Công ty Cổ phần Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP.HCM - Fideco (FDC), đã bất ngờ công bố mua lại 95% cổ phần Công ty TNHH Đầu tư Phúc Thịnh Đức với giá trị hơn 195 tỉ đồng từ công ty Phát triển nhà Thủ Đức. Đầu tư Phúc Thịnh Đức là chủ đầu tư của Dự án Chung cư TDH - Phúc Thịnh Đức, tại P. Phước Long A, Quận 9, TPHCM. Hiện dự án vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, triển khai thiết kế theo dòng sản phẩm căn hộ nhỏ.
Động thái này của FDC khiến các nhà phân tích đồn đoán rằng, dường như họ đang muốn quay trở lại lĩnh vực bất động sản. Dù vậy, vận mệnh của FDC sắp tới vẫn còn là ẩn số. Bởi nếu nhìn vào lịch sử của FDC trong giai đoạn gần đây, rất khó để tin rằng họ thực sự muốn tiếp tục phát triển doanh nghiệp.
"Xẻ thịt" công ty
Hiếm thấy có doanh nghiệp nào mà ban lãnh đạo thừa nhận không muốn tiếp tục phát triển công ty như Fideco. Trong khi đó, nhiều tài sản được rao bán rồi lấy tiền chia cổ tức hết. Thậm chí, quỹ đầu tư phát triển cũng được đem ra chia chác. Những động thái diễn ra gần đây tại Công ty Cổ phần Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP.HCM - Fideco (FDC), làm dấy lên nghi vấn "xẻ thịt" công ty, sau khi các cổ đông mới lên nắm quyền.
Nghi vấn này càng đậm nét khi thông báo điều chỉnh cổ tức lên mức cao, bằng tiền mặt, lần thứ 3 được công bố. Cụ thể, hồi cuối tháng 8.2015, FDC cho biết đã thống nhất đưa cổ tức bằng tiền mặt từ mức 10% lên 39%, tức tăng gần 4 lần. Còn nhớ, năm 2013 và 2014, dù kết quả kinh doanh giảm đáng kể do được chủ động thu hẹp, nhưng cổ đông FDC vẫn được nhận cổ tức đến 30% và 43,5% bằng tiền mặt.
Ban lãnh đạo FDC có cách khá đặc biệt để đạt được thoả thuận chia cổ tức cao. Tại đại hội cổ đông vài năm qua, mức chính thức được thông qua chỉ 10-12%. Tuy nhiên, con số này sau đó được điều chỉnh lên mức cao qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản. Hình thức này hay ở chỗ, cổ đông nhỏ chắc hẳn hài lòng với lợi tức cao từ đầu tư cổ phiếu FDC, cổ đông lớn cũng là ban lãnh đạo - khỏi phải trả lời chất vấn của cổ đông để thông qua.
Để chia cổ tức cao, ban lãnh đạo FDC tận dụng triệt để nguồn tiền mặt hiện có. Như mới đây, nguồn quỹ đầu tư phát triển được chuyển hẳn sang khoản lợi nhuận chưa phân phối để chia cho cổ đông. Tính đến cuối tháng 6.2015, quỹ này còn hơn 45 tỉ đồng, sẽ được cộng dồn vào khoản lợi nhuận trên với hơn 46 tỉ đồng. Một khi nguồn tiền đã có, FDC quyết định chi ngay cổ tức năm 2015 trong năm, thay vì ứng trước một phần và trả hết vào năm kế tiếp như thông thường.
Chuyện "chi ngay" khi có nguồn tiền mặt không lạ với FDC. Sau khi bán toà nhà Fideco Tower trong năm 2013 (thông qua công ty con Fidecoland), cổ tức năm 2014 được thông qua tại đại hội cổ đông lên đến 48% (sau giảm còn 43,5%) và đã ứng trước 36% vào tháng 11.2014.
Không chỉ chia cổ tức cao, sau khi "thay máu" máu ban lãnh đạo, FDC lần lượt bán đi các tài sản có giá trị. Điển hình như vụ bán tài sản mang lại doanh thu chính hàng năm là Fideco Tower hồi năm 2013. Cùng thời điểm, Công ty cũng chuyển nhượng hết 60% vốn tại Công ty Cổ phần Ngoại thương Phát triển và Đầu tư Đức Lợi. Hiện FDC còn sở hữu 100% vốn Công ty Đầu tư Xây dựng Cơ sở Hạ tầng Khu công nghiệp Chơn Thành và 30% vốn Công ty liên kết Phát triển Đô thị Đông Bình Dương. Tổng giá trị sở hữu gần 60 tỉ đồng.
Tại đại hội cổ đông 2015 vừa rồi, đại diện FDC cho biết vẫn đang theo dõi các dự án đang triển khai, bao gồm dự án do hai công ty con trên phụ trách. Qua đó, FDC gián tiếp xác nhận rằng, các dự án ấy sẽ tiếp tục bị trì hoãn. Bởi doanh thu năm 2015 chủ yếu đến từ hoạt động tài chính, như đầu tư chứng khoán và thoái vốn ở một số công ty liên kết và bất động sản. Như vậy, khả năng những công ty này được bán luôn rất cao.
