Xếp hạng trên phản ánh quy mô nhỏ của Vingroup so với các công ty bất động sản toàn cầu và chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ của tập đoàn này.
Đồng thời, mức xếp hạng "B+" cũng cho thấy các điều kiện kinh tế vĩ mô ngày càng cải thiện của Việt Nam, yếu tố có thể thúc đẩy đà tăng trưởng của doanh số bất động sản; vị thế thị trường mạnh mẽ của Vingroup là công ty BĐS niêm yết lớn nhất tại Việt Nam; và nguồn quỹ đất dồi dào cũng như thanh khoản phù hợp của tập đoàn này.
Hơn nữa, động thái trên cũng thể hiện kỳ vọng của Fitch rằng các dự án mới của Vingroup là Vinhomes Nguyễn Chí Thanh và Vinhomes Tân Cảng sẽ mở bán thành công và cung cấp phần lớn nguồn vốn cho các khoản chi phí đầu tư cơ bản từ nửa sau năm 2014.
Tỷ lệ doanh số bán nhà ở dân cư của Vingroup đã tăng từ mức 70-80% trong năm 2013 lên khoảng 90% căn hộ đã mở bán trong 8 tháng đầu năm 2014. Fitch kỳ vọng Vingroup sẽ duy trì được tỷ lệ doanh số này nhờ môi trường kinh tế vĩ mô tốt hơn và các dự án mới được mở bán.
Fitch có thể đưa ra các đánh giá tiêu cực về xếp hạng tín nhiệm của Vingroup nếu xảy ra một hoặc tất cả các yếu tố sau đây: (1) không đạt được tổng doanh thu tiền mặt ít nhất 15 ngàn tỷ đồng/năm và duy trì tỷ lệ nợ ròng/tồn kho ròng của các BĐS bán trước và các khoản đầu tư BĐS dưới 60% (trong năm 2013 tỷ lệ này là 37%); và (2) trần xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam bị hạ từ mức "B+" như hiện nay.
Tổ chức này cũng cho biết sẽ không thực hiện các đánh giá tích cực về xếp hạng tín nhiệm của Vingroup trong trung hạn do khoản đầu tư vào các bất động sản mang tính chu kỳ và quy mô nhỏ của tập đoàn này.