Biển Đông hiện đang sản xuất là khí và condensate. Công ty Điều hành dầu khí Biển Đông phải cố gắng đảm bảo chỉ tiêu sản lượng khai thác cả khí và condensate theo kế hoạch đề ra, nhằm thực hiện đúng các cam kết theo các thoả thuận thương mại.
Theo kế hoạch năm 2015, PVN sẽ cân đối hoạt động đầu tư từ vốn chủ sở hữu là 52,97 nghìn tỷ đồng. Trong năm nay, PVN có thể đáp ứng đủ vốn chủ sở hữu cho nhu cầu đầu tư theo kế hoạch đề ra, tuy nhiên, từ năm 2016, nếu giá dầu không thay đổi theo hướng tích cực, việc tìm nguồn vốn bổ sung cho quỹ đầu tư phát triển là rất khó khăn.
Trong các kịch bản giá dầu ở mức 60, 50, 40, 30 USD/thùng, nguồn bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển của Tập đoàn trong những năm tiếp theo rất thấp so với nhu cầu đầu tư (nguồn bổ sung chỉ từ 2 - 4 nghìn tỷ đồng, trong khi nhu cầu đầu tư từ vốn chủ sở hữu của Tập đoàn năm 2015 - 2016 cần 45 - 53 nghìn tỷ đồng/năm).
Cắt giảm chi phí là ưu tiên hàng đầu
Được biết, PVN và các đơn vị thành viên căn cứ theo đặc điểm của từng đơn vị, trên cơ sở dự báo giá dầu trong thời gian tới, đã tổ chức rà soát lại tất cả các nhiệm vụ, chi phí dự kiến của năm 2015. Theo đó, cắt giảm tối đa các chi phí thuê ngoài, các nhiệm vụ chưa thật sự cấp bách. Mục tiêu đặt ra là tiết giảm từ 20 - 30% chi phí biến đổi trong cơ cấu giá thành khai thác dầu.
Bên cạnh đó, PVN đã xây dựng các giải pháp tài chính, đầu tư tổng thể trong toàn Tập đoàn (bao gồm cả kế hoạch huy động nguồn vốn) để ứng phó kịp thời với những biến động xấu nhất của giá dầu trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Tập trung vốn cho các dự án đầu tư có hiệu quả thuộc lĩnh vực sản xuất -kinh doanh chính, không đầu tư các dự án chưa thật sự cấp bách.
Để ứng phó với tình hình giá dầu liên tục xuống thấp, PVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Tập đoàn chủ động làm việc với các đối tác liên doanh trong và ngoài nước, các nhà điều hành khai thác mỏ để tối ưu hóa chương trình khai thác dầu khí theo nguyên tắc: rà soát sản lượng ở những mỏ có chi phí khai thác cao (trên 50 USD/thùng), đẩy mạnh sản lượng ở những mỏ có chi phí khai thác thấp (dưới 50 USD/thùng) và điều kiện kỹ thuật cho phép để vẫn đảm bảo sản lượng khai thác năm 2015 là 16,8 triệu tấn như kế hoạch Chính phủ đã giao.
Một vấn đề đáng lo ngại là các đơn vị dịch vụ dầu khí trên thế giới và khu vực đang gặp nhiều khó khăn, họ sẵn sàng tiến vào thị trường Việt Nam bằng mọi giá để giảm lỗ, đe dọa tới hoạt động của các đơn vị dịch vụ trong nước. Do vậy, PVN đề nghị Chính phủ cho phép Tập đoàn được tự tổ chức giao cho các đơn vị có chức năng trong Tập đoàn thực hiện cung cấp dịch vụ trong nội bộ các đơn vị sản xuất của Tập đoàn.
Trong số các giải pháp, để đảm bảo nguồn tài chính cho đầu tư phát triển của Tập đoàn trong năm 2015, 2016 và những năm tiếp theo; PVN đề xuất Chính phủ cho phép Tập đoàn được chủ động thực hiện thoái vốn ở một số đơn vị thành viên về mức nắm giữ hợp lý và được để lại phần thặng dư từ cổ phần hóa và tái cấu trúc doanh nghiệp để bù đắp cho quỹ đầu tư phát triển.