Chia cổ tức cao, bán tài sản thu tiền về nhưng ban lãnh đạo FDC không chủ động phát triển kinh doanh, ngược lại còn thu hẹp. Doanh thu mấy năm qua thu hẹp đáng kể, nguồn thu chủ yếu đến từ các khoản tài chính như bán tài sản, nhận cổ tức. Nếu có tâm ý với hoạt động kinh doanh, hẳn ban lãnh đạo FDC đã không bỏ mặc công ty trong mấy năm liền như vậy. Ngoại trừ năm 2013 doanh thu cao kỉ lục nhờ bán tài sản, năm 2012 và 2014, doanh thu FDC giảm lần lượt hơn 70% và hơn 90% so với năm 2011, thời điểm trước khi Công ty đổi chủ.
Hậu M&A: vừa buồn vừa vui
Thương vụ M&A tại Fideco diễn ra khá êm thấm nhưng cũng có nhiều biến động khó hiểu. Từ khi đổi chủ năm 2011 đến nay, ban lãnh đạo mới của FDC liên tục thay đổi đến 3 lần. Đồng thời, một số cổ đông lớn cũng bán hết cổ phiếu.
Tháng 7.2015 rồi, ông Trần Bảo Toàn được bầu làm chủ tịch cho nhiệm kì mới 2014-2019, thay chủ tịch cũ là ông Phạm Văn Hùng. Chủ tịch cũ trước đó nữa là ông Trần Thanh Hải, người được bầu thay thế vị trí lãnh đạo Fideco trước cuộc thâu tóm là ông Trần Hữu Chinh.
Nhân sự cấp cao từ nhiệm không biết sẽ tiếp tục làm gì. Có thể các vị này sẽ rút lui hẳn vì đã bán hết cổ phiếu. Cựu chủ tịch Hùng cùng vợ và công ty liên quan Đầu tư Long Thành đã bán hết tổng cộng gần 20% cổ phần FDC. Đồng thời, Công ty Cổ phần Sao Phương Nam, đơn vị liên quan với thành viên hội đồng quản trị Nguyễn Thế Hưng cũng công bố bán hết hơn 15% cổ phần FDC. Hiện chỉ còn Công ty TNHH Doanh Bảo An, đơn vị liên quan chủ tịch Toàn, thuộc nhóm lãnh đạo mới sau M&A, là còn nắm 16,5% cổ phần FDC.
Giám đốc Đầu tư một công ty chứng khoán cho rằng, động thái trên cũng khá dễ hiểu. "Mục đích là nhằm hiện thực hoá lợi nhuận thương vụ M&A", ông nói.
Trong mỗi thương vụ M&A, nhóm đi "săn" thường nhắm đến một mục tiêu nhất định ở "con mồi". Với FDC dễ thấy là tài sản. Hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu là lĩnh vực nhiều rủi ro, về giá cả lẫn tỉ giá, nên không khiến cho những nhà đầu tư tài chính thấy hứng thú phát triển tiếp.
Mặt khác, nhóm đi "săn" phải tìm cách nhanh chóng thu về tiền mặt. Hầu hết các thương vụ M&A đều dùng tiền đi vay, trừ một số doanh nghiệp thông thạo kiến trúc tài chính dùng công cụ hoán đổi cổ phiếu hay hối phiếu. Do đó, các hoạt động thu tiền về như bán tài sản, thoái vốn công ty liên kết và chia cổ tức bằng tiền mặt tỉ lệ cao nối tiếp diễn ra.
Về góc độ kinh doanh, động thái của nhóm cổ đông mới khiến bộ phận lãnh đạo cũ thất vọng không ít. Tài sản chính bị bán, doanh thu giảm mạnh, hoạt động kinh doanh trì trệ... hẳn không phải là ý muốn của những người sáng lập và gắn bó hơn 20 năm. Tình cảnh này cũng được xem là đáng buồn với những người kì vọng về viễn cảnh phát triển sau M&A.
Tuy nhiên, với nhóm đi "săn", có lẽ đây là thương vụ khá thành công, như nhiều thương vụ thâu tóm nhắm đến đất vàng như trước đây. Sau khi M&A thuận lợi, nhóm cổ đông mới nhận được cổ tức với tỉ lệ khá cao. Cùng với những thông tin này, họ còn được hưởng lợi khi bán cổ phiếu với giá tốt. Mức lợi nhuận thu được từ thương vụ này, chỉ những người bỏ tiền ra đầu tư mới biết rõ được, nhưng cũng dễ thấy là không hề ít. Như vậy, về lý thuyết mà nói, thương vụ này đã thành công và mang đến niềm vui cho nhóm đi "săn".Niềm vui đó cũng được các cổ đông nhỏ lẻ hưởng lây. Khoảng 49% cổ đông nhỏ lẻ cũng được nhận cổ tức bằng tiền mặt tỉ lệ cao trong liên tục 3 năm qua.
Sau khi vài cổ đông lớn bán hết cổ phiếu, việc tiếp tục phát triển công ty hay thoái lui hẳn là vấn đề đáng được quan tâm. Hiện chỉ còn phía chủ tịch công ty là cổ đông lớn, FDC cũng rót tiền vào mảng bất động sản nhưng chưa hẳn đã thể hiện điều gì chắc chắn. Tương lai của FDC có lẽ sẽ phụ thuộc vào định hướng đầu tư tài chính mà chủ tịch Toàn tuyên bố trước đây.