CTCP Đầu tư & Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam (HNX: FID) được thành lập năm 2010 bởi 4 cổ đông sáng lập với vốn điều lệ ban đầu chỉ có 10 tỷ đồng. Ngay từ những ngày đầu thành lập, FID hoạt động chủ yếu về môi giới bất động sản. Từ năm 2014, công ty mở rộng kinh doanh thương mại các mặt hàng quặng kim loại, vật liệu xây dựng và tham gia tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp...
Cũng trong năm 2014, FID tăng vốn gấp 10 lần thông qua phát hành 9 triệu cổ phần với tỷ lệ 1:9 cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn lên 100 tỷ đồng và sau đó tiến hành niêm yết lên sàn chứng khoán vào tháng 5/2015.
Vừa mới “chân ướt chân ráo” lên sàn chứng khoán, FID đưa kế hoạch kinh doanh đầy táo bạo với hàng loạt con số khủng: Vốn điều lệ, doanh thu và lợi nhuận cùng tăng gấp 3-4 lần. Cụ thể, vốn sẽ tăng từ 100 lên 300 tỷ đồng bằng việc phát hành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:2; doanh thu đề ra 560 tỷ đồng và lợi nhuận sẽ ở mức 63 tỷ đồng.
Sang năm 2016 và 2017, vốn điều lệ và lợi nhuận được FID đưa ra với mức tăng trưởng theo cấp số nhân. Cụ thể, đến năm 2017, FID dự kiến vốn sẽ tăng lên 1,500 tỷ đồng (gấp 15 lần so với thời điểm hiện tại), lợi nhuận sau thuế tăng lên 435 tỷ đồng, bằng 2.2 lần con số ước năm trước đó.
Cùng với quá trình tăng vốn, FID dự kiến sẽ chuyển cổ phiếu sang niêm yết trên HOSE nhằm tạo thuận lợi phát triển trong tương lai.
Một số chỉ tiêu kinh doanh của FID giai đoạn 2015-2017
Cổ đông sáng lập và cũng là đối tượng góp vốn nhiều nhất vào FID chính là vị Chủ tịch Bùi Đình Như; ông đang nắm giữ 1 triệu cp, tương đương với 10% vốn. Ông từng là kế toán trưởng tại Cục giám định Nhà nước Bộ Xây dựng và có gần 10 năm kinh nghiệm với thị trường chứng khoán. Ông đã kênh qua vị trí giám đốc tư vấn tại khá nhiều công ty chứng khoán như An Thành (ATSC), TM&CN Việt Nam (VICS), Việt Quốc (VQS), Đại Dương (OCS), Phú Hưng (PHS) trước khi là Chủ tịch FID vào giữa năm 2014. Ngoài ông Như, FID còn có 3 cổ đông lớn khác là CTCP Finway nắm 6%, 2 thành viên HĐQT là ông Hoàng Ngọc Chiến và Lê Tự Đức mỗi người nắm 5% vốn.
Có thể thấy, định hướng phát triển của FID khá giống nhiều doanh nghiệp mới lên sàn trong thời gian gần đây như GTN, AMD... mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận gấp nhiều lần cùng với việc tăng vốn không ngừng nghỉ. Trước đó cũng có những doanh nghiệp đã “thổi phồng” vốn rất thành công trên sàn chứng khoán như như FIT, HAI, HQC, PDR, KLF hay DCL…
Ma trận đầu tư đa ngành bắt đầu ra sao?
Theo kế hoạch lên sàn, FID sẽ tiếp tục tăng vốn bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược nhằm đảm bảo vốn cho các dự án bất động sản, song song đó trọng yếu là đầu tư tài chính vào một số công ty khoáng sản và nông dược vốn dĩ là đối tác lâu năm của FID.
Về trung hạn, công ty sẽ nâng quy mô vốn điều lệ trên 1,000 tỷ đồng và dài hạn sẽ trên 5,000 tỷ để nắm giữ từ 51% vốn những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh đặc thù, độc quyền mang lại doanh thu và lợi nhuận đột biến.
