Thông tin từ Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, Dự án Nhà máy Sản xuất, lắp ráp điện tử, máy tính của Công ty TNHH Công nghệ kỹ thuật cao Foxconn Việt Nam (Đài Loan), tổng vốn đầu tư 200 triệu USD, đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư trong tháng 6 vừa qua.
Lý do, được ông Nguyễn Tiến Hạnh, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết là vì từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Foxconn không triển khai Dự án.
Thực tế, đây là "cái chết được báo trước", bởi chuyện Foxconn chậm tiến độ, lừng khừng triển khai Dự án đã kéo dài nhiều năm và Vĩnh Phúc cũng đã nhiều lần cảnh báo thu hồi dự án này.
Foxconn chính thức nhận chứng nhận đầu tư để triển khai Dự án 200 triệu USD nói trên và Dự án Xây dựng và Kinh doanh hạ tầng KCN Bình Xuyên 2, vốn đầu tư 25 triệu USD, từ tháng 2/2008. Kế hoạch khi đó, Foxconn sẽ hoàn thành xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động đầu năm 2009, và biến vùng đất này thành một trung tâm sản xuất đồ điện tử.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, việc xây dựng nhà máy vẫn chưa được tiến hành và Foxconn cũng đã nhiều lần xin giãn tiến độ xây dựng nhà máy. Đất đai bỏ hoang khiến người dân bức xúc. Thậm chí, có thời điểm, người dân quanh vùng còn gọi Foxconn là "đại gia xí đất". Cũng may, trong tổng diện tích đất thuộc vùng dự án của Foxconn là 485 ha, mới có gần 64 ha đã được bàn giao cho Công ty.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, cùng trong giai đoạn 2007 - 2008, Vĩnh Phúc nhận hai dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn, đều sản xuất máy tính xách tay, đồ điện tử, điện thoại di động, một của Foxconn, một của Compal (vốn đầu tư 500 triệu USD). Kế hoạch của hai nhà sản xuất chuyên gia công sản phẩm cho các thương hiệu lớn của Apple, HTC, Lenovo, Sony… vào thời điểm đó là biến Vĩnh Phúc thành cứ điểm sản xuất lớn của mình trên toàn cầu. Không chỉ lãnh đạo tỉnh, mà người dân Vĩnh Phúc cũng khấp khởi kỳ vọng.
Tuy nhiên đến nay, Foxconn đã chính thức bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Lỡ dở một dự án, phá tan kỳ vọng của người dân quanh vùng về một dự án sản xuất đồ điện tử, điện thoại di động quy mô lớn, mang lại việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.
Trong khi đó, Compal mới đây đã khẳng định kế hoạch sẽ sản xuất smartphone tại Việt Nam thay cho kế hoạch trước đó là máy tính xách tay. Mặc dù vậy, cho tới thời điểm này, hồ sơ dự án của Compal vẫn chưa được trình lên các cơ quan chức năng Việt Nam. Một phần nhà máy của Compal vẫn đang được cho Công ty In điện tử Minh Đức thuê để thực hiện việc in ấn bao bì, tài liệu cho Samsung. Công ty Minh Đức cũng vừa chính thức thuê thêm 10 ha đất ở KCN Bá Thiện, nâng vốn đầu tư từ 21 triệu USD lên 50 triệu USD, để mở thêm phân xưởng sản xuất linh, phụ kiện điện tử dùng cho điện thoại di động.
Cả Foxconn và Compal cùng với kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam cùng đều xí đất để xây dựng cơ sở hạ tầng KCN. Tuy nhiên, năm ngoái, Compal đã chính thức trả lại Dự án KCN Bá Thiện, quy mô 327 ha (chỉ giữ lại 100 ha phần diện tích mà nhà máy Compal được xây dựng trên đó). Hiện Ban quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đang đứng ra hoàn thiện Dự án và thu hút các dự án đầu tư thứ cấp.
Trong khi đó, Dự án KCN Bình Xuyên II của Foxconn (đầu tư thông qua công ty con mang tên Fuchuan) đã điều chỉnh quy mô từ 485 ha xuống còn 45,6 ha, phần diện tích còn lại, tỉnh Vĩnh Phúc đang kêu gọi nhà đầu tư Sumitomo (Nhật Bản) vào đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN. Trên diện tích 45,6 ha, Fuchuan đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đã bắt đầu thu hút được các dự án đầu tư thứ cấp.
Trong số này, đáng chú ý là các dự án của Công ty Chadiostech Vina (Hàn Quốc), vốn đầu tư 13,9 triệu USD; hay của Nedec (Hàn Quốc), vốn đầu tư 10 triệu USD… Cả hai dự án này đều sản xuất linh kiện cho điện thoai di động của Samsung. Tuy quy mô dự án không quá lớn nhưng lại được Vĩnh Phúc đánh giá cao bởi đã góp phần hồi sinh KCN Bình Xuyên II, sau một thời gian dài gặp khó khăn, không thu hút được nhà đầu tư thứ cấp. Hơn nữa, đây cũng là các dự án phù hợp với chủ trương khuyến khích phát triển ngành công nghiệp điện tử và công nghiệp phụ trợ của Vĩnh Phúc.
Số phận của Foxconn cuối cùng đã được định đoạt. Kế hoạch "phủ sóng" đầu tư ở Việt Nam, quy mô lên tới 5 tỷ USD mà tập đoàn này công bố từ năm 2007, xem ra không thể thực hiện được.