Công ty chứng khoán FPT (FPTS) đã có những đánh giá của mình về việc 8 công ty sữa bao gồm CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk, CTCP Đại Tân Việt, Công ty FrieslandCampina Việt Nam, CTCP Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm, CTCP Hóa chất Á Châu, CTCP Thế Hệ Mới, CTCP Sữa Hà Nội - Hanoimilk, CTCP TM và Công nghệ Thực phẩm Hoàng Lâm vừa bị Chi cục Kiểm tra sau thông quan (Chi cục Hải quan TP.Hải Phòng) yêu cầu phải nộp bổ sung đủ tiền thuế chênh lệch trong 5 năm qua chỉ trong vòng 10 ngày kể từ ngày ra thông báo.
Có thể tóm tắt sự việc như sau, từ năm 2000 đến nay, các doanh nghiệp sữa trong nước nhập khẩu mặt hàng có tên thương mại là Anhydrous Milkfat (còn gọi là dầu bơ khan) từ New Zealand về Việt Nam để sản xuất, kinh doanh. Mặt hàng này có mã số là 0405.90.10, tương ứng với thuế suất nhập khẩu là 5%. Đến ngày 24.11.2015, Tổng cục Hải quan lại phân loại mặt hàng này theo mã số là 0405.90.90, tương ứng với thuế suất nhập khẩu là 15%. Theo đó, phần chênh lệch mức thuế nhập khẩu này sẽ bị truy thu từ năm 2010 đến nay, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra thông báo.
Theo đánh giá của FPTS, đây là thông tin thể hiện sự thiếu nhất quán và thiếu cơ sở của Cục Hải quan Hải Phòng do theo biểu thuế của Tổng cục Hải Quan mà FPTS tra cứu được thì mã số 0405.90.10 gán cho cho hàng hóa “Chất béo khan của bơ” và mã số 0405.90.90 gán cho hàng hóa “Loại Khác” (tra cứu biểu thuế tại đây).
Theo Quy chuẩn Codex của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa Thực phẩm quốc tế, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam, Tiêu chuẩn Quốc gia Việt Nam thì tên gọi Anhydrous Milkfat chính là chất béo khan của bơ. Như vậy rất rõ ràng là sản phẩm này phải mang mã số 0405.90.10, ứng với mức thuế nhập khẩu 5%.
Bên cạnh đó, từ năm 2000 đến nay, các Doanh nghiệp sữa khi nhập khẩu các mặt hàng này đều phải thực hiện khai báo, phân tích mẫu để xác định bản chất, thành phần cấu tạo để xác định mã số và mức thuế.
Tất cả kết quả giám định đều xác định mặt hàng Anhydrous Milkfat được xếp vào mã số 0405.90.10. Như vậy, cùng 1 mặt hàng nhưng lại được phân loại ở 2 mã số khác nhau, đây là điều rất vô lý. Và giả sử việc phân loại trước đây là sai, thì phần lỗi thuộc về bộ phận giám định chứ không phải thuộc về các doanh nghiệp.
Tóm lại, về phía các doanh nghiệp sữa, bao gồm CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk, CTCP Đại Tân Việt, Công ty FrieslandCampina Việt Nam, CTCP Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm, CTCP Hóa chất Á Châu, CTCP Thế Hệ Mới, CTCP Sữa Hà Nội - Hanoimilk, CTCP TM và Công nghệ Thực phẩm Hoàng Lâm đây là thông tin mang tính khách quan và bất lợi cho họ. Đại sứ quán New Zealand và các doanh nghiệp sữa cũng đã có những phản ứng rất kịch liệt trước thông tin này.
Riêng đối với Vinamilk về mặt cơ bản doanh nghiệp thì Vinamilk hoàn toàn không có sai phạm trong việc này. Tuy sự việc vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng, nhưng khả năng giá cổ phiếu của Vinamilk (VNM) trong vài ngày tới có thể sẽ bị ảnh hưởng do tâm lý nhà đầu tư trước thông tin xấu này.