Và từ năm 2014, có thể thấy FID đã từng bước thực hiện kế hoạch. Trước mắt là việc nắm sở hữu 51% vốn tại CTCP Đầu tư Xây lắp và Thương mại Việt Nam (VIT), chuyên về lắp đặt hệ thống điện, lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp, buôn bán vật liệu xây dựng. Năm 2014, công ty này đạt doanh thu gần 19 tỷ đồng và lãi trước thuế 2 tỷ đồng.
Ở lĩnh vực kinh doanh thương mại kim loại, quặng kim loại và đá hạt quartz cc, FID đã từng bước tiếp xúc và quan hệ đối tác với CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc (HOSE: KTB) để bổ trợ trong mảng hoạt động này.
Bên cạnh đó, FID từng góp vốn vào CTCP Xuất Nhập khẩu Lâm nghiệp Yên Bái để đầu tư cho dự án trồng rừng cung cấp cho nhà máy chế biến gỗ MDF Yên Bái với hợp đồng trị giá 21 tỷ đồng trong năm 2014. FID tham gia cùng CTCP Finway trong dự án cung cấp hệ thống điều hòa không khí và thông gió trị giá 12 tỷ đồng (mỗi bên góp 50%) và hợp đồng liên doanh với công ty Sản xuất và Thương mại Nhật Cường 6.7 tỷ đồng.
Trong mảng môi giới bất động sản, FID có một sàn giao dịch bất động sản là VNDILand, phân phối một số dự án như Cát Bà AMTINA, HATECO Hoàng Mai, chung cư cao tầng và trung tâm thương mại, văn phòng Thăng Long Garden...
Tháng 11/2014, FID cũng đã tiến hành thỏa thuận liên kết đầu tư bất động sản, khách sạn và vật liệu xây dựng với Công ty TNHH Hải Long tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Và cũng vào cuối năm 2014, Hải Long chuyển thành CTCP, theo đó FID cho biết sẵn sàng trở thành cổ đông chiến lược, hỗ trợ tư vấn giúp Hải Long có thể niêm yết trên HNX.
Không dừng ở đó, công ty tiếp tục bành trướng trong mảng khoáng sản thông qua việc ký hợp đồng đối tác chiến lược với CTCP KAD Việt Nam vào cuối năm 2014 để triển khai khai thác xuất khẩu đất hiếm sang Nga và Nhật Bản. Qua đó, FID sẽ nắm 30% vốn của KAD, tương ứng 20.4 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2015, KAD cũng sẽ nối gót FID niêm yết trên HNX để có thể tăng vốn cạnh tranh trong lĩnh vực đất hiếm và thúc đẩy những dự án bất động sản công ty đang theo đuổi.
Năm 2015, FID nhận chuyển nhượng hơn 110 ha đất nuôi thủy sản từ một cá nhân ở Hải Phòng để chuyển đổi thành đất công nghiệp. Qua đó, công ty sẽ cùng với một số đối tác khác lập ra dự án khu công nghiệp Đình Vũ mở rộng, với thời hạn thuê 50 năm. Đây sẽ là khu công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch có công viên và cơ sở hạ tầng, thời gian chuyển nhượng dự kiến từ quý 2/2015 đến quý 4/2017.
Lĩnh vực và các công ty mà FID đầu tư
Ngành nào mang lại lợi nhuận lớn nhất?
Năm 2013, trước khi dấn thân đa ngành, 99% trong cơ cấu doanh thu của FID là từ hoạt động thương mại bán hàng VLXD. Qua đó lợi nhuận mang về gần 2 tỷ đồng.
Năm 2014, cùng với việc đầu tư đa ngành, doanh thu hợp nhất của FID đạt hơn 171 tỷ đồng, gấp đến 19 lần so với năm 2013. Kết quả này là nhờ đóng góp của các Công ty liên quan đến bán quặng sắt, đá hạt quartz cc với hơn 126 tỷ đồng và 18 tỷ đồng xây lắp từ Công ty con VIT.
Tuy nhiên, cơ cấu lợi nhuận 2014 có sự khác biệt lớn, lợi nhuận từ cung cấp dịch vụ chiếm ưu thế với gần 60%, song song đó, hạt quartz cc và xây dựng đóng góp 18% và 23% tổng lợi nhuận hợp nhất.
Cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của FID năm 2013 và 2014