Khai mạc hội thảo, bà Lê Lệ Hằng, Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ SSIAM lên phát biểu về cơ hội đầu tư vào chứng chỉ quỹ ETF. Theo bà Hằng, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại hình đầu tư nhưng chưa đủ đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư. Việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ sẽ giúp giảm rủi ro so với việc lựa chọn một hoặc một nhóm cổ phiếu hay trái phiếu.
Có khá nhiều công ty quản lý quỹ thành lập các quỹ mở trong thời gian qua với những chiến lược đầu tư và kỳ vọng khác nhau tuy nhiên đặc điểm của quỹ mở chỉ cho hoán đổi sơ cấp, có một loại hình chứng chỉ quỹ được nhiều NĐT quan tâm là quỹ ETF hình thành từ hoán đổi danh mục.
Chứng chỉ quỹ ETF được niêm yết trên Sở GDCK nên tính thanh khoản cao, đây là sản phẩm kết tinh 2 sản phẩm thông thường là chứng khoán niêm yết và quỹ mở. Bà Hằng kỳ vọng thông qua buổi hội thảo nhà đầu tư sẽ có thêm kiến thức về quỹ ETF.
Theo ông Nguyễn Phan Dũng, phó TGĐ SSIAM, loại hình ETF sẽ tạo thậm công cụ đầu tư mới và làm thay đổi hành vi của các nhà đầu tư. ETF sẽ cân bằng lợi nhuận và rủi ro, bởi hiện tại với 2 kênh đầu tư cơ bản là đầu tư vào tài sản có thu nhập cố định (gửi tiết kiệm) thì không mang lại lãi suất thực cho nhà đầu tư trong khi đầu tư cổ phiếu hiện tại trên thị trường khá nhiều rủi ro.
Ông Dũng tin tưởng kênh đầu tư ETF sẽ thành kênh đầu tư phổ biến và hiệu quả trong thời gian tới. Ông Dũng cũng tiết lộ hiện tại SSIAM cũng đang xin cấp giấy phép thành lập quỹ ETF dựa theo chỉ số HNX30.
Tại buổi hội thảo, ông Dũng giới thiệu về các sản phẩm ETF và đưa ra bức tranh toàn cảnh về sức hấp dẫn của loại hình đầu tư này.
Trên thế giới, trong 4 năm qua dòng tiền vào các quỹ ETF tăng vượt trội, thống kê cho thấy có 81 tỷ USD chảy ra khỏi các quỹ truyền thống trong thời gian qua nhưng lại có hơn 700 tỷ USD đổ vào các quỹ ETF.
Tại Việt Nam hiện có 3 quỹ ETF đầu tư vào TTCK Việt Nam là Market Vector Vietnam ETF (quy mô 627 triệu USD) và FTSE Vietnam ETF (397 triệu USD), hai quỹ này có chiến lược đầu tư tập trung vào TTCK Việt Nam, ngoài ra còn có Ishare Frontier Market 100 nhưng tỷ trọng chỉ 3%.
Giá trị tài sản của VNM đã tăng 270 lần so với ngày đầu thành lập quỹ (năm 2009) trong khi giá trị tài sản của FTSE cũng tăng hơn 82 lần. Đây đều là quỹ offshore (quỹ nước ngoài đầu tư tại Việt Nam) nên các NĐT Việt Nam khó có thể mua chứng chỉ quỹ. Tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại mới có quỹ ETF đầu tiên là VFMVN30 do công ty VFM quản lý, mô phỏng theo chỉ số VN30. Hiện SSIAM cũng đang xin cấp phép cho quỹ ETF mô phỏng theo chỉ số HNX30.
Hai đại diện của Sở GDCK Hà Nội và Sở GDCK Tp.HCM cũng đã giới thiệu về hạ tầng và các sản phẩm ETF tại các Sở.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, giám đốc Nghiên cứu và phát triển Sở GDCK TP.HCM, điểm nổi bật của ETF tại Việt Nam đó là chỉ số tham chiếu do Sở GDCK tại Việt Nam xây dựng và quản lý (cụ thể là chỉ số VN30), thứ hai là ETF không giới hạn room với NĐT nước ngoài, thứ ba là Trung tâm lưu ý đã xây dựng hệ thống SBL áp dụng cho sản phẩm ETF cho phép thành viên lập quỹ được quyền vay chứng khoán hay ETF để thực hiện các giao dịch hoán đổi, ngoài ra phí giao dịch ETF trên thị trường thứ cấp thấp hơn cổ phiếu. HoSE đã hoàn thành các công tác chuẩn bị tại HoSE để sẵn sàng cho giao dịch ETF, về mặt hệ thống, các quy chế liên quan đến niêm yết, giao dịch…
Đối với ETF giao dịch trên sở GDCK Hà Nội, theo ông Nguyễn Văn Tâm, biên độ dao động của ETF cũng giống như cổ phiếu (±10%) và biên độ trong ngày đầu giao dịch là (±30%), ETF trên sở GDCK Hà Nội cũng không bị giới hạn room. Hiện chưa có ETF nào được cấp phép tại HNX.
Đại diện quỹ Van Eck lên giới thiệu về lịch sử hoạt động của quỹ và cơ chế giao dịch tại TTCK Việt Nam. Van Eck là quỹ đầu tiên đưa ra sản phẩm ETF và hiện quản lý 63 quỹ khác nhau tại các thị trường chứng khoán.
VNM rất thành công và thu hút nhiều NĐT mới trong năm 2013 và năm 2014, có mặt trên thị trường đến nay là 5 năm.
Có 7 bộ lọc khi lựa chọn các cổ phiếu vào rổ chỉ số, các cổ phiếu nước ngoài có thể thêm vào, đó là các công ty có tài sản lớn tại Việt Nam, VNM có tối thiểu 25 cổ phiếu trong danh mục và có mức chặn đối với các công ty VIệt Nam không vượt quá 8% trong rổ chỉ số, điều này tránh mức độ rủi ro cho NĐT như độ đa dạng hóa và tính minh bạch. Hiện trong rổ chỉ số VNM có 26 cổ phiếu và 70% danh mục là các cổ phiếu Việt Nam.