Gắn trách nhiệm của lãnh đạo với cổ phần hóa

Trong quý I năm 2015, cả nước mới cổ phần hóa (CPH) được vỏn vẹn 29 doanh nghiệp, bằng 10% tổng số doanh nghiệp phải CPH trong năm nay là 289 đơn vị.

Để hoàn thành mục tiêu CPH 432 doanh nghiệp đặt ra cho năm 2014 và 2015 (năm 2014 đã CPH được 143 doanh nghiệp), theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thì chỉ với quyết tâm thôi chưa đủ, mà cần phải sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình đa dạng hóa sở hữu doanh nghiệp nhà nước, đồng thời bản thân từng doanh nghiệp phải có đề xuất, kiến nghị cụ thể với cơ quan có thẩm quyền khi gặp khó khăn, vướng mắc.

Gắn trách nhiệm của lãnh đạo với cổ phần hóa
Trong quý I/2015, cả nước mới CPH được 29 doanh nghiệp, bằng 10% tổng số DN phải CPH trong năm nay là 289 đơn vị

"Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp sau khi CPH được cải thiện đáng kể. Tổng hợp số liệu báo cáo của 2.400 đơn vị sau một năm CPH cho thấy, vốn điều lệ tăng bình quân 68%; doanh thu tăng 34%; lợi nhuận sau thuế tăng gần 100%; nộp ngân sách tăng 47%; thu nhập bình quân đầu người tăng 77%", ông Bằng cho biết.

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) là một đơn vị điển hình trong CPH, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Năm 2013, thời điểm thị trường vốn rất khó khăn, lĩnh vực giao thông, vận tải lại càng "bết bát", nhưng Bộ GTVT vẫn CPH được 97 doanh nghiệp, trong đó có 14 tổng công ty. "Vào thời điểm ấy, nhiều người không tin rằng, chúng tôi có thể CPH được tới 97 doanh nghiệp vì nhiều tổng công ty trong ngành có số vốn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu đặt ra. Với đà này, vào cuối năm nay, Bộ chỉ còn 16 công ty TNHH một thành viên hoạt động trong lĩnh vực công ích. Ngay cả các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cũng đang rốt ráo xã hội hóa, đơn vị nào có thể cổ phần hóa được cũng tiến hành ngay", ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết.

Nói về kinh nghiệm giúp Bộ GTVT thực hiện vượt mục tiêu CPH, thoái vốn nhà nước, ông Minh cho biết, trong quá trình thực hiện không nên chỉ bám chặt vào cơ chế, chính sách, văn bản, chế độ hiện hành, mà cần phải sáng tạo, khâu nào vướng mắc, điểm nào không phù hợp thì phải chủ động đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ, cho thực hiện thí điểm.

Đơn cử như việc đối chiếu công nợ, theo quy định, trước khi xác định giá trị doanh nghiệp phải đối chiếu toàn bộ công nợ. Đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản, việc đối chiếu công nợ vô cùng khó khăn, phức tạp, mất rất nhiều thời gian vì nhiều doanh nghiệp có những khoản nợ 5-7 năm vẫn chưa thể quyết toán được. Trước thực tế này, Bộ GTVT đã mạnh dạn đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đơn vị nào đối chiếu được trên 80% công nợ cũng xác định ngay giá trị doanh nghiệp và tiến hành CPH.

"Hay như việc lựa chọn tổ chức tư vấn CPH, nếu tổ chức đấu thầu theo đúng quy định thì mất rất nhiều thời gian, nhiều đơn vị mất tới 3 tháng không lựa chọn được tổ chức tư vấn. Từ thực tế này, chúng tôi kiến nghị được phép chỉ định tổ chức tư vấn thay vì đấu thầu theo quy định, do đó thời gian để lựa chọn tổ chức tư vấn chỉ mất khoảng 20 ngày", ông Minh cho biết.

Muốn hoàn thành CPH 289 doanh nghiệp còn lại trong năm nay, theo ông Minh, ngoài quyết tâm chính trị, sự sát sao của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, thì cần phải gắn trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo các vụ, cục, sở, ngành trong tiến trình CPH đối với từng đơn vị. Như vậy, họ mới tận tâm, tận lực đề xuất, kiến nghị cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc đối với từng đơn vị cụ thể chứ không ngồi chờ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành văn bản quy phạm pháp luật chung để tháo gỡ.

Tỷ lệ thành công trong đấu giá cổ phần lần đầu khi tiến hành CPH, thoái vốn năm 2014 đạt trên 60%. Nhưng theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), tỷ lệ này còn thấp, trong đó có nguyên nhân doanh nghiệp công bố thông tin về tình hình tài chính, sản xuất, kinh doanh quá ngắn, thường chỉ bảo đảm đúng thời gian tối thiểu theo quy định nên nhà đầu tư không có đầy đủ thông tin và nhiều khi cũng không chuẩn bị kịp nguồn tài chính để tham gia đấu giá. Ngoài ra, việc nhà đầu tư chưa thực sự mặn mà với các phiên đấu giá cổ phần còn có nguyên nhân doanh nghiệp thường chỉ cung cấp những thông tin tối thiểu theo quy định, không đáp ứng được đòi hỏi của nhà đầu tư.

"Muốn người ta bỏ tiền ra mua cổ phần, cùng mình tham gia quản trị, điều hành, tái cơ cấu doanh nghiệp thì bản thân doanh nghiệp phải công bố thông tin càng nhiều càng tốt. Thông tin phải minh bạch, trung thực và thời gian công bố thông tin phải đủ dài, chứ không như hiện nay, nhiều đơn vị cung cấp thông tin tối thiểu với thời gian công bố tối thiểu", ông Hải khuyến cáo.